Câu hỏi: Mình là Bình. Mình ở tỉnh lẻ ra Hà Nội làm ăn. Mình định mua một chiếc xe ô tô tải để chạy hàng cho một công ty khác. Vậy mình muốn thành lập hộ kinh doanh cá thể thì như thế nào? Và khi thành lập hộ kinh doanh cá thể thì xe ô tô của mình có đăng ký được biển Hà Nội không? Với lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình như thế có phải kê khai thuế hay nộp phí gì hàng tháng không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về thành lập hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. Đối với hoạt động hộ kinh doanh, bạn không có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng vẫn có thể thành lập được hộ kinh doanh. Tuy nhiên bạn phải đảm bảo địa điểm kinh doanh của mình có quyền sử dụng hợp pháp. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh khá đơn giản. Ngoài ra bạn cần lưu ý nếu bạn dự định kinh doanh dịch vụ vận tải thì ngành nghề đăng ký kinh doanh phải là ngành kinh doanh dịch vụ vận tải.
Thứ hai, về đăng ký xe biển Hà Nội
Bạn thành lập hộ kinh doanh tại Hà Nội và muốn đăng ký xe ô tô bằng biển Hà Nội thì bạn thực hiện thủ tục đăng ký xe đối tới tổ chức là hộ kinh doanh.
Thủ tục đăng ký xe ô tô:
– Thẩm quyền: Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2014/TT-BCA)
– Hồ sơ đăng ký xe:
Hồ sơ đăng ký xe gồm:
+ Giấy khai đăng ký xe:
Chủ hộ kinh doanh khai đầy đủ thông tin theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA, đồng thời ký và ghi rõ họ tên. (Điều 8 Thông tư 15/2014/TT-BCA)
+ Giấy tờ của chủ xe:
Chủ xe là cơ quan, tổ chức Việt Nam thì xuất trình Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức. (điểm a khoản 4 Điều 9 Thông tư 15/2014/TT-BCA)
+ Giấy tờ của xe:
Hóa đơn bán hàng theo mẫu của Bộ Tài chính; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ; Chứng từ nguồn gốc xe (Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA)
Chủ hộ kinh doanh chuẩn bị các giấy tờ trên và nộp tại Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh nơi đặt địa điểm hộ kinh doanh.
Thứ ba, về các loại thuế phải nộp của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh trong quá trình hoạt động phải nộp các loại thuế sau:
- Lệ phí môn bài:
Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về mức lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh như sau:
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm”.
– Thuế giá trị gia tăng:
Căn cứ vào quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng, hộ kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra khoản 5 Điều 25 Luật Thuế giá trị gia tăng cũng quy định nếu doanh thu 1 năm dưới 100 triệu đồng thì được miễn thuế giá trị gia tăng.
– Thuế thu nhập cá nhân:
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân thu nhập từ hoạt động kinh doanh thuộc thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cũng giống như thuế giá trị gia tăng, nếu hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu trở xuống thì được miễn nộp thuế.
Ngoài các loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, … nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Trong chuyên mục Tư vấn pháp luật, của chương trình Luật sư của doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLaw đã giới thiệu về thủ tục thành lập hộ kinh doanh và các vấn đề liên quan. Mời quý vị đón xem: