Con trai có quyền đòi nợ thay cha đã mất?

nguồn internet.

Câu hỏi: Bố tôi lúc còn sống có cho vay 1 số tiền lớn. Nhưng nay ông đã mất, trước lúc mất ông có dặn dò tôi thay ông đòi khoản nợ này, mà bên nợ không trả số tiền và viện lý do tôi không có quyền đòi ,và họ không được biết vấn đề này. Xin hỏi tôi có quyền yêu cầu họ trả số tiền đó không?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 372 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về căn cứ chấm dứt nghĩa vụ.

Điều 372. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ

Nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được hoàn thành;

2. Theo thỏa thuận của các bên;

3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;

4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

5. Nghĩa vụ được bù trừ;

6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;

7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;

8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;

10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

11. Trường hợp khác do luật quy định.”

Theo đó, trường hợp mà cha của bạn mất không làm chấm dứt nghĩa vụ trả nợ của bên kia. Phần tài sản đó thuộc di sản thừa kế mà cha bạn để lại, nên bạn và các đồng thừa kế khác có quyền đòi lại khoản nợ đó.

Bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu bên kia trả lại số tiền mà họ đã vay. Khi khởi kiện ra tòa bạn phải chứng minh cha bạn có cho bên kia mượn số tiền trên (phải có giấy tờ vay mượn hay sự thừa nhận của bên kia qua ghi âm…)

Nói xấu người khác trên Facebook sẽ bị xử lý như thế nào?

nguồn inetnet

Câu hỏi: Thời gian qua tôi thường bị bôi nhọ, bôi xấu trên facebook bởi một người bạn. Khiến bản thân tôi bị ảnh hưởng, dẫn đến trầm cảm. Nếu tôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người bạn đó sẽ có thể bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có quy định rất rõ về các hành vi bị cấm. Cụ thể, Điểm d Khoản 1 của Điều này nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Như vậy, hành vi của người bạn trên là vi phạm pháp luật.

Tùy vào mức độ của hành vi  mà người vi phạm  có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp 1: xử phạt hành chính

Hành vi này có thể xem xét xử phạt hành chính theo Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Điều khoản này quy định xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trường hợp2 : Truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng, và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo tội “làm nhục người khác” hoặc “vu khống” được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Giao hàng không đúng chủng loại xử lý như thế nào?

nguồn inetrnet

Câu hỏi: Gia đình tôi có đặt mua một số lượng lớn hộp nhựa để trồng cây cho trang trại của mình qua trang web bán hàng công ty trên mạng internet. Nhưng bên bán lại giao hàng không đúng chủng loại theo yêu cầu của tôi. Tôi đã yêu cầu trả lại hàng và hoàn lại tiền đối với công ty cung cấp nhưng bên bán không đồng ý. Xin hỏi tôi có thể hoàn trả và nhận lại tiền bằng cách nào?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 439 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại như sau:

“ Điều 439. Trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại

Trường hợp tài sản được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thỏa thuận.

2. Yêu cầu giao tài sản đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại.

3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu việc giao không đúng chủng loại làm cho bên mua không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.

Trường hợp tài sản gồm nhiều chủng loại mà bên bán không giao đúng với thỏa thuận đối với một hoặc một số loại thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến loại tài sản đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Theo quy định pháp luật việc giao hàng không đúng chủng loại thì người bán có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng mua bán bằng việc trả lại hàng và yêu cầu bên bán bồi thường hoàn trả tiền.

Con dâu có được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ chồng không?

nguồn internet

Câu hỏi: Tôi làm dâu đã được 20 năm. Tôi đã tận tình chăm sóc bố mẹ chồng lúc ốm đau. Nay bố mẹ tôi qua đời, tôi có thể nhận được tài sản mà bố mẹ chồng để lại hay không?

Trả lời

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người được hưởng thừa kế theo pháp luật như sau:

“ Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.” 

Như vậy, theo quy định trên thì con dâu không thuộc đối tượng được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật nên bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế từ bố mẹ chồng. Trừ trường hợp bố mẹ chồng của bạn có di chúc và trong di chúc có thể hiện rõ là bố mẹ bạn để tài sản cho bạn thì bạn mới được hưởng.

Người lao động có phải bồi thường chi phí đào tạo nghề khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không trái với pháp luật?

Câu hỏi: Tôi là Tuấn. Tôi được công ty cử đi nước ngoài để được đào tạo nghề như trong hợp đồng lao động mà tôi và công ty đã ký kết. Và sau khi về nước tôi cam kết làm cho công ty 3 năm. Nếu không làm 3 năm tôi phải hoàn trả chi phí đào tạo. Nhưng khi về nước công ty không giao công việc đúng như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động cho tôi . Làm được ở công ty 1 năm tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Xin hỏi, tôi có phải hoàn trả chi phí đào tạo không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 1 Điều 37 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục”.

Căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 37 Bộ Luật Lao động 2012 thì việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng là đúng với quy định của pháp luật.

Trường hợp phải hoàn trả chi phí đào tạo được quy định tại Điều 43 Bộ Luật lao động 2012:

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Như vậy, bạn sẽ không phải hoàn trả chi phí đào tạo nếu bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Nghỉ không xin phép bao nhiêu ngày thì có thể bị sa thải?

Câu hỏi: Tôi là Hạnh làm công nhân may tại Công ty X và được nghỉ chủ nhật. Ngày 22/3/2018 bố tôi mất nên tôi có thông báo cho công ty và tôi được nghỉ 3 ngày theo quy định của công ty. Nhưng do quá đau buồn và bận nhiều việc sau khi bố mất nên đến ngày 29/3/2018 tôi mới đến công ty tiếp tục làm việc và tôi nhận được quyết định của Giám đốc cho tôi nghỉ việc với nguyên nhân tôi nghỉ mà không xin phép. Trước đó tôi chưa từng nghỉ mà không xin phép. Quý công ty cho tôi hỏi, quyết định của Giám đốc cho tôi nghỉ việc như vậy có đúng hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Việc áp dụng hình thức sa thải được quy định tại Điều 126 Bộ Luật Lao động năm 2012:

“Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;

2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;

3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.

Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động”.

Trường hợp 1: Nếu bạn tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì việc Giám đốc ra quyết định sa thải bạn là đúng.

Trường hợp 2: Nếu bạn tự ý bỏ việc nhưng chưa đến 5 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì việc Giám đốc ra quyết định sa thải bạn là trái pháp luật. Theo đó,  Công ty X phải có nghĩa vụ sau khi sa thải bạn trái pháp luật . Điều 42 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

“1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”

Tư vấn về điều kiện và hình thức mua cổ phần trong công ty cổ phần cho cá nhân

Câu hỏi: Tôi là Tiến. Hiện tại tôi muốn mua cổ phần trong công ty cổ phần. Quý công ty cho tôi hỏi về điều kiện và hình thức mua cổ phần như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện mua cổ phần:

Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về chủ thể được mua cổ phần như sau:

“3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Như vậy, nếu bạn không thuộc các đối tượng không được góp vốn vào công ty theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức thì bạn hoàn toàn có thể mua cổ phần trong công ty cổ phần.

Thứ hai, về hình thức mua cổ phần:

Khoản 2 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định hình thức chào bán cổ phần:

2. Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:

a) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;

b) Chào bán ra công chúng;

c) Chào bán cổ phần riêng lẻ.

Như vậy, nếu bạn không phải là cổ đông của công ty cổ phần bạn muốn mua cổ phần thì bạn có thể mua cổ phần theo hai hình thức đó là: mua cổ phần được chào bán ra công chúng, mua cổ phần được chào bán riêng lẻ.

Nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Câu hỏi: Tôi là Dẫn là công dân Việt Nam. Hiện tại tôi sống độc thân và không có ý định lập gia đình nên tôi có nhu cầu nhận nuôi con nuôi và người con nuôi này là người Pháp. Vậy cho tôi hỏi, điều kiện và thủ tục để nhận con nuôi là như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện nhận nuôi con nuôi người nước ngoài:

Khoản 2 Điều 29 Luật nuôi con nuôi 2010:

“2. Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 14 của Luật này và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.”

Dẫn chiếu  theo Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.”

Thứ hai, về thủ tục nhận nuôi con nuôi là người nước ngoài:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ của người nhận nuôi và người con nuôi:

–           Người nhận nuôi.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật nuôi con nuôi 2010:

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này

–           Người con nuôi.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật nuôi con nuôi 2010:

1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài gồm có:

a) Các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

c) Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định tại khoản 2 điều 15 của Luật này nhưng không thành.

Dẫn chiếu Khoản 1 Điều 18 Luật nuôi con nuôi 2010:

1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Bước 2: Trình tự thủ tục nhận nuôi con nuôi người nước ngoài.

–           Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Khoản 2 Điều 9 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

“2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài”

–           Nộp hồ sơ:

Điều 40 quy định về việc công dân trong  nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi như sau:

1. Công dân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi phải lập hồ sơ theo quy định tại Điều 17 của Luật này gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xem xét, cấp giấy xác nhận người nhận con nuôi có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp nơi người đó thường trú xác minh thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày.

2. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, công dân Việt Nam có trách nhiệm làm thủ tục ghi chú việc nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú.

Tư vấn chuyển đổi loại hình công ty

Câu hỏi:  Tôi là Minh. Công ty của tôi là công ty cổ phần và hiện tại tôi có muốn chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Xin hỏi, tôi cần tiến hành những thủ tục gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về phương thức  chuyển đổi:

Khoản 1 Điều 197 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

“1. Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

a) Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của tất cả các cổ đông còn lại;

b) Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

c) Công ty chỉ còn lại một cổ đông trong thời gian vượt quá thời hạn yêu cầu số lượng tối thiểu công ty cổ phần theo quy định tại Điều 110 của Luật này.”

Theo căn cứ trên, khi  bạn muốn chuyển đổi loại hình công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì bạn có thể áp dụng các phương thức này.

Thứ hai, về thủ tục chuyển đổi:

* Công ty soạn hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để chuyển đổi loại hình công ty, hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

b) Điều lệ công ty chuyển đổi theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp;

c) Quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển đổi công ty;

d) Danh sách thành viên hoặc danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài và bản sao hợp lệ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 23 Luật Doanh nghiệp;

đ) Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.

* Công bố thông tin chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia:

Sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố thông tin thay đổi trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày thay đổi.

Lưu ý: Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Theo đó, nếu doanh nghiệp không công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp đúng hạn sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng và phải khắc phục hậu quả là buộc phải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

ăng ký lại quyền sở hữu tài sản: 

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, công ty trách nhiệm hữu hạn phải thực hiện thủ tục đăng ký lại quyền sở hữu tài sản đối với tài sản được chuyển từ doanh nghiệp công ty cổ phần sang công ty TNHH tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Việc đăng ký lại quyền sở hữu tài sản không phải chịu lệ phí trước bạ.

*Con dấu pháp nhân của doanh nghiệp:

Doanh nghiệp được tự chọn mẫu dấu và số lượng.

Do đó, khi chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH sẽ không phải hủy con dấu cũ vì theo quy định mới doanh nghiệp có quyền quyết định về số lượng và hình thức, nội dung dấu pháp nhân của đơn vị mình. Tuy nhiên, sau khi khắc dấu pháp nhân với đơn vi khắc dấu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu và công bố mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Chưa đủ 18 tuổi có được kết hôn không?

Câu hỏi:  Tôi là Lan. Tôi sinh tháng 12 năm 2000. Tôi và bạn trai tôi hơn tôi 5 tuổi rất yêu nhau và có ý định tiến tới hôn nhân. Nhưng khi ra xã đăng ký kết hôn thì nhân viên ở xã không cho đăng ký với lý do tôi chưa đủ 18 tuổi. Tôi lại nghĩ là tôi đã 18 tuổi và được đăng ký kết hôn. Xin hỏi, với độ tuổi của tôi như vậy thì tôi đã đủ tuổi đăng ký kết hôn hay chưa?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

Dẫn chiếu sang điểm a, b, c, và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; 

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”

Căn cứ vào luật thì nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được đăng kí kết hôn. Ví dụ bạn sinh ngày 01/12/2000 thì ngày 01/12/2018 là bạn đủ 18 tuổi. Như vậy, nếu bây giờ bạn đi đăng ký kết hôn thì bạn chưa đủ điều kiện đăng ký kết hôn về độ tuổi.

Có được giữ tài sản của người khác khi họ không thực hiện nghĩa vụ ?

Câu hỏi: Tôi là Dũng, hiện tại tôi có đi sửa điện thoại Iphone 8 của tôi và khi đến cửa hàng sửa điện thoại tôi không mang đủ tiền để trả cho chi phí sửa chữa điện thoại đó nên tôi đã thương lượng với người nhân viên sửa chữa là đưa điện thoại cho tôi sử dụng và tôi trả 1 nửa rồi hôm sau tôi mang tiền ra trả nốt. Nhưng nhân viên không đồng ý và yêu cầu bao giờ tôi có đủ tiền thì họ sẽ giao điện thoại. Quý công ty cho tôi hỏi hành vi giữ điện thoại Iphone 8 của tôi của nhân viên đó có được coi là trái pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 346 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về cầm giữ tài sản như sau:

“Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Căn cứ vào quy định cầm giữ ta thấy việc bạn chưa trả đủ tiền cho việc sửa chữa điện thoại đó là việc bạn chưa hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ, cho nên việc giữ điện thoại của nhân viên sửa chữa điện thoại là đúng và nhân viên sửa chữa điện thoại có quyền và nghĩa vụ như sau:

Điều 348 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về quyền của bên cầm giữ:

“1. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.

2. Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.

3. Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.

Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.”

Điều 349 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên cầm giữ:

“1. Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.

2. Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.

3. Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

4. Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.

5. Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.”

Như vậy, bạn sẽ được giao lại điện thoại sau khi bạn thanh toán xong tiền sửa chữa điện thoại

Con riêng có được nhận di sản thừa kế của bố không ?

Câu hỏi: Tôi là Dương. Tôi sống với mẹ từ nhỏ và không có bố, cho đến gần đây tôi được mẹ thông báo là bố đẻ của tôi mới chết và khuyên tôi nên quay trở về nhận bố để được nhận thừa kế. Quý công ty cho tôi hỏi, liệu tôi có được nhận phần thừa kế của bố tôi không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, nếu bố bạn có lập di chúc:

Điều 624 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Nếu bạn được chỉ định là người thừa kế được quy định trong nội dung của di chúc thì bạn sẽ được nhận thừa kế. Còn nếu bạn không được chỉ định là người thừa kế thì bạn vẫn sẽ không được nhận thừa kế trừ trường hợp tại Khoản 1 Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động …”.

Thứ hai, nếu bố bạn không lập di chúc:

Bạn sẽ được nhận thừa kế theo pháp luật.

Khoản 1 Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 thì hàng thừa kế và việc phân chia di sản theo hàng thừa kế được quy định như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”

Những người không được hưởng di sản quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”.

Như vậy, trong trường hợp bố bạn không lập di chúc và bạn không thuộc vào trường hợp người không được hưởng di sản thì bạn sẽ là người được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng với những người cùng hàng.