Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà

Câu hỏi: Tháng 7/2018 tôi kí hợp đồng thuê nhà mặt đường X để kinh doanh thời trang. Trong hợp đồng có nêu rõ bên cho thuê có nghĩa vụ bảo hành, bảo trì nhà khi nhà xuống cấp để bảo đảm an toàn cho bên thuê. Tuy nhiên, thuê nhà được ba tháng thìnhà có hiện tượng nứt nẻ, xuống cấp , gây ảnh hưởng trực tiếp hoạt động kinh doanh của tôi. Tôi có yêu cầu bên cho thuê sửa nhưng họ không sửa, bây giờ tôi muốn chấm dứt hợp đồng thuê nhà để đi thuê chỗ khác có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Khoản 2 Điều 30 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về việc đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng như sau:

“2. Bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Không sửa chữa nhà, công trình xây dựng khi nhà, công trình xây dựng không bảo đảm an toàn để sử dụng hoặc gây thiệt hại cho bên thuê;
  2. b) Tăng giá thuê nhà, công trình xây dựng bất hợp lý;
  3. c) Quyền sử dụng nhà, công trình xây dựng bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Như vậy, theo những thông tin bạn cung cấp thì bên cho thuê không sửa chữa nhà khi nhà xuống cấp và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bạn, do đó theo quy định trên, bạn được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều này:

3. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà, công trình xây dựng phải báo cho bên kia biết trước 01 tháng nếu không có thỏa thuận khác.

Bạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo cho bên kia biết trước 01 tháng nếu như hai bên không có thỏa thuận gì khác.

Thời hạn bảo hành nhà, công trình xây dựng đã bán

Câu hỏi: Tôi vừa mua một căn chung cư của doanh nghiệp X được 3 tháng. Sau 3 tháng ở, tường nhà bắt đầu bị nứt và đường ống nước thì bị vỡ. Do chủ quan, dù trong hợp đồng không ghi nghĩa vụ bảo hành của bên A tôi cũng cho qua vì nghĩ nhà  mới sẽ không có vấn đề gì. Vậy quý công ty cho tôi hỏi, nhà của tôi có được bảo hành không và thời hạn bảo hành là bao lâu?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

“3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.”

Căn cứ quy định này và Điều 20 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014: “Bên bán có trách nhiệm bảo hành nhà, công trình xây dựng đã bán cho bên mua. Trường hợp nhà, công trình xây dựng đang trong thời hạn bảo hành thì bên bán có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị có trách nhiệm thực hiện việc bảo hành theo quy định của pháp luật về xây dựng.” thì với những thông tin mà bạn cung cấp, căn hộ của bạn thuộc diện được bảo hành và bên bán có trách nhiệm bảo hành nhà cho bạn.

Về thời hạn bảo hành nhà ở, theo quy định tại Khoản 2 Điều 85 Luật nhà ở 2014 như sau:

“2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:

  1. a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
  2. b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.

Căn cứ quy định trên, nhà của bạn là nhà chung cư nên thời hạn bảo hành tối thiểu sẽ là 60 tháng.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được mua bất động sản hay không?

Câu hỏi: Tôi là công dân Mỹ, tên Việt Nam của tôi là Phạm Minh Đức, hộ chiếu Việt Nam của tôi có hạn đến 2020. Tôi đang muốn mua một căn chung cư để quay về Việt Nam sinh sống. Quý công ty cho tôi hỏi, tôi có được mua nhà hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của công ty chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản 2014 về đối tượng được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như sau:

“2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản để sử dụng; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.”

Theo Điều 7 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:

Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

  1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
  2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật

này.”

 Như vậy, căn cứ hai quy định trên, bạn được quyền mua chung cư từ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần đáp ứng điều kiện gì?

Câu Hỏi: Chào luật sư, hiện nay công ty tôi mới thành lập đang định kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Vậy luật sư tư vấn cho tôi điều kiện cần đáp ứng là gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ, bạn cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự tại cơ quan công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn đăng ký đặt trụ sở chính.

Để được cấp Giấy chứng nhận, bạn cần phải đảm bảo những yêu cầu nhất định về chủ doanh nghiệp/người đứng đầu cơ sở cầm đồ và yêu cầu về cơ sở kinh doanh

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quy định về người đứng đầu cơ sở kinh doanh cầm đồ/người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở cầm đồ phải đáp ứng những yêu cầu sau đây:

“2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

  1. b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

  1. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.”

Ngoài những quy định như trên, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở cầm đồ phải đáp ứng những điều kiện sau theo quy định tại Điều 9 về điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ:

“Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.”

Có thể lập địa điểm kinh doanh ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được không?

Câu Hỏi: Thưa luật sư, hiện tại doanh nghiệp tôi đang có trụ sở chính ở Hà Nội và sắp tới tôi muốn mở thêm một địa điểm kinh doanh tại Hưng Yên. Mong luật sư tư vấn cho tôi có được thành lập địa điểm kinh doanh ngoài tỉnh không?

Luật sư tư vấn Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo khoản 2 điều 33 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định: “Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.”

Như vậy, theo quy định hiện hành, bạn không thể lập địa điểm kinh doanh ở Hưng Yên khi trụ sở chính đặt tại Hà Nội, trừ trường hợp bạn đã có chi nhánh tại Hưng Yên

Tuy nhiên, kể từ ngày 10/10/2018, khi Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 78/2015/NĐ-CP có hiệu lực, việc lập điểm kinh doanh ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được cho phép. Vì vậy, kể từ thời điểm này, bạn có thể tiến hành lập địa điểm kinh doanh ở Hưng Yên.

Thủ tục thay đổi giám đốc

Câu Hỏi: Chào luật sư. Luật sư cho em hỏi về thủ tục thay giám đốc.  Em đang làm ở công ty (không viết tắt) TNHH X có 2 thành viên A và B. A có số vốn góp 70% nên hiện giờ đang là Giám Đốc. Nhưng bây giờ anh A muốn đưa anh B làm giám đốc còn anh A không tham gia trực tiếp quản lý nữa. Như vậy có được không, và nếu được thì cần những thủ tục gì ạ. Mong luật sư tư vấn giúp. Cảm ơn

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau

Trước hết, người được bổ nhiệm là giám đốc cần phải phù hợp với một số điều kiện do Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp quy định. Tiêu chuẩn của giám đốc công ty TNHH 2 thành viên trở lên được quy định tại Điều 65 Luật doanh nghiệp như sau:

“1. Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.

  1. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
  2. Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.”

Như vậy, tiêu chuẩn để trở thành giám đốc công ty TNHH 2 thành viên do điều lệ công ty quy định. Nếu điều lệ công ty không có quy định gì thì điều kiện trở thành giám đốc công ty như điều 65 Luật doanh nghiệp 2014 nêu trên.

Vấn đề về thủ tục thay giám đốc:

Trong trường hợp giám đốc công ty bạn đồng thời là người đại diện theo pháp luật và/hoặc người quản lý công ty, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi đến cơ quan đăng kí kinh doanh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thủ tục về đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn được quy định tại Điều 43 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Theo đó công ty nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật đến Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh, thành phố nơi Công ty đóng trụ sở bao gồm các giấy tờ sau:

– Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (theo mẫu Phụ lục II-2 Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, ngày 01/12/2015 Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp) và phải bao gồm các thông tin: Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế); Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, chức danh, địa chỉ thường trú của người đang là đại diện theo pháp luật của Công ty và của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của Công ty; Họ tên và chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên.

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người thay thế làm đại diện theo pháp luật của Công ty theo Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP;

– Quyết định và bản sao hợp lệ Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ Công ty.

Thành lập trung tâm ngoại ngữ

Câu hỏi: Tôi hiện đang có nhu cầu hợp tác với một người bạn thành lập một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố Hà Nội, vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi cần thực hiện thủ tục gì, và cần phải chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Để thành lập trung tâm ngoại ngữ, bạn cần thực hiện 2 thủ tục: Thủ tục thành lập mới doanh nghiệp và thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ.

Về thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, trước hết, về loại hình doanh nghiệp, bạn có nói là sẽ hợp tác cùng một người bạn để hoạt động. Như vậy, loại hình doanh nghiệp mà bạn có thể lựa chọn là công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh. Các bạn có thể cân nhắc thảo luận căn cứ trên nhu cầu hoạt động kinh doanh của các bạn để lựa chọn loại hình phù hợp.

Về trình tự, thủ tục, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp nộp đến Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 78/2015/NĐ – CP gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  2. Điều lệ công ty;
  3. Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh;
  4. Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân các thành viên.

Thời hạn giải quyết hồ sơ là 3 ngày làm việc.

Thủ tục tiếp theo bạn cần thực hiện là thành lập trung tâm ngoại ngữ. Để thực hiện thủ tục này, bạn cần chuẩn bị hồ sơ với những giấy tờ, tài liệu sau:

  1. Tờ trình xin thành lập trung tâm;
  2. Đề án thành lập trung tâm gồm các nội dung sau:

– Tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm;

– Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm;

– Chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo;

– Cơ sở vật chất của trung tâm;

– Cơ cấu tổ chức của trung tâm, giám đốc, các phó giám đốc (nếu cần), các tổ (hoặc phòng chuyên môn);

– Sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm.

  1. Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm.

Hồ sơ được nộp đến Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, thời hạn giải quyết hồ sơ là 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ.

Không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký có thể bị xử phạt như thế nào?

Câu Hỏi: Doanh nghiệp tôi là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, đã thành lập từ 12/2016, chúng tôi đăng ký vốn điều lệ là 10 tỷ nhưng vốn thực góp hiện tại là 3,5 tỷ. Vậy chúng tôi có thể bị xử phạt thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014, thành viên đã cam kết góp vốn vào công ty TNHH 2 thành viên trở lên phải góp đủ và đúng loại tài sản trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kế thì công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ số vốn, tức là ngày thứ 90 kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty bạn thành lập từ tháng 12/2016 nên tính đến thời điểm này, nếu công ty chưa tiến hành thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Về mức phạt, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thì với hành vi không góp đủ Vốn điều lệ như đã đăng ký, đã cam kết mà không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có nhất thiết phải là thành viên hội đồng?

Câu hỏi:

Quý công ty cho tôi hỏi chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể là người ngoài được không? Vì sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Khoản 1 Điều 56 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên như sau:

“1. Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên công ty, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Điều lệ công ty quy định định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần.”

Và Khoản 1 Điều 57 quy định về Chủ tịch Hội đồng thành viên như sau:

“1. Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty.”

Như vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên do Hội đồng thành viên bầu và phải là một thành viên của Hội đồng thành viên. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải là thành viên trong công ty.

Xử lý phần vốn góp khi thành viên là cá nhân chết

Câu hỏi:

Tôi là Đức, tôi có một người bạn  đang nắm giữ một phần vốn góp trong công ty TNHH X chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng đã chết do bị đột quỵ và không để lại di chúc. Vậy quý công ty cho tôi hỏi, phần vốn góp này sẽ được xử lí như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn vì đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau.

Trong trường hợp cá nhân nắm giữ phần vốn góp mất mà không có người thừa kế thì sẽ được giải quyết theo Khoản 4 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.”

Căn cứ quy định này, nếu cá nhân nắm giữ phần vốn góp chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự. Như vậy, phần vốn góp của người hàng xóm của bạn sẽ trở thành di sản thừa kế và sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Hàng thừa kế được Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  2. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  3. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  4. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  5. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau theo quy định của pháp luật dân sự nêu trên.

Ban đầu cam kết góp vốn bằng tiền Việt Nam, nhưng sau đó muốn đổi thành góp bằng vàng, có được hay không?

Câu hỏi:

Tôi là Mai, tôi muốn góp vốn để thành lập công ty TNHH Y chuyên về kinh doanh thời trang. Ban đầu, tôi cam kết góp vốn bằng tiền Việt Nam, nhưng do không đủ tiền mặt để góp vốn nên tôi muốn chuyển hình thức góp sang góp bằng vàng. Quý công ty cho tôi hỏi như vậy có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 2 Điều 48 Bộ Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về việc thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp như sau:

“2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.” 

Căn cứ quy định này, thành viên phải góp vốn đúng và đủ loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp thành viên muốn góp phần vốn góp bằng tài sản khác với loại tài sản đã cam kết thì phải được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.

Như vậy, việc chuyển hình thức góp vốn từ tiền Việt Nam sang vàng của bạn có thể được nếu đa số thành viên còn lại tán thành.

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH 2 thành viên

Câu hỏi: Tôi là thành viên trong Công ty TNHH 2 thành viên. Vì một số lí do nên thành viên còn lại chuyển nhượng hết phần vốn góp của người đó cho tôi. Xin hỏi tôi và thành viên còn lại cần làm những thủ tục gì để công ty tiếp tục hoạt động bình thường?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Do công ty của bạn là loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên (cụ thể là hai thành viên) nên việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong công ty cho một thành viên khác thì bạn phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, 2 Điều 53 của Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể:

“1. …thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:

  1. a) Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
  2. b) Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
  3. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.”

Ngoài ra, vì sau khi chuyển nhượng phần vốn góp, công ty của bạn chỉ còn một thành viên nên căn cứ Khoản 3 Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2014: “công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng”.

Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, để chuyển đổi công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty của bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp;

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu là cá nhân hoặc bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;

– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.

+ Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định này của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.

+ Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;

– Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;

– Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc chuyển đổi loại hình công ty.