Quy định về nhãn hiệu theo Công ước Paris

573

Theo quy định tại Điều 6 Công ước Paris thì Công ước Paris không quy định các điều kiện nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu mà dành việc này cho luật quốc gia của các nước thành viên.

Khi công dân của một nước thành viên của Liên minh nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tai bất cứ nước nào trong Liên minh đều không thể bị từ chối hay cũng không được hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu với lý do rằng việc nộp đơn, đăng ký, hoặc gia hạn tại nước xuất xứ không có hiệu lực. Một khi nhãn hiệu được đăng ký tại một nước thành viên, đăng ký đó sẽ độc lập với đăng ký có thể có tại bất cứ nước thành viên nào khác, kể cả nước xuất xứ.

Do đó, nếu đăng ký nhãn hiệu bị mất hiệu lực tại một nước thành viên thì cũng sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của đăng ký nhãn hiệu đó tại các nước thành viên khác.

Bên cạnh đó thì các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm từ chối hoặc huỷ bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó là sự sao chép, bắt chước, biên dịch, và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký hoặc nước sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó của người được Công ước cho hưởng lợi thế sử dụng nhãn hiệu đó trên các loại hàng hoá giống hoặc tương tự. Những quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp thành phần chủ yếu của nhãn hiệu là sự sao chép của bất kỳ nhãn hiệu nổi tiếng nào hoặc là sự bắt chước có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó.

Thời hạn được yêu cầu huỷ bỏ nhãn hiệu là  không ít hơn 5 năm kể từ ngày đăng ký nhãn hiệu. Các nước thành viên của Liên minh có quyền quy định thời hạn theo đó có thể yêu cầu cấm sử dụng nhãn hiệu.

Đối với những nhãn hiệu được đăng ký và sử dụng với mục đích xấu thì quyền yêu cầu hủy bỏ hay ngăn cấm việc sử dụng những nhãn hiệu đó là không áp dụng thời hạn.