Những nội dung cơ bản của hợp đồng ủy quyền

Câu hỏi: Tôi là Kiên. Qúy công ty cho tôi hỏi: Trong hợp đồng ủy quyền thì cần có những nội dung gì? Hình thức như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Hợp đồng ủy quyền là một loại hợp đồng dân sự và được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi một cá nhân mong muốn giao cho một cá nhân khác những quyền của mình một cách hợp pháp, cá nhân đó sẽ thực hiện hành vi ủy quyền.

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng ủy quyền: Các bên có thể tự thỏa thuận về hình thức hợp đồng, tuy nhiên trong những trường hợp khác do pháp luật quy định, hợp đồng phải được lập thành văn bản (có thể yêu cầu công chứng, chứng thực).

Thứ hai, về nội dung hợp đồng ủy quyền, gồm:

  • Thông tin các bên giao kết: bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;
  • Căn cứ ủy quyền: Bên ủy quyền đưa ra những bằng chứng cho thấy mình có quyền hoặc được phép thực hiện những công việc nêu trong phạm vi ủy quyền;
  • Phạm vi ủy quyền: Đây là phần đặc biệt quan trọng mà các bên cần chú ý làm rõ. Phạm vi ủy quyền cần được nêu cụ thể công việc cần thực hiện để tránh trường hợp bên nhận ủy quyền lạm dụng quyền trong phạm vi này. Tuy nhiên, nếu phạm vi ủy quyền quá hẹp thì bên ủy quyền sẽ cần phải lập thêm hợp đồng khác nếu muốn bên nhận ủy quyền thực hiện công việc không nằm trong phạm vi này, gây tốn thời gian và công sức;
  • Thời hạn ủy quyền: nếu trong hợp đồng không quy định điều khoản này thì pháp luật mặc định thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ ngày ký hợp đồng;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên: căn cứ từ Điều 565 – Điều 568 Bộ luật dân sự 2015, ngoài những quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định, các bên có thể thỏa thuận thêm các quyền, nghĩa vụ khác tùy thuộc vào tính chất công việc ủy quyền, miễn không trái với quy định của pháp luật;
  • Thù lao bên nhận ủy quyền được hưởng (nếu có): cần ghi rõ mức thù lao, phương thức và thời hạn thanh toán;
  • Phương thức giải quyết tranh chấp;
  • Các thỏa thuận khác không trái với quy định của pháp luật.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tai chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài bán buôn rượu tại Việt Nam

Câu hỏi: Tôi là Minh. Qúy công ty cho tôi hỏi: Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài bán buôn rượu tại Việt Nam là gì (cụ thể là thành lập doanh nghiệp để bán buôn rượu)? phải xin những loại giấy phép gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài bán buôn rượu tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy phép bán buôn rượu và giấy phép kinh doanh.

Điều kiện bán buôn rượu:

  • Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.
  • Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
  • Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
  • Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.

Điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài:

Nhà đầu tư nước ngoài phải đăp ứng các điều kiện về cấp Giấy phép kinh doanh tại Điều 9 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng không thuộc trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp theo pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

Thứ hai, quy trình thành lập doanh nghiệp bán buôn rượu tại Việt Nam:

Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư:

Nhà đầu tư xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm các tài liệu:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu);
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
  • Bản sao tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
  • Bản sao các giấy tờ:
  • Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiều hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập;
  • Đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế: Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức;
  • Các giấy tờ cần thiết khác (nếu có);

Sau khi nộp hố sơ tại Sở Kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được công khai, doanh nghiệp phải thông báo công khai thông tin đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu

Doanh nghiệp thực hiện khắc dấu và thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Xin cấp Giấy phép bán buôn rượu

Nhà đầu tư nộp 01 Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán buôn rượu theo Mẫu số 01;

2. Bản sao Giấy, chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;

3. Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm kho hàng, địa điểm bán lẻ rượu và bán rượu tiêu, dùng tại chỗ (nếu có kinh doanh) theo quy định;

4. Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh;

5. Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống bán buôn của các thương nhân bán lẻ; bản sao Giấy phép bán lẻ rượu của các thương nhân dự kiến tham gia hệ thống bán buôn của doanh nghiệp xin cấp phép;

6. Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu:

  • Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất trong nước, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn khác, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của thương nhân sản xuất, thương nhân phân phối hoặc thương nhân bán buôn khác;
  • Bản sao Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép phân phối hoặc Giấy phép bán buôn rượu của các nhà cung cấp rượu.

7. Bản cam kết do thương nhân tự lập, trong đó nêu rõ nội dung thương nhân bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và kho hàng.

Trong thời hạn 15 ngày (ngày làm việc) kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân Sở Công thương xem xét, thẩm định và cấp Giấy phép. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc chưa hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện.

Chuyên mục Tư Vấn Pháp Luật – Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời câu hỏi của khán giả về vấn đề bổ sung dịch vụ kinh doanh trong giấy chứng nhận đầu tư khu công nghiệp. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Tư vấn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài

Câu hỏi: Bạn tôi là người Nhật. Nay muốn đầu tư vào Việt Nam, cụ thể là muốn thành lập 1 công ty kinh doanh dịch vụ massage. Xin hỏi: Bạn tôi phải đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục ra sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện kinh doanh

Căn cứ Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì dịch vụ y tế chuyên khoa (CPC 93122): Dịch vụ chẩn đoán và điều trị do các bác sĩ cung cấp để chữa bệnh cho một loại bệnh cụ thể, trong một cơ sở y tế (gồm cả các cơ sở chữa bệnh cho các bệnh nhân nội và ngoại trú)… các dịch vụ khác có liên quan với chăm sóc sức khỏe (ví dụ như phục hồi, chăm sóc sau khi rời bệnh viện…).

Căn cứ tại Điều 22 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉ hành nghề với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: “…Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: … Cơ sở dịch vụ xoa bóp (Massage)…”.

Như vậy, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư thành lập công ty kinh doanh dịch vụ xoa bóp.

Điều kiện đối với cơ sở xoa bóp:

1. Phải có nhân viên kỹ thuật xoa bóp

Nhân viên kỹ thuật xoa bóp đáp ứng điều kiện sau:

Khi nhận vào làm việc, phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp quận, huyện cấp. Trong quá trình làm việc phải khám sức khỏe định kỳ từ 3 đến 6 tháng 1 lần tại các cơ sở khám chữa bệnh từ cấp quận, huyện trở lên. Những người mắc bệnh tâm thần, viêm gan B, bệnh da liễu, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm khác đang trong thời kỳ phải điều trị không được hành nghề.

2. Biển hiệu: Phải ghi đúng: “Xoa bóp” hoặc “Massage”, không được ghi cụm từ “Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc các tên khác.

3. Các phòng xoa bóp phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

  • Hệ thống công tắc đèn đặt bên ngoài phòng xoa bóp;
  • Không có hệ thống khóa và chốt bên trong phòng;
  • Không được sử dụng bất cứ phương tiện thông tin nào để thông báo vào phòng xoa bóp.

4. Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường.

5. Ngoài ra, cũng theo Biểu cam kết WTO còn quy định mức vốn đầu tư tối thiểu đối với cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.

Thứ hai, quy trình thành lập công ty

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 36 Luật đầu tư).

Theo đó thì nhà đầu tư nước ngoài nộp 01 Bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tới Sở kế hoạch và đầu tư nới công ty dự định đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (Theo mẫu);
  • Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển;
  • Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh; hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư theo hình thức liên doanh;

Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và xem xét hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trường hơp từ chối cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do từ chối.

Bước 2: Đăng ký doanh nghiệp

Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư. Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
  • Bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc giấy tờ xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Dự thảo Điều lệ công ty;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 –  05 ngày làm việc.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu và Công bố sử dụng mẫu dấu

Doanh nghiệp thực hiện khắc dấu tại các cơ sở khắc dấu. Doanh nghiệp tự quyết định loại dấu, hình thức và số lượng con dấu của mình.

Sau khi có con dấu, doanh nghiệp phải thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tịn đăng ký kinh doanh quốc gia.

Chuyên mục Tư Vấn Pháp Luật – Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời câu hỏi của khán giả về các thủ tục góp vốn khi không muốn thay đổi giấy phép đăng kí kinh doanh. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Một doanh nghiệp có thể có nhiều trụ sở chính không?

Câu hỏi: Mình là Lan, ở Hà Nội. Mình đang chuẩn bị thành lập Công ty TNHH một thành viên về cung cấp hàng tiêu dùng, mình dự kiến kinh doanh trên nhiều tỉnh nên sẽ mở nhiều trụ sở kinh doanh. Vậy cho mình hỏi trong giấy đăng ký kinh doanh mình có được phép có nhiều trụ sở chính hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trụ sở chính của Doanh nghiệp được hiểu là nơi tập trung các hoatạ động chính của doanh nghiệp và là nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể

Điều 43. Trụ sở chính của doanh nghiệp

Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Luật doanh nghiêp không quy định  cụ thể về số lượng trụ sở chính của Doanh nhiệp, tuy nhiên thông qua các quy định của luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành có thể thấy một doanh nghiệp chỉ có một trụ sở chính ghi rõ địa chỉ và được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp có thể có nhiều trụ sở ( cơ sở ) kinh doanh khác nhau nhưng trụ sở chính thì chỉ có một địa chỉ trụ sở. Điều này tạo điều kiện cho hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh. Một địa chỉ có thể được dùng cho nhiều doanh nghiệp làm địa chỉ trụ sở chính nhưng một doanh nghiệp thì không thể có nhiều địa chỉ trụ sở chính được. Mỗi doanh nghiệp nếu có nhiều cơ sở kinh doanh thì ngoài trụ sở chính cơ sở kinh doanh khác chỉ được đăng ký là các chi nhánh, văn phòng đại diện và số lượng không hạn chế.

Trong chương trình Hộp tin Việt Nam, Kênh thông tin Kinh tế VTC8, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SB Law cùng với các chuyên gia M&A đã có buổi trao đổi về quy trình tư vấn một vụ M&A. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Sự khác nhau giữa thành viên góp vốn và thành viên hợp danh

Câu hỏi: Tôi là Chung, ở Hà Nội. Qua tìm hiểu tôi chỉ thấy điều 180 Luật doanh nghiệp 2014 – tư cách thành viên hợp danh bị chấm dứt. Tôi muốn hỏi thêm về luật chấm dứt tư cách của thành viên góp vốn của công ty hợp danh. Qúy công ty có thể phân biệt giúp tôi 2 loại thành viên góp vốn và thành viên hợp danh này không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên:

  • Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh:

Việc chấm dứt tư cách thành viên của công ty hợp danh hiện nay chỉ được quy định tại Điều 180 Luật doanh nghiệp 2014:

+ Thành viên hợp danh tự nguyện rút vốn khỏi công ty

+ Thành viên hợp danh đã chết; bị Tòa án tuyên bố mất tích; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

+ Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty.

+ Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định

  • Chấm dứt tư cách thành viên góp vốn của công ty hợp danh:

Tư cách thành viên góp vốn của công ty hợp danh chấm dứt khi:

+ Thành viên góp vốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác

+ Thành viên góp vốn tặng cho phần vốn góp của mình cho người khác

+ Thành viên góp vốn chết, người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty.

– Thứ hai, sự khác nhau giữa thành viên góp vốn và thành viên hợp danh

+ Thành viên hợp danh là thành viên bắt buộc phải có trong công ty hợp danh với số lượng tối thiểu là hai thành viên. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, có cùng trình độ chuyên môn, là những người quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty cả về mặt pháp lý và thực tế, chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới trong quá trình hoạt động của công ty.

+ Thành viên góp vốn là tổ chức hoặc cá nhân, không bắt buộc phải có trong công ty hợp danh, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi góp vốn vào công ty.

Tiêu chí Thành viên hợp danh Thành viên góp vốn
Số lượng Bắt buộc phải có ít nhất 2 thành viên Không bắt buộc phải có trong công ty
Chủ thể Cá nhân đủ năng lực hành vi dân sự, có cùng trình độ chuyên môn. Không bị pháp luật cấm. Tổ chức hoặc cá nhân, không cần cùng trình độ chuyên môn.
Trách nhiệm Chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới trong quá trình hoạt động của công ty Chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Kết nạp thành viên, chấm dứt tư cách thành viên Phải được sự chấp thuận của ¾ thành viên hợp danh Phải được sự chấp thuận của 2/3 thành viên hợp danh
Quản lý công ty Đại diện theo pháp luật cho công ty Không có quyền
Hưởng lợi nhuận Theo tổng số vốn góp hoặc theo thỏa thuận Theo số vốn góp
Quyền hạn Không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty khác, không được quyền nhân danh cá nhân hoặc thành viên khác thực hiện kinh doanh cùng ngành nghề với công ty đó. Có quyền như một thành viên trong công ty đối vốn.
Chuyển nhượng vốn Chỉ được chuyển nhượng vốn khi được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong công ty. Được chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật.

Trong chuyên mục Góc nhìn Chuyên gia, kênh InfoTV, VTVcab9, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về vấn đề Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề phòng vệ thương mại. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

32.000 nạn nhân tiền ảo có lấy lại được 15.000 tỉ?

Trong bài “32.000 nạn nhân tiền ảo có lấy lại được 15.000 tỉ?” đăng trên trang Xã luận, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Xung quanh vụ Công ty Modern Tech bị tố lừa đảo khiến 32.000 người thiệt hại 15.000 tỉ đồng, rất nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các nhà đầu tư có thể lấy lại tiền của mình hay không và bằng cách nào để lấy lại tiền? Trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước như thế nào khi mà những nhóm lừa đảo có quy mô hoạt động dễ dàng, hoành hành khắp nơi?

Khó có tiền bồi thường

Trả lời câu hỏi trên, luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết: Đối với những người tham gia thì trước hết phải thừa nhận là họ đã bị lòng tham làm mờ mắt. Ngay cả một ngân hàng làm ăn bài bản, có uy tín thì lãi suất tiền gửi cũng chỉ khoảng 6%-7%/năm; với các ngành nghề khác làm ăn thuận lợi đạt được mức lợi nhuận 20%-30%/năm đã là tốt lắm rồi.

Thế nhưng Công ty Modern Tech lại cam kết trả mức lãi tối thiểu lên đến 48%/tháng, tương đương 576%/năm. Khi họ hứa hẹn khoản lợi tức cố định và tối thiểu ở mức 576%/năm thì rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo.

Thậm chí khi nhà đầu tư thấy đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thôi cũng đã vô lý lắm rồi. Đằng này trông đợi vào khoản lợi nhuận cao gấp 115 lần so với lãi suất hiện hành tại các ngân hàng lại càng phi thực tế.

“Dấu hiệu sai phạm của Công ty Modern Tech trong trường hợp này rất rõ ràng: Họ đã dùng những thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc của nhà đầu tư. Cùng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt, Modern Tech sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nhưng cái quan trọng là nếu số tiền đó đã được dùng để chi trả cho người khác rồi, tẩu tán… thì bây giờ có thu hồi được hay không, lấy đâu ra tiền để bồi thường cho người dân. Với số tiền lớn như thế thì khả năng thu hồi là rất ít, đã có nhiều vụ được xét xử là thắng nhưng đó chỉ là thắng về mặt giấy tờ, pháp lý chứ trên thực tế là không có tiền để thu hồi, để bồi thường nữa” – ông Đức phân tích.

LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng: Nếu Công ty Modern Tech có ý thức ngay từ đầu như sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ, hưởng lợi nhuận cao… để thu hút đầu tư nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người gửi vào thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Theo tôi, muốn xử lý tội danh này, cơ quan điều tra phải chứng minh Modern Tech hoạt động có đúng chức năng như đã đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước hay không. Việc công ty này đưa một mức lãi suất quá cao so với Nhà nước quy định để thu hút vốn, vậy số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, có đúng như cam kết với nhà đầu tư không?” – LS Vinh nói.

Về phía nhà đầu tư, theo LS Vinh, nếu cơ quan điều tra xử lý hình sự thì quyền lợi của nhà đầu tư chỉ có thể xem xét ở số tiền đã rót về phía công ty này. Riêng số tiền với lãi suất “khủng” như hai bên đã thỏa thuận ban đầu thì không được pháp luật bảo vệ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản…

Cơ quan quản lý ở đâu

LS Trương Thanh Đức đặt vấn đề: Cơ quan quản lý ở đâu khi đường dây đa cấp tiền ảo của Công ty Modern Tech công khai mua bán, huy động vốn tiền ảo trong một thời gian dài. Bởi với hàng loạt hội thảo, hội nghị được Modern Tech tổ chức rầm rộ khắp nơi cùng các chiêu trò dụ hàng ngàn người tham gia, huy động vốn với số tiền rất “khủng” chứ không phải làm lén lút. Như vậy, không lẽ các cơ quan quản lý lại không biết.

Từ thực tế này có thể nói các cơ quan chức năng đã không làm hết trách nhiệm. Không kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu mà để đến khi sự việc bung bét, đến khi hàng ngàn người có nguy cơ mất trắng số vốn đầu tư rồi mới xem xét, xử lý. Trong khi đó kẻ chủ mưu Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, lặn mất tăm trước cáo buộc lừa đảo 15.000 tỉ đồng. Thậm chí đến thời điểm này phía các cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời rõ về sự việc này là khó hiểu.

“Theo tôi, ngay bây giờ phải có động thái chấn chỉnh, ít nhất là các cơ quan nhà nước phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao khi đầu tư tiền ảo” – ông Đức đề nghị.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SBLaw, cho biết vai trò của cơ quan chức năng chưa quyết liệt ngay từ đầu. Bởi khi có những dấu hiệu về việc huy động vốn trả lãi cao không tưởng như thế thì đáng lẽ ngay lập tức các cơ quan chức năng phải có cảnh báo, điều tra. Nếu để đến tận khi mọi chuyện vỡ lở như vụ việc vừa rồi mới xem xét điều tra thì tiền của nhà đầu tư có thể đã bị tẩu tán hết rồi.

Do vậy, bây giờ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để khởi tố điều tra vụ việc nhằm tìm hiểu mục đích huy động vốn đầu tư của Modern Tech. Việc khởi tố vụ án nhằm kê biên, phong tỏa tài sản càng được thực hiện sớm thì may ra các nhà đầu tư còn gỡ gạc lại được chút gì đó. Bởi một khi Modern Tech đã cố tình lừa đảo ngay từ đầu thì hiệu quả thu hồi tiền cho nhà đầu tư là vô cùng thấp.

“Hơn nữa, với vụ việc nghiêm trọng này không ai giúp đỡ các người dân tốt bằng các cơ quan chức năng. Điều đó không chỉ tốt cho chính nhà đầu tư đã bị thiệt hại trong vụ việc này mà còn là lời cảnh báo cho toàn xã hội” – LS Hà nói.

Nghệ sĩ có quyền yêu cầu bồi thường danh dự

Trong suốt thời gian qua Công ty Cổ phần Modern Tech liên tục tổ chức các hội nghị khách hàng trên toàn quốc. Đặc biệt tại các hội nghị này, danh tiếng của các nghệ sĩ như Trấn Thành, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng, Lệ Quyên, Quang Dũng,… bị lôi kéo vào với danh nghĩa “liên tục tổ chức họp báo sự kiện ra mắt celebrities hợp tác cùng ifan”.

Vậy nếu sự thật các nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình? Trả lời câu hỏi này, LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, nêu quan điểm: Nếu vụ án có dấu hiệu lừa đảo thì chắc chắn các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Nếu thật sự các nghệ sĩ không liên quan thì sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng họ sẽ được minh oan.

“Trường hợp nếu xác định, chứng minh được đối tượng đã lợi dụng hình ảnh của mình làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm… thì lúc này các nghệ sĩ có quyền yêu cầu người gây ra phải bồi thường thiệt hại (nếu có) và xin lỗi công khai theo quy định của pháp luật” – LS Lê Văn Hoan nói.

Nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2131470

Bao nhiêu tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? 

Câu hỏi: Tôi là Dần, ở Quảng Ninh. Qúy công ty cho tôi hỏi: Bao nhiêu tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Và tuổi nào sẽ phải chịu toàn bộ tội, tuổi nào được miễn?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Điều 12 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 có quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Như vậy, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Khi đang hưởng án treo thì có được kết hôn không?

Câu hỏi: Tôi có một người bạn đang chấp hành án treo. Do thời gian tìm hiểu đã lâu, hai bên gia đình đều mong muốn bạn tôi và bạn gái kia sớm kết hôn. Vậy bạn tôi có thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn trong thời điểm này không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (điều kiện về mức hình phạt; điều kiện về nhân thân của người phạm tội; điều kiện về các tình tiết giảm nhẹ; điều kiện về yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, …)

Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Về việc kết hôn, điều kiện được kết hôn quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014, cụ thể:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự.

– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Mặt khác, các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bao gồm:

– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.

– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Dựa vào điều kiện và các hành vi bị cấm nêu trên thì không có quy định về việc tước quyền kết hôn của người đang chấp hành hình phạt tù.

Như vậy, trong trường hợp này, dù bạn của bạn đang chấp hành bản án hình sự nhưng nếu hai bạn đó thỏa mãn điều kiện kết hôn và không thuộc hành vi bị cấm thì sẽ vẫn được kết hôn như mọi công dân khác. Hai bạn đó hoàn toàn được phép đăng ký kết hôn trong thời điểm này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã tư vấn cho bà con Việt Kiều về vấn đề cư trú, hôn nhân và gia đình trên truyền hình Netviet – VTC10:

Các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình đầu tư vào Việt Nam

Câu hỏi: Tôi là nhà đầu tư nước ngoài (Mỹ). Xin hỏi: Trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, có thể phát sinh những tranh chấp gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Tranh chấp với công ty mục tiêu: Thực tế, trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp là phổ biến nhất do thời gian thực hiện thủ tục tương đối ngắn và đơn giản. Tuy nhiên, việc mua lại một công ty tại Việt Nam thì thường vướng vào một số quy định pháp lý như ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Khi mua lại một công ty tại đây, nhà đầu tư nên thẩm định pháp lý thật kỹ những vấn đề về điều kiện kinh doanh. Giả sử một công ty chưa có giấy phép con để hoạt động trong một ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc chưa đáp ứng các điều kiện hoạt động thì có khả năng họ sẽ che giấu các thông tin này.

Tranh chấp nội bộ nhà đầu tư: Trong quá trình đầu tư, sẽ dễ dàng có những tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhà đầu tư như tranh chấp về tỷ lệ góp vốn, lựa chọn người đại diện theo pháp luật, bổ nhiệm các vị trí quản lý, … Để tránh tình trạng này, nhà đầu tư nên có sự chuẩn bị và thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định hoặc ký kết các biên bản thỏa thuận nội bộ để tạo nền tảng thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

Tranh chấp với đối tác: Khi hoạt động vào Việt Nam, công ty có vốn nước ngoài cũng cần thiết lập quan hệ kinh doanh và giao dịch với các đối tác ví dụ như: nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ, … Cũng như bất cứ loại quan hệ nào khác, giữa các đối tác kinh doanh luôn tồn tại nguy cơ xảy ra tranh chấp do đôi bên đều đang đi tìm kiếm lợi ích. Để tránh xung đột đáng tiếc, những thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết giữa các bên cần được soạn thảo kỹ lưỡng, cân bằng lợi ích để duy trì sự tin tưởng và mối quan hệ kinh doanh bền chặt.

Tranh chấp trong chuyển nhượng dự án: Nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam muốn nhận chuyển nhượng dự án từ những nhà đầu tư trước. Việc nhận chuyển nhượng dự án có thể tiềm ẩn nhiều tranh chấp về tài chính, nợ, lao động, quyền sở hữu, … nên nhà đầu tư cần tìm hiểu và thẩm định kỹ tình hình dự án dự định chuyển nhượng và đàm phán với bên chuyển nhượng để tìm ra cách giải quyết thỏa đáng cho đôi bên.

Tranh chấp với người lao động: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về lao động, nhất là hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thực tế, tranh chấp về lao động xảy ra rất nhiều không chỉ ở công ty trong nước mà còn ở các công ty có vốn nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cùng các chuyên gia pháp lý thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong chương trình kinh doanh và Pháp luật trên kênh VTV2. Mời quý vị đón xem:

 

Tư vấn thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Câu hỏi: Tôi được cấp sổ đỏ 600m2 trong đó 250m2 là đất vườn; còn lại 350 m2 là đất ao. Hiện nay tôi đã xây nhà kiên cố từ năm 2010. Nay tôi muốn cấp lại sổ và chuyển mục đích sử dụng đúng với hiện trạng thực tại là: đất xây dựng 300m2 và còn lại là đất vườn thì phí chuyển đổi và làm sổ mới là hết bao nhiêu tiền và thủ tục thực hiện là như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định Điều 57 và Điều 59 Luật đất đai 2013 các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất:

Điều 69, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định như sau:

1. Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.

2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất;

– Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất;

– Trích lục và biên vẽ thửa đất bản đồ địa chính.

Về phí chuyển đổi và làm sổ mới: Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất như sau:

Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, tiền sử dụng đất mà bạn có nghĩa vụ phải nộp được xác định = 50% x (tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở –  tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp) tại thời điểm có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên địa bàn.

Bên cạnh đó, căn cứ tính tiền sử dụng đất được quy định tại Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, theo đó người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật đất đai năm 2013 và được xác định trên các căn cứ sau:

1. Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất.

2. Mục đích sử dụng đất.

3. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất:

Giá đất theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức

Như vậy, giá đất trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với với diện tích đất ở trong hạn mức của gia đình bạn sẽ phải căn cứ theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

Về thời gian giải quyết: Theo Điều 61 Luật đất đai 2013 Thời gian thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

– Giao đất, thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;

– Chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.

Theo đó thời hạn để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ giấy tờ của người sử dụng đất.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà sẽ phân tích về nội dung này trong chương trình Bản tin bất động sản. Mời quý vị đón xem:

Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách 

Câu hỏi: Tôi là Thạnh. Qúy công ty cho tôi hỏi: Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách là gì? Giao kết bằng miệng được không hay bắt buộc phải bằng văn bản? Nếu bằng văn bản thì bao gồm những nội dung gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, hình thức hợp đồng:

Điều 523 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách như sau: “Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể”.

Như vậy, theo quy định trên thì bạn vẫn có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ nhất quyền lợi của các bên và là cơ sở chắc chắn để thực hiện hợp đồng thì các bên nên xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách bằng hình thức văn bản.

Thứ hai, nội dung cơ bản của hợp đồng:

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển. Pháp luật không quy định hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung chủ yếu nào. Vì vậy, các bên tự do thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng. Dưới đây là một số điều khoản, mà bạn có thể tham khảo:

  1. Thông tin các bên;
  2. Hành khách, hành lý vận chuyển;
  3. Địa điểm nhận khách, giao khách;
  4. Phương tiện vận chuyển khách;
  5. Quyền và nghĩa vụ các bên;
  6. Biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng;
  7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hơp đồng;
  8. Đơn phương chấm dứt hợp đồng;
  9. Chấm dứt và thanh lý hợp đồng;

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tài chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Muốn kinh doanh dịch vụ taxi, phải đáp ứng những điều kiện gì?

Câu hỏi: Tôi là Bình, ở Phú Thọ. Hiện bên tôi đang muốn kinh doanh dịch vụ taxi. Xin hỏi: Bên tôi phải đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục xin giấy phép như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi

Doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ taxi phải đáp ứng các điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ngoài ra còn phải đáp ứng điều kiện riêng đối với kinh doanh dịch vụ taxi. Cụ thể như sau:

Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP thì đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật;

2. Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh, cụ thể:

a) Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;

b) Xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

c) Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

3. Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe:

a) Lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

b) Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con của chủ hộ kinh doanh).

c) Nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nhân viên phục vụ trên xe vận tải khách du lịch còn phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch theo quy định của pháp luật liên quan về du lịch.

4.Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên.

5. Nơi đỗ xe: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

6.Về tổ chức, quản lý:

a)Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe;

b) Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trọng tải thiết kếtừ30 chỗ ngồi trở lên (bao gồm cả chỗ ngồi, chỗ đứng và giường nằm) phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đi làm, đi học và xe buýt có thiết bị thay thế nhân viên phục vụ);

c) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông;

d) Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách.

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi:

Ngoài điều kiện chung về vận tải bằng xe ô tô, Doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ taxi cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

-Xe taxi phải có sức chứa từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe).

-Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 08 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.

-Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì.

-Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị.

-Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị.

-Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.

Thứ hai, về thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi trước khi hoạt động phải được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vận tải bằng xe taxi.

Bước 1: Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn và nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm:

-Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu do Bộ Giao thông vận tải quy định;

-Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

-Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;

-Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

-Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao;

-Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các loại giấy tờ trong hồ sơ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ.

Bước 3: Sở Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ

-Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu thì tiến hành đi kiểm tra thực tế.

-Trường hợp xét thấy hồ sơ không đạt yêu cầu thì lập phiếu hướng dẫn yêu cầu bổ sung.

Bước 4: Trả kết quả

Sau 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải sẽ trả kết quả cho doanh nghiệp.

Trong chương trình luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về bải bỏ Giấy phép con theo Luật đầu tư năm 2014. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn: