Cà phê “bẩn” đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường cà phê Việt?

544

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về vấn đề Cà phê “bẩn” ảnh hưởng đến thị trường cà phê Việt như thế nào? Dưới đây là nội dung chi tiết:

1/ Cà phê “bẩn” đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường cà phê Việt?

Trả lời:

Cà phê Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến thị trường của hơn 80 nước trên thế giới. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã nhất định phải thử cà phê để hiểu về văn hóa đất nước này.

Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Bộ NNPTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, gần đây vụ một cơ sở chế biến cà phê tại Đăk Nông dùng phụ phẩm để sản xuất cà phê và nhuộm màu cà phê bằng pin vừa bị phát hiện, bắt giữ đã khiến dư luận một phen bàng hoàng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các tiểu thương, cơ sở rang xay cà phê chân chính của Việt Nam, làm đau lòng những người làm cà phê sạch, cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Hành vi trộn lõi pin vào cà phê còn là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao vị thế cà phê của doanh nghiệp trên thị trường thế giới, các Bộ, ngành và địa phương nhất là các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất phải xác định rõ ngoài nâng cao năng suất thì đảm bảo chất lượng là then chốt. Vừa giảm giá thành vừa nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

2/ Sản xuất thực phẩm bẩn gây ra ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp chân chính, liệu có nên đưa ra mức án cao nhất như tử hình, chung thân cho các đối tượng này?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; …. Với mức hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Các khung hình phạt của Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này. Vì thế việc trừng trị những người đã có hành vi phạm tội chưa đủ sức răn đe. Do đó, mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý.

 

3/ Đâu là giải pháp cho doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu?

Trả lời:

Thương hiệu của doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng một thương hiệu mạnh, làm thế nào để phát triển, bảo vệ thương hiệu của công ty thì không phải công ty Việt Nam nào cũng làm được.

Thứ nhất, lựa chọn mô hình thương hiệu hợp lý và hình thành chiến lược tổng thể cho xây dựng và phát triển thương hiệu: để xây dựng thương hiệu, trước hết các doanh nghiệp cần phải lựa chọn cho mình một mô hình thương hiệu hợp lý, phù hợp với chủng loại hàng hóa kinh doanh và điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp về tài chính, nhân lực, thị trường. Từ đó xây dựng chiến lược tổng thể xây dựng và phát triển thương hiệu. Với từng doanh nghiệp cụ thể sẽ cần những chiến lược phù hợp khác nhau tùy theo lĩnh vực hoạt động cũng như bối cảnh cạnh tranh với các đối thủ

Thứ hai, tiến hành ngay việc đăng ký nhãn hiệu cả trong nước và quốc tế: Theo quy định của pháp luật sở hữu công nghiệp Việt Nam, trong số những người cùng nộp đơn cho cùng một nhãn hiệu, quyền bảo hộ được dành cho người nộp đơn sớm nhất. Điều đó có nghĩa là chỉ có đơn đăng ký được nộp sớm nhất tại Cục Sở hữu trí tuệ là được bảo hộ. Vì vậy, để giữ nhãn hiệu của mình không bị “đánh cắp” cần đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt.

Thứ ba, thuê tư vấn đối với việc xây dựng thương hiệu hay kiểu dáng sở hữu công nghiệp nhằm giảm thiểu những rủi ro do tranh chấp sau này. Một điều dễ nhận thấy kinh phí bỏ ra để thuê dịch vụ tư vấn thiết kế, đăng ký nhãn hiệu bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp tự bỏ ra để làm xét về mặt tài chính, thời gian, công sức, cơ hội kinh doanh… đó là chưa kể đến chi phí thue luật sư trong trường hợp tranh chấp có thể phát sinh về sau.

Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết: