Tư vấn hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh giáo dục

Câu hỏi: Tôi là Hoàng. Qúy công ty cho tôi hỏi: Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phải xin thêm giấy phép nào khác không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phải được cấp thêm một loại giấy phép khác: Giấy phép hoạt động giáo dục. Theo khoản 1 Điều 45 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động giáo dục sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục.

Thời hạn để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ:

-Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: tối đa 03 năm (đủ 36 tháng) kể từ ngày được cấp Quyết định cho phép thành lập;

-Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, trung tâm dạy nghề, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông: tối đa 02 năm (đủ 24 tháng).

Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục gồm:

– Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục;

-Bản sao có chứng thực Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục, đồng thời gửi kèm hồ sơ đề nghị cho phép thành lập hoặc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục;

-Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục;

-Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;

-Báo cáo giải trình về việc đáp ứng điều kiện của cơ sở giáo dục (vốn đầu tư, cơ sở vật chất thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo); đồng thời gửi kèm:

+ Danh sách Hiệu trưởng (Giám đốc), Phó Hiệu trưởng (Phó Giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng;

+ Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);

+ Cấp học, trình độ đào tạo, ngành, nghề đào tạo;

+ Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;

+ Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;

+ Quy chế đào tạo;

+ Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);

+ Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;

+ Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;

+ Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

+ Giấy tờ liên quan đến thủ tục mở ngành theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp phải làm thủ tục mở ngành.

Nơi nộp hồ sơ:

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của trường cao đẳng nghề: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp học trung học phổ thông); cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ đề nghị cho phép thành lập; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này: Sở Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học trung học phổ thông): Phòng Giáo dục và Đào tạo;

-Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thời hạn: Trong vòng 20 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành thẩm tra. Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm tra, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ra văn bản trả lời. Nếu nhà đầu tư chưa đủ điều kiện được thành lập cơ sở giáo dục thì sẽ từ chối và nêu lý do.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành của S&B Law sẽ trả lời biên tập viên Thành Phương về các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiêp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Cổ đông có được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần?

Câu hỏi: Tôi là Phan. Tôi là chủ tịch công ty cổ phần vì một số lý do cá nhân, tôi muốn chuyển nhượng toàn bộ số vốn cổ phần đang sở hữu 30% / tổng số vốn công ty. Xin hỏi: Tôi có được quyền chuyển nhượng không? Trường hợp công ty mua lại thì tỷ lệ được phép mua là bao nhiêu?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi sẽ liệt kê các trường hợp sau để bạn tham khảo:

Trường hợp 1: Bạn là cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.

Khoản 3,4 Điều 119 Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định:

“3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

4. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty”.

Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần biểu quyết như sau:

” 1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
…………….

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”.

Vì vậy, nếu bạn là cổ đông sáng lập thì với mỗi loại cổ phần bạn nắm giữ sẽ có những quy định riêng về việc chuyển nhượng. Cụ thể như sau:

+ Cổ phần phổ thông: sẽ được tự do chuyển nhượng nếu công ty đã hoạt động được từ đủ 3 năm trở nên. Nếu vẫn trong thời hạn 3 năm từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì quyền chuyển nhượng sẽ bị hạn chế chỉ được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác, nếu chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập hoặc cho người không phải cổ đông của công ty thì phải được sự đồng ý của các cổ đông sáng lập khác thông qua hình thức biểu quyết.

+ Cổ phần ưu đãi cổ tức: thì luôn được tự do chuyển nhượng.

+ Cổ phần ưu đãi biểu quyết: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 và Khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2014:

 “3. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông”.

” 3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”.
Từ các quy định trên thì nếu bạn nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết của công ty thì bạn không thể chuyển nhượng cổ phần này cho người khác trong thời hạn 3 năm từ ngày công ty được cấp giấy đăng ký kinh doanh. Chỉ khi hết thời hạn 3 năm đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết được chuyển thành cổ phần phổ thông thì bạn mới có thể chuyển nhượng.

Trường hợp 2: Bạn không phải là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần. Trường hợp này cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình.

Về việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của bạn, Theo quy định tại Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì:

” Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình…”.
Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2014  quy đinh:

” Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây: …”.

Vì vậy, nếu bạn thuộc trường hợp được quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần và công ty đồng ý mua lại thì công ty chỉ được mua lại không quá 30% tổng cổ phần phổ thông đã bán hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có phần trao đổi về những điểm mới của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chương trình tiềm năng Việt Nam, kênh truyền hình Netviet-VTC10. Mời quý vị đón xem tại đây:

Ô tô VinFast được bảo hộ sở hữu trí tuệ ở EU

Trong thời gian bảo hộ tối đa lên tới 25 năm, các hãng ô tô khác sẽ không được sản xuất hoặc cho lưu thông các mẫu xe có kiểu dáng trùng hoặc tương tự với mẫu xe của VinFast tại thị trường Liên minh châu Âu.

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho hai mẫu ô tô Sedan và SUV của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh VinFast. Thời hạn bảo hộ lần đầu là 5 năm và được gia hạn 4 lần.
Như vậy, trong thời gian bảo hộ tối đa lên tới 25 năm, các hãng ô tô khác sẽ không được sản xuất hoặc cho lưu thông các mẫu xe có kiểu dáng trùng hoặc tương tự với mẫu xe của VinFast tại thị trường Liên minh châu Âu. Ngoài châu Âu, VinFast cũng đang nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với 2 mẫu ô tô Sedan và SUV tại các quốc gia khác như Mỹ, Nga, Ukraine, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Lào, Campuchia, Indonesia…
Việc VinFast chủ động đăng ký bảo hộ kiểu dáng sản phẩm tại nhiều nước là bước đi quan trọng và chuyên nghiệp để gia nhập vào thị trường thế giới, đồng thời khẳng định chiến lược định vị thương hiệu VinFast là xe quốc tế của công ty.
Tháng 1.2018, VinFast đã ký hợp đồng với nhà thiết kế Pininfarina (Ý) để sản xuất xe mẫu, đồng thời hợp tác với những nhà sản xuất, tư vấn công nghệ sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới như BMW, Magna Steyr, AVL, Durr AG (dây chuyền sơn), Schuler AG (dây chuyền dập), Eisenmann (lắp ráp)… với kế hoạch cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2019. Theo kế hoạch, hai chiếc xe mẫu Sedan và SUV mang thương hiệu VinFast sẽ tham gia triển lãm Ô tô quốc tế Paris (Mondial de l’Auto Paris) tại Pháp vào tháng 10.2018 và sau đó sẽ ra mắt chính thức tại VN.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kinh-doanh/o-to-vinfast-duoc-bao-ho-so-huu-tri-tue-o-eu-948119.html
Trong chương trình sở hữu trí tuệ và cuộc sống, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên về Tài sản sở hữu trí tuệ và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Mời Quý vị xem nội dung tại đây:

Chủ đầu tư tự ý phân lô, bán nền thì sẽ bị xử lý thế nào?

Câu hỏi: Hiện nay tôi đang có ý định mua một lô đất thuộc một dự án đầu tư, chủ đầu tư nói với tôi khu đất này đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để chuyển nhượng dưới hình thức phân lô, bán nền. Tuy nhiên, tôi có yêu cầu chủ đầu tư cho xem quyết định phê duyệt nhưng họ liên tục lấy lý do này kia để không đưa cho tôi xem. Vậy xin hỏi: Khi chủ đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép phân lô, bán nền thì tôi có thể nhận chuyển nhượng mảnh đất này hay không? Chủ đầu tư có bị xử phạt khi tự ý phân lô, bán nền không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn dự định muốn nhận chuyển nhượng một mảnh đất trong một dự án của một chủ đầu tư được phân lô, bán nền, nhưng khi bạn yêu cầu cung cấp văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc phê duyệt thì chủ đầu tư đưa ra nhiều lý do để không phải đưa văn bản/Quyết định cho bạn. Căn cứ theo Điều 40 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về quyền của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

“1. Yêu cầu bên chuyển nhượng cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về quyền sử dụng đất chuyển nhượng.

2. Yêu cầu bên chuyển nhượng làm thủ tục và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

3. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng vị trí và tình trạng đất theo thỏa thuận trong hợp đồng.

4. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất bồi thường thiệt hại do lỗi của bên chuyển nhượng gây ra.

5. Có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm nhận bàn giao đất từ bên chuyển nhượng.

6. Các quyền khác trong hợp đồng”.

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định nghĩa vụ của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về quyền sử dụng đất và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp cho bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, nếu bạn yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất đặc biệt là Quyết định phê duyệt được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì bạn không nên nhận chuyển nhượng mảnh đất này vì không đảm bảo quyền lợi cho bạn và rất có thể sẽ bị rủi ro.

Căn cứ theo Điều 15 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định về tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở:

“1. Hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê mà chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất dưới 01 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 03 héc ta đến dưới 05 héc ta;

d) Phạt tiền từ trên 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 05 héc ta trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Như vậy, tùy vào từng diện tích mà chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dưới hình thức phân lô, bán nền thì chủ đầu tư sẽ bị xử phạt mức tiền phạt tương ứng. Ngoài ra, chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Trong chương trình An cư kênh InfoTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã phân tích vấn đề chế tài áp dụng cho các chủ đầu tư xây dựng không phép. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Tư vấn giải quyết vấn đề thừa kế đất đai đối với người định cư ở nước ngoài

Câu hỏi: Bố mẹ tôi lớn tuổi có lập di chúc chia đất lại cho con cái trong nhà. Nhưng anh tôi hiện định cư nước ngoài (vẫn mang quốc tịch Việt Nam) thì sau khi bố mẹ mất có được phép đứng tên thừa hưởng nhà đất thừa kế không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì hợp lệ. Người nhà ở Việt Nam có thể làm hộ giấy tờ sở hữu hay bắt buộc anh tôi phải về nước?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp luật áp dụng như sau:

1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Việc anh bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không làm hạn chế quyền được hưởng di sản thừa kế của anh bạn. Sau khi bố mẹ bạn mất, thủ tục khai nhận di sản thừa kế sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 18 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, theo quy định tại Điều 7 Luật nhà ở năm 2014 cũng là một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở năm 2014 có quy định về một trong các điều kiện sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thứcmua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi,nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

Ngoài ra, Điều khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về quyền của người sở hữu nhà ở như sau:

1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:

a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;

b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;

c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai; …

Và Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

Mà một trong các quyền chung của người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 gồm có: “Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Như vậy, anh bạn nếu thuộc trường hợp người Việt Nam định cư tại nước ngoài được ở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được đứng tên thừa hưởng di sản thừa kế là nhà đất tại Việt Nam.

– Nếu anh bạn vì điều kiện không thể đi lại hai nơi, bạn có thể lựa chọn phương án sau:

Thứ nhất, anh bạn có thể từ nước ngoài, gửi bản sao các giấy tờ tùy thân như và các giấy tờ chứng minh quan hệ cha – con với người để lại di sản để các anh em ở Việt Nam đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Sau đó chỉ cần đợi đến thời điểm ký văn bản khai nhận di sản thừa kế, anh bạn sẽ về nước và ký vào văn bản đó.

Thứ hai, nếu anh bạn không thể về được, anh bạn có thể gửi bản sao các giấy tờ ở phương án 1 kèm theo văn bản ủy quyền về việc làm thủ tục khai nhận di sản cho người thân ở Việt Nam. Việc ủy quyền phải thực hiện tại Cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) của Việt Nam tại nước nơi anh bạn đang cư trú. Người được ủy quyền sẽ thực hiện nội dung công việc trong phạm vi được anh bạn ủy quyền.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự trong chương trình Bạn và pháp luật, kênh VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

 

Nên ký hợp đồng cho thuê hay cho mượn?

Câu hỏi: Tôi là Hằng. Tôi có một căn nhà không ở, nay có bạn tôi muốn đến ở một thời gian. Bạn tôi nói cho mượn, còn tôi thì đang suy nghĩ, không biết nên cho thuê hay cho mượn. Xin hỏi: Theo hình thức nào thì tính pháp lý chắc chắn hơn?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hợp đồng thuê tài sản: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng mượn tài sản: là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Dựa vào định nghĩa trên, có thể thấy cả hai loại hợp đồng đều thể hiện sự thỏa thuận của các bên và bên chủ sở hữu tài sản đều chuyển giao quyền sử dụng tài sản của mình cho bên không có tài sản, trong một thời hạn nhất định.

Sự khác nhau giữa hai loại hợp đồng này là: việc trả tiền; nếu như thuê tài sản thì bên thuê phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê cho bên thuê thì mượn tài sản thì lại không phải trả tiền.

Việc lựa chọn hình thức hợp đồng nào sẽ phụ thuộc vào mong muốn của các bên trong hợp đồng; nếu bạn cho họ sử dụng nhà của mình và có mục đích sinh lợi thì bạn nên ký kết hợp đồng thuê nhà. Và ngược lại ký hợp đồng cho mượn nhà ở nếu không có nhu cầu sinh lợi.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tai chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.

Mức cấp dưỡng cho người thân của bị hại trong vụ án hình sự được quy định như thế nào?

Câu hỏi: Tôi là Giang. Anh trai tôi là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích và hiện đang mất khả năng lao động. Tôi muốn hỏi có quy định hay hướng dẫn mức cấp dưỡng cho người thân như bố mẹ, vợ, con của bị hại trong vụ án giết người hay cố ý gây thương tích không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hiện nay, pháp luật không có quy định về mức cấp dưỡng cho đối tượng (như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con) của bị hại trong vụ án hình sự. Vấn đề bồi thường thiệt hại cho bị hại trong vụ án hình sự (như vụ án giết người, cố ý gây thương tích, …) là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và được giải quyết theo nguyên tắc “bồi thường thiệt ngoài hợp đồng”.

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu phát sinh việc bồi thường, bồi hoàn cho người bị hại thì người thực hiện hành vi phạm tội có nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại do chính hành vi phạm tội của họ gây ra. Mức cấp dưỡng sẽ được Tòa án xác định trên cơ sở là khả năng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.

Giải quyết việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo tố tụng dân sự”.

Trong chương trình bạn và pháp luật, kênh VOV1 Đài tiếng nói Việt nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã phân tích về những điểm mới của Bộ luật hình sự trong đó có hình phạt dành cho pháp nhân và những vấn đề pháp lý liên quan. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Có cần công chứng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần?

Câu hỏi: Tôi là Phúc. Hiện tại, tôi đang cần sang nhượng lại cổ phần của tôi cho đối tác. Xin hỏi: Hợp đồng sang nhượng này có cần phải ra công chứng không vậy?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực áp dụng với những giao dịch liên quan tới bất động sản pháp luật; hoặc các giao dịch liên quan tới động sản có đăng ký quyền sở hữu bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng hoặc chứng thực.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không ghi nhận việc xác nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, theo các mẫu hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần trong các Công ty Cổ phần do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thì việc xác nhận các hợp đồng chuyển nhượng này phải có sự xác nhận bởi ba chủ thể đó là bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Như bạn trình bày, hiện tại bạn đang cần bán cổ phần cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua lại cổ phần của bạn trong công ty thì hợp đồng này không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể lựa chọn hình thức công chứng hoặc chứng thực trong hợp đồng chuyển nhượng này.

Nếu bạn lựa chọn công chứng hợp đồng thì tổ chức có thẩm quyền trong việc công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Như vậy, bạn có thể lựa chọn công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng tại địa phương nơi có tài sản (quyền sử dụng đất). Việc công chứng thì chỉ cần bạn thực hiện ở các tổ chức hành nghề công chứng thì đều có hiệu lực như nhau.

Trong Chương trình Bạn và Pháp luật phát sóng thứ hai hàng tuần trên VOV1 có ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề luật căn cước công dân. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Khi người cho vay nặng lãi đe dọa đòi nợ thì phải làm sao?

Câu hỏi: Cách đây vài tháng bố tôi có vay 200 triệu đồng của một người quen (ông X) và có trả lãi định kỳ cho khoản vay đó. Nhưng 2 tháng trước do không có khả năng chi trả nên bố tôi đã hẹn ông X cho thêm chút thời gian để có thể bán nhà trả nợ. Nay nhà tôi đã bán (hiện chưa đến thời gian giao hẹn nên người mua nhà chưa trả tiền cho gia đình tôi) nhưng ông X gọi điện đòi nợ. Số nợ sau 2 tháng đã lên đến 500 triệu. Vì ông X tính lãi quá cao nên hiện tại nhà tôi không có khả năng chi trả, bố tôi đã xin trả tiền gốc là 200 triệu đồng nhưng ông X nhất quyết không đồng ý. Ông X nhắn tin, gọi điện, đe doạ chửi bới và cho người đến nhà tôi. Khiến cho bố tôi lo sợ không dám ra đường. Hiện tại gia đình tôi không biết phải làm thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định của Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được xác định:  Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy bố bạn có vay 200 triệu đồng của một chú người quen được xác định là có giao kết hợp đồng vay tài sản.

Về phần tính lãi suất mà bố bạn phải trả cho ông X số tiền gốc là 200 triệu, sau 2 tháng số tiền đã lên 500 triệu. Như vậy đã vi phạm quy định về lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Bên cạnh đó tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi cho vay nặng lãi và hậu quả của hành vi cho vay nặng lãi thì người người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, có thể là xử lý hành chính hoặc hình sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 201. Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Như vậy, theo Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng của bố bạn và ông X đã bị vô hiệu. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vô hiệu không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, vì vậy, các bên không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch vô hiệu đó. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ giao dịch là sự thỏa thuận, hợp tác giữa các bên tham gia giao kết, vì vậy, pháp luật luôn khuyến khích các bên đàm phán, thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp pháp sinh trong quá trình hợp tác, bao gồm cả việc thỏa thuận, đàm phán phương án khắc phục giao dịch vô hiệu, giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu, trước khi đưa tới tòa án để giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có phần trao đổi về cách thức đòi nợ theo đúng quý định của pháp luật trong chương trình làm đúng hiểu đúng kênh truyền hình quốc hội. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

 

Muốn kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phải đáp ứng điều kiện gì?

Câu hỏi: Mình là Dương, ở Quảng Ninh. Hiện tại mình có mua một ngôi nhà gần khu du lịch, gia đình mình chỉ có 3 người mà nhà có 6 phòng nên mình muốn tận dụng cho khách du lịch thuê. Xin hỏi: Pháp luật có quy định về điều kiện kinh doanh như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 48 Luật Du lịch năm 2017 quy định về các lọai cơ sở lưu trú du lịch gồm:

1. Khách sạn.

2. Biệt thự du lịch.

3. Căn hộ du lịch.

4. Tàu thủy lưu trú du lịch.

5. Nhà nghỉ du lịch.

6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.

7. Bãi cắm trại du lịch.

8. Các cơ sở lưu trú du lịch khác.

Theo thông tin bạn cung cấp thì hoạt động của bạn được quy định thuộc loại hình kinh doanh lưu trú du lịch. Điều kiện với loại hình này được quy định như sau:

Điều 49. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch bao gồm:

a) Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch, …

Theo quy định này thì bạn phải nộp hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh tại nơi tiến hành kinh doanh để đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Bạn phải có hệ thống bảo đảm an ninh, trật tự an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. bên cạnh đó bạn phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật tại Điều 27 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP như sau:

Điều 27. Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê

1. Có đèn chiếu sáng, nước sạch.

2. Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.

3. Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

4. `Chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

Trong chương trình luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về bải bỏ Giấy phép con theo Luật đầu tư năm 2014. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty

Câu hỏi: Công ty tôi là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, trước đây do ông X là người đại diện theo pháp luật nhưng nay vì nhiều lý do nên ông X không thể tiếp tục công việc. Hội đồng quyết định sẽ để ông Y thay thế vị trí của ông X. Vậy công ty tôi cần làm gì để báo cáo sự thay đổi này?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Để thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty thì bạn cần chẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm có:

1- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty (do Chủ tịch Hội đồng quản trị ký);

2- Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.

4- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người thay thế làm đại diện theo pháp luật:

4.1- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;
4.2-  Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Giấy đăng ký tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, Giấy phép lao động và Hộ chiếu;

5- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;

6- Giấy ủy quyền của công ty cho người đi nộp hồ sơ.

Hồ sơ được nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp quận/ huyện nơi có trụ sở của công ty.

Thời hạn giải quyết: từ 3-5 ngày làm việc

Lưu ý: Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cần chú ý đến việc việc đăng ký thông tin chủ tài khoản tại ngân hàng;

Đối với công ty có giấy phép sau thành lập như giấy phép kinh doanh lữ hành, giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự phải thực hiện thủ tục thay đổi các giấy phép này vì trên giấy phép có thông tin về người đại diện theo pháp luật cũ (đó khi thực hiện thay đổi người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp cần lưu ý thực hiện thủ tục liên quan nếu doanh nghiệp còn có các giấy phép con);

Nếu việc thay đổi người đại diện theo pháp luật có gắn liền với việc chuyển nhượng vốn cho người đại diện theo pháp luật mới cần lưu ý thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân của người chuyển nhượng, nộp thuế thu nhập (nếu phát sinh thu nhập chịu thuế).

Trong chương trình hiểu đúng làm đúng kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW sẽ tư vấn với chủ đề Ly hôn khi vợ bị bạo hành. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

 

Tư vấn thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh

Câu hỏi: Tôi là Hùng, ở thành phố Hồ Chí Minh. Công ty tôi là Công ty cổ phần có địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh. Công ty tôi có thành lập chi nhánh tại Hà Nội từ năm 2010. Nay Công ty tôi muốn chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngoài Hà Nội, nhưng vẫn chưa biết thủ tục phải tiến hành ra sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 206 Luật doanh nghiệp năm 2014 và Điều 60 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh như sau:

“Điều 206. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện

1. Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm:

a) Quyết định của doanh nghiệp về chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

c) Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

d) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

đ) Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị giải thể liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

4. Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh quy định tại khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”;

“Điều 60. Chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

1. Khi chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Đối với việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, kèm theo Thông báo phải có các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp, trong đó quyết định của doanh nghiệp về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của chủ sở hữu hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Phòng Đăng ký kinh doanh nhận thông báo, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng chấm dứt hoạt động; đồng thời ra Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

3. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh trong trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Trong trường hợp này, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến giải trình thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh”.

Như vậy, căn cứ vào quy định như trên của pháp luật thì khi tiến hành chấm dứt hoạt động chi nhánh thì cần phải làm những thủ tục như sau:

Hồ sơ bao gồm:

–  Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh;

– Quyết định của của Hội đồng quản trị về chấm dứt hoạt động chi nhánh;

–  Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh;

– Con dấu của chi nhánh (nếu có);

– Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Những hồ sơ này bạn tiến hành nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh – thuộc Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trong chương trình Nhịp cầu Netviet, Kênh VTC10, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã trả lời phóng viên về tình huống quyền thừa kế quyền sử dụng đất của Việt Kiều như đoạn video sau: