Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ đào tạo tiếng Nhật tại Hà Nội

Câu hỏi: Tôi là Lam. Bên tôi đang có nhu cầu tìm kiếm một Công ty Luật chuyên nghiệp để tư vấn, hỗ trợ tiến hành thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ đào tạo tiếng Nhật tại Hà Nội. Xin báo giá giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Trước hết, Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng (sau đây được gọi là Khách hàng”) đã quan tâm tới dịch vụ tư vấn pháp luật của SB Law. Chúng tôi hiểu rằng, hiện tại, Quý Khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm một Công ty Luật chuyên nghiệp để tư vấn, hỗ trợ tiến hành thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ đào tạo tiếng Nhật tại Hà Nội. Vì vậy, Chúng tôi hân hạnh gửi đến Quý Khách hàng bản Đề xuất Dịch vụ Tư vấn Pháp luật này để Quý Khách hàng xem xét và cân nhắc.

1. TƯ VẤN SƠ BỘ

1.1 Thành lập trung tâm ngoại ngữ

  • Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ

-Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học xác định rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.

1.1.2 Điều kiện hoạt động trung tâm ngoại ngữ

  • Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Có cán bộ quản lý, giáo viên, kỹ thuật viên giảng dạy lý thuyết, thực hành bảo đảm trình độ chuyên môn theo quy định; kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm. Số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/1 giáo viên/ca học.
  • Có đủ phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo. Phòng học đủ ánh sáng, có diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5 m2/học viên/ca học.
  • Có giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo yêu cầu của chương trình đào tạo; có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ.

2. THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ PHẠM VI CÔNG VIỆC

2.1 THỜI GIAN THỰC HIỆN

Chúng tôi dự kiến đề hoàn thành công việc cần phải thực hiện các bước dưới đây với thời gian như sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ: Chúng tôi sẽ thu thập thông tin và tài liệu cần thiết từ Quý Khách hàng. Khi nhận được thông tin và tài liệu cần thiết, Chúng tôi sẽ chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ dự thảo ban đầu được gửi cho Khách hàng để lấy ý kiến. Sau khi cập nhật hồ sơ theo ý kiến của Khách hàng, Chúng tôi sẽ lấy ý kiến sơ bộ của cơ quan có thẩm quyền và gửi hồ sơ hoàn hiện để ký. Chúng tôi dự kiến sẽ giai đoạn này sẽ được hoàn thành trong vòng 05 ngày làm việc.

2. Thủ tục xin cấp phép thành lập và hoạt động trung tâm ngoại ngữ. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đã ký và đóng dấu. Chúng tôi sẽ tiến hành nộp hồ sơ thành lập trung tâm ngoại ngữ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Khách hàng sẽ nhận được

Quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ. Trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ, Chúng tôi sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Khách hàng sẽ nhận được Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ.

Nhằm tránh hiểu nhầm, chúng tôi xác nhận rằng, thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị kéo dài hơn trên thực tế do cơ quan có thẩm quyền phải tham vấn ý kiến của các ban ngành, bộ liên quan trước khi cấp phép. Trong điều kiện đó, SB Law sẽ nỗ lực một cách hợp lý để thúc đẩy tiến độ công việc nhằm nhận được kết quả cấp phép trong thời gian sớm nhất.

2.2 PHẠM VI CÔNG VIỆC

Phạm vi công việc của SB Law bao gồm:

Mô tả phạm vi công việc
A.     Chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép:

§     Thông báo cho khách hàng về các tài liệu cần thiết;

§     Soạn thảo các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép bằng tiếng Việt;

§     Trao đổi với khách hàng trong việc soạn thảo các tài liệu;

§     Điều chỉnh hồ sơ dựa trên ý kiến của khách hàng;

§     Tiếp thu ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền;

§     Hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nhận xét của cơ quan có thẩm quyền;

B.     Thủ tục cấp phép:

§     Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

§     Theo dõi hồ sơ trong quá trình nhận sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền;

§     Cập nhật cho khách hàng về tiến trình cũng như những yêu cầu thêm, nếu có và hỗ trợ khách hàng trong việc nhận được kết quả từ Cơ quan cấp phép.

1. PHÍ DỊCH VỤ

  • Tổng phí dịch vụ cho việc thực hiện phạm vi công việc nêu ở Mục 2 là: 000.000 VNĐ (Năm mươi triệu đồng Việt Nam) Phí dịch vụ nêu trên chưa bao gồm 10% thuế VAT.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLaw giải đáp những thắc mắc và các vấn đề liên quan tới trung gian thanh toán tại Việt Nam. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Việc trả tiền lẻ của các tài xế tại các trạm BOT có vi phạm pháp luật không?

Nguồn Internet

Trong thời gian qua, việc nhiều lái xe phản ứng với việc thu vé tại các trạm BOT bằng cách trả tiền lẻ cho nhân viên trạm đã gây ồn ào dư luận. Vậy hành vi trả tiền lẻ của các tài xế tại các trạm BOT là có vi phạm pháp luật không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tư vấn về vấn đề này trong chuyên mục Hiểu đúng Làm đúng của Kênh Truyền hình Quốc hội. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Trộm cắp bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?

Nguồn Internet

Trong chương trình Hiểu đúng làm đúng của Kênh truyền hình Quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tư vấn về vấn đề xử lý hình sự đối với tội trộm cắp. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Việc mất tiền trong tài khoản tiết kiệm dưới góc nhìn luật sư

Nguồn: Internet

Vụ việc được cho là một Nguyên Phó GĐ Chi nhánh Ngân hàng Eximbank TPHCM đã lợi dụng khách hàng ký khống giấy ủy quyền để điền tên người được ủy quyền rút tiền tiết kiệm của khách hàng.

Vụ việc này đặt ra vấn đề gì trong quy trình bảo vệ tiền gửi trong ngân hàng?

Eximbank cho biết các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình.

Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu tất toán sổ của khách hàng. Ngân hàng sẽ chờ phán quyết của Tòa án thì mới trả lại tiền.

– Câu trả lời của Ngân hàng như vậy có thỏa đáng không? Vì sao?
– Tòa án có thể phán xử theo hướng nào ? Dựa trên cơ sở luật pháp như thế nào?
– Trong trường hợp Ngân hàng không chịu trả tiền, khách hàng có thể làm gì?
– Những người gửi tiền cần tiến hành những biện pháp gì để tự bảo vệ?

Những vấn đề này được luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ trong tiểu mục Báo chí và góc nhìn, kênh InfoTV. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Có được đi xuất khẩu lao động khi chưa được xóa án tích?

Câu hỏi: Trước đây anh trai tôi có phạm tội trộm cắp tài sản và bị phạt tù 10 tháng, chưa được xóa án tích. Hiện anh trai tôi đang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động qua Hàn, như vậy có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 42 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao năm 2006 quy định điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài như sau:

“Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Căn cứ Điều 21 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

“Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ”.

Theo đó, anh trai bạn đã chấp hành xong hình phạt tù, không bị áp dụng các biện pháp cấm xuất cảnh. Vì vậy việc chưa được xóa án tích không có ảnh hưởng gì đến việc đi xuất khẩu lao động. Bạn chỉ cần chú ý bên đối tác có quy định hay chấp nhận người đang có án tích vào làm việc hay không?

Hiện tượng ghi lô đề trái phép đã xảy ra từ rất lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp để giải quyết vấn đề này. Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLaw, hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 10 năm tù. Bên cạnh đó, người chơi lô, đề phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù. Mời quý vị đón xem tại đây:

Xây dựng nhà trên đất của gia đình chồng thì khi ly hôn có được chia tài sản không?

Câu hỏi: Tôi là Thủy. Tôi lấy chồng và ở chung với nhà chồng từ năm 1993, chúng tôi cũng đã làm được nhà trên mảnh đất của nhà chồng nhưng sổ đỏ chỉ mang tên chồng tôi. Nay chúng tôi ly hôn vậy miếng đất đó tôi có được chia đều cho cả hai vợ chồng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn và chồng bạn đã về chung sống với nhau cùng với gia đình chồng từ năm 1993 đến nay, trong đời sống hôn nhân hai vợ chồng bạn có xây dựng nhà trên mảnh đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) đứng tên chồng bạn. Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không nói rõ thời điểm được cấp Sổ đỏ cho chồng bạn là cấp từ khi nào, trong thời kỳ hôn nhân hay trước thời kỳ hôn nhân? Nguồn gốc của tài sản này được bố mẹ chồng tặng cho riêng chồng bạn hay cho chung cả hai vợ chồng hay do chồng bạn nhận chuyển nhượng từ người khác? Do đó, tùy vào từng trường hợp dưới đây, bạn có thể được chia mảnh đất hoặc tài sản trên đất như sau:

– Đối với mảnh đất:

Trường hợp 01: Mảnh đất này, chồng bạn có từ trước hôn nhân hoặc có được trong thời kỳ hôn nhân nhưng chồng bạn có căn cứ chứng minh rằng chồng bạn thực hiện việc nhận chuyển nhượng từ người khác bằng giao dịch riêng của chồng bạn (từ khoản tiền được tặng cho riêng) hoặc trước hôn nhân bố mẹ chồng bạn đã tặng cho chồng bạn mảnh đất này hoặc chồng bạn được thừa kế mảnh đất này. Lúc này, trong đời sống hôn nhân của hai vợ chồng, chồng bạn không có thỏa thuận với bạn về việc nhập mảnh đất này vào tài sản chung của hai vợ chồng thì mảnh đất này là tài sản riêng của chồng bạn, không thể chia cho bạn khi ly hôn.

Trường hợp 2: Mảnh đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng hai vợ chồng bạn thỏa thuận với nhau chỉ để chồng bạn đại diện đứng tên trên Sổ đỏ cho cả hai vợ chồng. Hoặc, mặc dù trước đó là tài sản riêng của chồng bạn như trường hợp thứ nhất nhưng chồng bạn đã đồng ý nhập tài sản riêng vào tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Lúc này, mảnh đất này là tài sản chung của hai vợ chồng bạn và khi ly hôn sẽ được phân chia. Tuy nhiên, khi bạn và chồng bạn có thỏa thuận với nhau về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung của hai vợ chồng thì phải tuân thủ hình thức của pháp luật đất đai thì mới có hiệu lực. Tức văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực và hai vợ chồng bạn phải làm hồ sơ nộp tại Phòng Tài nguyên và môi trường cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để đăng ký biến động đất đai. Vì căn cứ theo Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

– Đối với tài sản trên mảnh đất:

Nhà ở, các công trình phụ trên đất được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng bạn sẽ được xem là tài sản chung của hai vợ chồng căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Kể cả trường hợp mảnh đất là tài sản riêng của chồng bạn nhưng cả hai bạn cùng có công sức đóng góp để xây dựng căn nhà, các công trình phụ và tài sản khác gắn liền với đất thì theo quy định đây là tài sản chung của hai vợ chồng, sau khi ly hôn sẽ được phân chia.

Trong chương trình hiểu đúng làm đúng kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW sẽ tư vấn với chủ đề Ly hôn khi vợ bị bạo hành. Mời các bạn xem tình huống sau:

Bị thu hồi đất nông nghiệp tại Hà Nội thì sẽ được bồi thường ra sao?

Câu hỏi: Tôi là Vân. Hiện tôi đang ở Cầu Giấy, Hà Nội. Khu vực của tôi hiện tại đang có quyết định thu hồi đất ruộng của Nhà nước. Đất ruộng của tôi được cấp từ trước năm 1993 đến nay để trồng cây lâu năm. Vậy, tôi xin hỏi: Khi thu hồi thì gia đình tôi được bồi thường những gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất được bồi thường các khoản sau:

– Bồi thường về đất

– Chi phí đầu tư vào đất còn lại

– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và việc làm

Tuy nhiên không phải người sử dụng đất nông nghiệp nào cũng được bồi thường đầy đủ cả 3 khoản này mà còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể:

Một là bồi thường về đất (Khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013)

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Hai là chi phí đầu tư vào đất còn lại

Điểm a Khoản 1 Điều 77 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại;”.

Bao gồm:

a) Chi phí san lấp mặt bằng;

b) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

c) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

d) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Ba là hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất

Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, gồm các trường hợp sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện các nghị định gồm: Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai và khoản 1 Điều 54 của Luật đất đai;

b) Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình quy định tại điểm a khoản này nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó;

c) Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó;

d) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp;

đ) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;

e) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó;

g) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất.

Bốn là hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và việc làm (Khoản 6 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP)

“1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 19 của Nghị định này khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền; hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây: 

a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 của Luật đất đai; 

b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương …”.

Trong chuyên mục Bạn và pháp luật kênh VOV1 – Đài tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có trao đổi với khán thính giả về chủ đề nguyên nhân tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư. Mời các bạn đón nghe tại đây:

Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng 

Câu hỏi: Tôi là Phương An. Qúy công ty cho tôi hỏi: Những cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Dựa vào phương thức giải quyết tranh chấp ta có thể xác định các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bao gồm:

– Với phương thức giải quyết bằng hòa giải: Người trung gian tiến hành hòa giải hay còn được gọi là hòa giải viên;

– Với phương thức giải quyết bằng trọng tài: Hội đồng trọng tài;

– Với phương thức giải quyết bằng thủ tục tư pháp: Tòa án nhân dân.

  1. Người trung gian tiến hành hòa giải (Hòa giải viên)

Phương pháp hòa giải là phương thức xuất hiện sớm nhất và được sử dụng đầu tiên khi có tranh chấp. Hòa giải là các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất một phương án giải quyết bất đồng giữa họ và tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận qua hòa giải.

Khi lựa chọn phương thức hòa giải, các bên có thể tiến hành theo một trong các cách thức sau:

– Tự hòa giải: là do các bên tranh chấp tự bàn bạc để đi đến thống nhất phương án giải quyết tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của đệ tam nhân.

– Hòa giải qua trung gian: là việc các bên tranh chấp tiến hành hòa giải với nhau dưới sự hổ trợ, giúp đỡ của người thứ ba (người trung gian hòa giải). Trung gian hòa giải có thể là cá nhân, tổ chức hay Tòa án do các bên tranh chấp chọn lựa hoặc do pháp luật qui định.

– Hòa giải ngoài thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được các bên tiến hành trước khi dưa đơn khởi kiện ra Tòa án hay trọng tài.

– Hòa giải trong thủ tục tố tụng: là việc hòa giải được tiến hành tại Tòa án, trong tài khi các cơ quan này tiến hành giải quyết tranh chấp theo đơn kiện của một bên (hòa giải dưới sự trợ giúp của Tòa án hay trọng tài). Tòa án, trong tài sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên và quyết định này có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.

Như vậy, người trung gian tiến hành hòa giải xuất hiện khi các bên trong tranh chấp tiến hành theo cách thức hòa giải qua trung gian hoặc hòa giải trong thủ tục tố tụng.

Đối với hòa giải qua trung gian thì hòa giải viên có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Tòa án do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn hoặc do pháp luật quy định. Thông thường, cá nhân được chọn làm người trung gian hòa giải thường là người có uy tín, được các bên tin tưởng và có kiến thức chuyên môn đối với vấn đề đang bị tranh chấp. Đối với tranh chấp hợp đồng lao động thì hòa giải viên lao động là người có thẩm quyền tiến hành hòa giải.

  1. Hội đồng trọng tài, trọng tài viên

Không phải tất cả các tranh chấp về hợp đồng đề thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Theo quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp sau:

“1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài”.

Tuy nhiên, trọng tài có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể khi có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài là sự nhất trí của các bên đưa ra những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại trọng tài. Trong thỏa thuận trọng tài, các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn một Trọng tài phù hợp, chỉ định trọng tài viên để thành lập Hợp đồng (hoặc Ủy ban) Trọng tài giải quyết tranh chấp. Khi đã có thỏa thuận trọng tài thì các bên chỉ được kiện tại trọng tài theo sự thỏa thuận mà thôi. Tòa án không tham gia giải quyết nếu các bên đã thỏa thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài là không thể thực hiện được.

Ở VN, trọng tài được tổ chức dưới hình thức các trung tâm trọng tài thường trực. Trung tâm trọng tài Quốc tế VIệt Nam (VIAC) và các trung tâm trọng tài kinh tế (thành lập theo Nghị Định 116/CP ngày 05/09/1994). Ở VN hiện có 5 trung tâm trọng tài: Trung tâm trọng tài kinh tế Thăng Long, TT/TTKT Hà Nội, TT/TTKT Bắc Giang, TT/TTKT Sài Gòn và TT/TTKT Cần Thơ.

Trọng tài hoạt động theo nguyên tắc xét xử một lần. phán quyết trọng tài có tính chung thẩm: các bên không thể kháng cáo trước Tòa án hoặc các tổ chức nào khác. Các bên tranh chấp phải thi hành phán quyết trọng tài trong thời hạn ấn định của phán quyết. Tuy nhiên, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài trong một số trường hợp.

  1. Tòa án nhân dân

Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết với hầu hết các tranh chấp. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định theo bốn bước:

Bước 1: Thẩm quyền theo vụ việc

Xác định thẩm quyền theo vụ việc là ta xác định vụ việc tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án hay không. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo vụ việc từ Điều 26 đến Điều 34. Cụ thể:

– Tranh chấp hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án theo khoản 3 Điều 26;

– Tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại theo Điều 30;

– Tranh chấp hợp đồng lao động theo Điều 32.

Bước 2: Thẩm quyền theo cấp xét xử

Luật tổ chức Tòa án nhân dân chia thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án thành các cấp như sau:

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Tòa án nhân dân cấp cao;

– Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);

– Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện);

– Tòa án quân sự.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự; Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp được quy định tại Điều 37, 38 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bước 3: Thẩm quyền theo lãnh thổ

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp hợp đồng về dân sự, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật tố tụng dân sự;

– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

– Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

Bước 4: Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự:

“a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;

e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;

g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”.

Sau khi xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền nhận đơn khởi kiện và xem xét đơn khởi kiện. Trường hợp đơn khỏi kiện hợp lệ thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn về việc nộp lệ phí và tiền tạm ứng án phí. Sau khi nhận được biên lai phí và tiền tạm ứng án phí thì Tòa án thụ lý vụ án.

Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp theo trình tự, thủ tục tư pháp do Bộ luật tố tụng dân sự quy định.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trả lời phỏng vấn kênh VTC10, truyền hình NetViet về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:

Tư vấn về việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi: Tôi là Hoa. Gia đình tôi gồm 2 người con trai, 2 con gái, mẹ tôi có một người con gái riêng khác cha. Bố tôi mất năm 2000, mẹ tôi mất sau đó 3 năm 2003 không có di chúc phân chia tài sản, tài sản là một mảnh vườn rộng 2000 m2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố tôi, một ngôi nhà cấp 4. Sau khi bố mẹ tôi mất do điều kiện công tác xa nhà nên mọi tài sản trên đất đều do anh cả tôi quản lý và sử dụng; đến năm 2013 anh trai tôi tự ý xây dựng nhà ngay trước mặt ngôi nhà của bố mẹ tôi và các công trình trên đất mà không hỏi ý kiến của anh em trong gia đình nên việc xây dựng chúng tôi không biết, đến năm 2015 chúng họp gia đình bàn chia đất thành 5 phần nhưng anh trai không đồng ý, chỉ đồng ý chia cho 2 anh em trai, sau đó chúng tôi làm đơn nhờ chính quyền giải quyết hòa giải nhưng không thành từ đó đến nay gần 3 năm. Xin hỏi: Hiện nay chúng tôi làm đơn đề nghị tòa án huyện giải quyết có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn mất lần lượt năm 2000 và năm 2003, nên việc chia thừa kế trong trường hợp này sẽ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 1995, theo đó, khi bố và mẹ bạn mất không có để lại di chúc nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của Điều 679 Bộ luật Dân sự 1995 như sau:

“Điều 679. Người thừa kế theo pháp luật

1- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo thông tin bạn cung cấp, nhà bạn có một mảnh vườn mang tên bố bạn, ngôi nhà, năm 2000 bố bạn mất, nếu không để lại di chúc, thì phần di sản nêu trên ( trong trường hợp tất cả di sản trên đều được xác định là tài sản của bố bạn lúc còn sống) hoặc phần di sản trong khối tài sản nêu trên (nếu phần tài sản trên được xác định là sở hữu chung của bố bạn với mẹ bạn hoặc những người khác) sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: ông bà nội của bạn, mẹ bạn và con ruột, nếu người con riêng của mẹ bạn có chăm sóc, nuôi dưỡng bố bạn thì vẫn được chia di sản thừa kế.

Năm 2003, mẹ bạn mất đi, không để lại di chúc nên phần di sản của mẹ bạn cũng sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, trong đó có các người con, ông bà ngoại của bạn (nếu còn sống).

Như vậy, việc anh trai bạn tự ý chiếm di sản thừa kế về phần mình là không có căn cứ, sau khi họp bàn gia đình về vấn đề phân chia di sản thừa kế nhưng không được sự đồng thuận tất cả ý kiến. Trong trường hợp này, bạn hoặc những người thừa kế khác có quyền gửi đơn khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế đến Tòa án để yêu cầu giải quyết.

Hồ sơ khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác: biên bản giải quyết tại UBND xã, phường, thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận di sản (Nếu có).

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho bạn biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí và sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự trong chương trình Bạn và pháp luật, kênh VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam. Mời Quý vị xem nội dung tại đây:

Những điều khoản cơ bản trong hợp đồng đại lý phân phối độc quyền

Câu hỏi: Tôi là Phương, tôi đang có nhu cầu soạn 1 hợp đồng đại lý phân phối độc quyền nhưng lại chưa biết trong hợp đồng này cần quy định những gì? Qúy công ty có thể tư vấn giúp tôi được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hình thức hợp đồng

Điều 168 Luật thương mại năm 2005 quy định về hình thức hợp đồng đai lý như sau: “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Vì vậy, Qúy khách hàng nên xác lập hợp đồng đại lý phân phối độc quyền bằng hình thức văn bản để chắc chắn, công khai và thuận tiện lưu giữ.

Điều khoản cơ bản trong hợp đồng

Hợp đồng đại lý phân phối độc quyền là sự thỏa thuận giữa các bên để bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng nhất định tại một khu vực địa lý nhất định. Thực tế, một hợp đồng đại lý phân phối độc quyền thường có những điều khoản cơ bản sau:

  1. Thông tin các bên

Các bên tham gia hợp đồng phân phối độc quyền bao gồm bên giao đại lý và bên đại lý. Các bên ghi nhận đầy đủ thông tin của mình bao gồm: Thông tin cá nhân, địa chỉ, mã số thuế.

Nếu chủ thể là tổ chức thì phải ghi nhận kèm theo thông tin về người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó.

  1. Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng đại lý phân phối độc quyền thường là một hoặc một số hàng hóa mà bên giao đại lý là chủ sở hữu.

Khi soạn thảo điều khoản này, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, số lượng hàng hóa được giao đại lý, chất lượng hàng hóa…

  1. Phạm vi phân phối

Vì đây là hợp đồng phân phối độc quyền nên bắt buộc phải có giới hạn phạm vi địa lý để bên đại lý được độc quyền mua, bán hàng hóa. Các bên thỏa thuận phạm vi địa lý có thể theo Tỉnh hoặc Quốc gia cụ thể.

  1. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Luật thương mại năm 2005 có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho bên giao đại lý và bên đại lý. Các bên tham khảo và có thể thỏa thuận chi tiết một số quyền và nghĩa vụ khác để phù hợp với giao dịch và khả năng thực hiện của mình.

  1. Giá mua và giá bán lẻ

Bên giao đại lý có quyền ấn định giá bán đối với hàng hóa của mình. Hai bên thỏa thuận giá mua và giá bán lẻ của từng bên. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá bán lẻ thì bên đại lý có quyền quyết định giá bán lẻ.

  1. Thù lao đại lý

Đại lý thương mại là hoạt động mà bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Do vậy, điều khoản thù lao đại lý là không thể thiếu.

Các bên thỏa thuận mức thù lao đại lý cụ thể hoặc có thể thỏa thuận phương thức xác định thù lao đại lý (ví dụ như theo sản lượng hàng hóa bán ra, hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá).

  1. Thanh toán

Các bên thỏa thuận việc thanh toán tiền hàng và thù lao đại lý được thực hiện theo từng đợt sau khi bên đại lý hoàn thành việc mua, bán một khối lượng hàng hoá.

  1. Thời hạn đại lý

Các bên tự do thỏa thuận một thời hạn đại lý nhất định. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

  1. Các điều khoản khác

Ngoài các điều khoản cơ bản trên, các bên có thể tự do thỏa thuận các điều khoản phù hợp để hợp được thêm chặt chẽ và dễ dàng thực hiện trên thực tế.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tai chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Thủ tục xóa thế chấp bằng quyền sử dụng đất

Câu hỏi: Tôi là Hậu, ở Hà Nội. Tôi vay một khoản tiền của ngân hàng nộp cả gốc và lãi hàng tháng trong 3 năm, tôi nộp đến giờ là 18 tháng và đủ điều kiện để giải chấp khoản vay đó. Tôi đã chuẩn bị đủ tiền để trả nốt phần gốc còn lại. Đây là lần đầu tôi vay thế chấp bằng sổ đỏ nên mong quý công ty tư vấn giúp thủ tục để giải chấp?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thế chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Đối với việc thế chấp bằng quyền sử dụng đất, sau khi hoàn thành nghĩa vụ bên thế chấp phải thực hiện thủ tục xóa thế chấp. Thủ tục xóa thế chấp được thực hiện 2 bước như sau:

Thứ nhất, thực hiện thủ tục với ngân hàng:

Bên thế chấp tiến hành thanh toán toàn bộ giá trị còn lại của khoản vay. Sau đó viết đơn xin giải chấp tài sản thế chấp tại ngân hàng (theo mẫu của ngân hàng, tổ chức tín dụng). Khi nhận được đầy đủ hồ sơ kèm theo căn cứ xác định bên thế chấp đã thanh toán đầy đủ khoản vay thì sẽ ra thông báo về việc giải chấp tài sản thế chấp.

Thứ hai, thực hiện thủ tục tại Văn phòng đăng ký đất đai:

Hồ sơ, trình tự thủ tục xóa đăng thế chấp bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 47,48 Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

+ Hồ sơ:

a) Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính);

b) Văn bản đồng ý xóa đăng ký biện pháp bảo đảm của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm;

c) Bản chính Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm mà trong hồ sơ đăng ký có Giấy chứng nhận;

d) Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).

+ Trình tự thủ tục:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Bên thế chấp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định và nộp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ thì xem xét ghi nội dung xóa đăng ký và thời điểm đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận.

Video giới thiệu về luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch công ty Luật SBLaw. Trong video luật sư Nguyễn Thanh Hà chia sẻ về kinh nghiệm hành nghề luật sư và quản trị công ty luật tại Việt Nam, cách thức chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư nước ngoài và sở hữu trí tuệ:

Có bắt buộc phải áp dụng Điều lệ mẫu đối với công ty cổ phần đại chúng?

Câu hỏi: Tôi là Ngọc, ở Hà Nội. Công ty tôi hiện đang là công ty cổ phần đại chúng, vừa qua theo quy định mới của pháp luật thì có ban hành Điều lệ mẫu đối với công ty cổ phần đại chúng. Điều lệ của công ty tôi có một số quy định khác với Điều lệ mẫu này. Vậy, tôi muốn hỏi là Công ty chúng tôi bắt buộc phải sửa đổi Điều lệ để giống với quy định tại Điều lệ mẫu không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thăc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 95/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng thì:

“Điều 3. Điều lệ công ty

Công ty đại chúng tham chiếu Điều lệ mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư này để xây dựng Điều lệ công ty, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng và quy định pháp luật hiện hành.”

Vây, Công ty cổ phần của bạn khi xây dựng điều lệ công ty sẽ dẫn chiếu và tham khảo vào điều lệ mẫu tại Phụ lục số 01 chứ không mang tính chất bắt buộc, sao cho phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật chứng khoán năm 2006 sửa đổi năm 2013 và Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị trong công ty đại chúng. Điều đó có nghĩa là nếu công ty bạn xây dựng điều lệ mới thì không được trái với Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, các quy định tại Nghị định số 71/2017/NĐ-CP.

Căn cứ tại Điều 6 Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị trong công ty đại chúng cũng có quy định:

“Điều 6. Điều lệ công ty

1. Điều lệ công ty được Đại hội đồng cổ đông thông qua và không được trái với Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật có liên quan.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn Điều lệ mẫu để công ty đại chúng tham chiếu xây dựng Điều lệ công ty”.

Vây, Điều lệ này không mang tính chất bắt buộc áp dụng nên quý công ty của bạn không nhất thiết phải áp dụng Điều lệ mẫu này, nếu điều lệ của công ty trái với Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán hoặc chưa đầy đủ theo quy định của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị trong công ty đại chúng thì cần phải sửa đổi. Nếu không trái và phù hợp với quy định Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán và Nghị định số 71/2017/NĐ-CP thì cũng nên là áp dụng điều lệ mẫu này để xây dựng lại Điều lệ. Công ty đại chúng có những đặc thù so với các công ty khác thế nên nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn và có những quy chế điều chỉnh riêng.

Luật doanh nghiệp 2014 có quy định mới trong trường hợp cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cụ thể như thế nào luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ giải đáp trong video: