Grab mua lại Uber: Quyền lợi người tiêu dùng có được đảm bảo?

461

Uber rút khỏi Đông Nam Á, thế độc tôn trên thị trường sẽ thuộc về Grab. Không ít người tiêu dùng lo ngại, khi đã độc quyền, Grab có thể tăng giá cước và hạn chế ưu đãi, khuyến mãi.

Sáng 26/3, Grab phát đi thông báo hoàn thành việc mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Hãng này cho biết đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Chi tiết và giá trị của bản hợp đồng không được tiết lộ, chỉ có thông tin Uber vẫn giữ 27,5% cổ phần trong Grab.

Grab cho biết sau khi mua toàn bộ Uber, hãng này sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của mình với vai trò là nền tảng chạy xe lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, các hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ sáp nhập vào hệ thống của Grab.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.

Theo đó, Uber sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Grab.

Đồng thời, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp như sau:

“Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng”.

Chuyện sáp nhập là của doanh nghiệp, nhưng đối với người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, việc Uber Đông Nam Á “đầu hàng” Grab và về “chung nhà” là một tin chẳng có gì lấy làm vui vẻ. Với thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á, về mặt quyền lợi, người tiêu dùng có lẽ mất hơn là được. Độc chiếm thị trường, Grab dễ dàng tự làm giá, giới tài xế dễ gặp tình cảnh “nếu không thích thì biến”, còn các chương trình khuyến mãi hay giảm giá dù không còn được như trước thì người tiêu dùng cũng không có lựa chọn nào khác, …

Tóm lại, quyền lợi của khách hàng luôn được cam kết bảo đảm trong hoạt động sáp nhập tại các văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, các quy định này vẫn mang tính chung và thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết của các cơ quan cấp dưới có thẩm quyền.

Người tiêu dùng thường được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất. Chính vì thế lúc này, sự chú ý và kì vọng đang hướng về ứng dụng đặt xe Go-Jek lâu nay mới chỉ phổ biến tại Indonesia. Thông tin Go-Jek vào Việt Nam đã được dư luận từ khá lâu nhưng bây giờ chính là cơ hội chín muồi. Chúng ta là những người dùng và luôn mong muốn quyền lợi của mình được bảo vệ ở mức tốt nhất. Chúng ta có thể vẫn sử dụng dịch vụ của Grab nhưng mong muốn lớn hơn là thị trường luôn có sự cạnh tranh để tránh tình trạng độc chiếm và độc quyền.