Câu hỏi: Gia đình tôi đang muốn kinh doanh một cửa hàng nhỏ nhưng tôi có tìm hiểu thì biết hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân. Xin hỏi tư cách pháp nhân là gì và hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân có bất lợi gì?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện có tư cách pháp nhân như sau:
“Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.”
Như vậy, pháp nhân cần được thành lập theo quy định luật, có cơ cấu tổ chức, có tài sản của pháp nhân tách biệt với tài sản thành viên, đồng thời chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản đó, nhân danh pháp nhân tham gia quan hệ pháp luật độc lập.
Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định hộ kinh doanh như sau:
“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh …”.
Theo quy định trên thì Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân do không có sự tách biệt giữa tài sản của chủ hộ kinh doanh và hộ kinh doanh. Nếu hộ kinh doanh không đủ khả năng chi trả các khoản nợ thì chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ kinh doanh sẽ liên đới chịu trách nhiệm thanh toán.