32.000 nạn nhân tiền ảo có lấy lại được 15.000 tỉ?

632

Trong bài “32.000 nạn nhân tiền ảo có lấy lại được 15.000 tỉ?” đăng trên trang Xã luận, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Xung quanh vụ Công ty Modern Tech bị tố lừa đảo khiến 32.000 người thiệt hại 15.000 tỉ đồng, rất nhiều người đặt câu hỏi: Liệu các nhà đầu tư có thể lấy lại tiền của mình hay không và bằng cách nào để lấy lại tiền? Trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước như thế nào khi mà những nhóm lừa đảo có quy mô hoạt động dễ dàng, hoành hành khắp nơi?

Khó có tiền bồi thường

Trả lời câu hỏi trên, luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Đoàn LS TP Hà Nội, cho biết: Đối với những người tham gia thì trước hết phải thừa nhận là họ đã bị lòng tham làm mờ mắt. Ngay cả một ngân hàng làm ăn bài bản, có uy tín thì lãi suất tiền gửi cũng chỉ khoảng 6%-7%/năm; với các ngành nghề khác làm ăn thuận lợi đạt được mức lợi nhuận 20%-30%/năm đã là tốt lắm rồi.

Thế nhưng Công ty Modern Tech lại cam kết trả mức lãi tối thiểu lên đến 48%/tháng, tương đương 576%/năm. Khi họ hứa hẹn khoản lợi tức cố định và tối thiểu ở mức 576%/năm thì rõ ràng có dấu hiệu lừa đảo.

Thậm chí khi nhà đầu tư thấy đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thôi cũng đã vô lý lắm rồi. Đằng này trông đợi vào khoản lợi nhuận cao gấp 115 lần so với lãi suất hiện hành tại các ngân hàng lại càng phi thực tế.

“Dấu hiệu sai phạm của Công ty Modern Tech trong trường hợp này rất rõ ràng: Họ đã dùng những thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc của nhà đầu tư. Cùng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt, Modern Tech sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nhưng cái quan trọng là nếu số tiền đó đã được dùng để chi trả cho người khác rồi, tẩu tán… thì bây giờ có thu hồi được hay không, lấy đâu ra tiền để bồi thường cho người dân. Với số tiền lớn như thế thì khả năng thu hồi là rất ít, đã có nhiều vụ được xét xử là thắng nhưng đó chỉ là thắng về mặt giấy tờ, pháp lý chứ trên thực tế là không có tiền để thu hồi, để bồi thường nữa” – ông Đức phân tích.

LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng: Nếu Công ty Modern Tech có ý thức ngay từ đầu như sử dụng hình ảnh của nghệ sĩ, hưởng lợi nhuận cao… để thu hút đầu tư nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của những người gửi vào thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Theo tôi, muốn xử lý tội danh này, cơ quan điều tra phải chứng minh Modern Tech hoạt động có đúng chức năng như đã đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước hay không. Việc công ty này đưa một mức lãi suất quá cao so với Nhà nước quy định để thu hút vốn, vậy số tiền này được sử dụng vào mục đích gì, có đúng như cam kết với nhà đầu tư không?” – LS Vinh nói.

Về phía nhà đầu tư, theo LS Vinh, nếu cơ quan điều tra xử lý hình sự thì quyền lợi của nhà đầu tư chỉ có thể xem xét ở số tiền đã rót về phía công ty này. Riêng số tiền với lãi suất “khủng” như hai bên đã thỏa thuận ban đầu thì không được pháp luật bảo vệ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản…

Cơ quan quản lý ở đâu

LS Trương Thanh Đức đặt vấn đề: Cơ quan quản lý ở đâu khi đường dây đa cấp tiền ảo của Công ty Modern Tech công khai mua bán, huy động vốn tiền ảo trong một thời gian dài. Bởi với hàng loạt hội thảo, hội nghị được Modern Tech tổ chức rầm rộ khắp nơi cùng các chiêu trò dụ hàng ngàn người tham gia, huy động vốn với số tiền rất “khủng” chứ không phải làm lén lút. Như vậy, không lẽ các cơ quan quản lý lại không biết.

Từ thực tế này có thể nói các cơ quan chức năng đã không làm hết trách nhiệm. Không kịp thời cảnh báo, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu mà để đến khi sự việc bung bét, đến khi hàng ngàn người có nguy cơ mất trắng số vốn đầu tư rồi mới xem xét, xử lý. Trong khi đó kẻ chủ mưu Công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, lặn mất tăm trước cáo buộc lừa đảo 15.000 tỉ đồng. Thậm chí đến thời điểm này phía các cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời rõ về sự việc này là khó hiểu.

“Theo tôi, ngay bây giờ phải có động thái chấn chỉnh, ít nhất là các cơ quan nhà nước phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao khi đầu tư tiền ảo” – ông Đức đề nghị.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SBLaw, cho biết vai trò của cơ quan chức năng chưa quyết liệt ngay từ đầu. Bởi khi có những dấu hiệu về việc huy động vốn trả lãi cao không tưởng như thế thì đáng lẽ ngay lập tức các cơ quan chức năng phải có cảnh báo, điều tra. Nếu để đến tận khi mọi chuyện vỡ lở như vụ việc vừa rồi mới xem xét điều tra thì tiền của nhà đầu tư có thể đã bị tẩu tán hết rồi.

Do vậy, bây giờ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để khởi tố điều tra vụ việc nhằm tìm hiểu mục đích huy động vốn đầu tư của Modern Tech. Việc khởi tố vụ án nhằm kê biên, phong tỏa tài sản càng được thực hiện sớm thì may ra các nhà đầu tư còn gỡ gạc lại được chút gì đó. Bởi một khi Modern Tech đã cố tình lừa đảo ngay từ đầu thì hiệu quả thu hồi tiền cho nhà đầu tư là vô cùng thấp.

“Hơn nữa, với vụ việc nghiêm trọng này không ai giúp đỡ các người dân tốt bằng các cơ quan chức năng. Điều đó không chỉ tốt cho chính nhà đầu tư đã bị thiệt hại trong vụ việc này mà còn là lời cảnh báo cho toàn xã hội” – LS Hà nói.

Nghệ sĩ có quyền yêu cầu bồi thường danh dự

Trong suốt thời gian qua Công ty Cổ phần Modern Tech liên tục tổ chức các hội nghị khách hàng trên toàn quốc. Đặc biệt tại các hội nghị này, danh tiếng của các nghệ sĩ như Trấn Thành, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng, Lệ Quyên, Quang Dũng,… bị lôi kéo vào với danh nghĩa “liên tục tổ chức họp báo sự kiện ra mắt celebrities hợp tác cùng ifan”.

Vậy nếu sự thật các nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh thì họ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình? Trả lời câu hỏi này, LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, nêu quan điểm: Nếu vụ án có dấu hiệu lừa đảo thì chắc chắn các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. Nếu thật sự các nghệ sĩ không liên quan thì sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng họ sẽ được minh oan.

“Trường hợp nếu xác định, chứng minh được đối tượng đã lợi dụng hình ảnh của mình làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm… thì lúc này các nghệ sĩ có quyền yêu cầu người gây ra phải bồi thường thiệt hại (nếu có) và xin lỗi công khai theo quy định của pháp luật” – LS Lê Văn Hoan nói.

Nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2131470