Hợp đồng BOT là một trong số ít phương thức kinh doanh mà không có nhiều văn bản luật cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành.
Điều này gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc thực thi và áp dụng vào thực tế.
Vì vậy, chuyên mục Tư vấn pháp luật hôm nay xin được được giới thiệu bài viết tổng hợp những câu hỏi thường gặp của doanh nghiệp và giải đáp của Luật sư SB Law căn cứ theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP nhằm giúp Quý khách thông tin cụ thể, dễ hiểu nhất về vấn đề này.
Nghị định bao gồm 9 chương và 53 điều, với các quy định về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao,Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh,Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2010 và thay thế Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO và Hợp đồng BT.
Cơ quan nào có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án BOT?
Theo Nghị định 108/2009, chỉ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng BOT.
Những dự án nào được khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT?
Hình thức BOT được khuyến khích áp dụng cho các dự án thuộc các lĩnh vực sau:
a) Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ;
b) Đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt;
c) Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông;
d) Hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải;
đ) Nhà máy điện, đường dây tải điện;
e) Các công trình kết cấu hạ tầng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Vì vậy, nếu doanh nghiệp hoạt động không thuộc những lĩnh vực trên, không nên sử dụng hình thức này để bảo đảm quyền lợi tối đa cho doanh nghiệp cũng như tránh những rắc rối có thể phát sinh xung quanh hợp đồng này.
Nhà nước có hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện dự án không? Có yêu cầu bắt buộc về tỷ lệ nguồn vốn của doanh nghiệp sở hữu đối với từng dự án không?
Nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án phải tự thu xếp các nguồn vốn để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án.
Nhà nước cũng có những quy định nhằm thiết chặt việc thực hiện các dự án theo hình thức BOT. Cụ thể:
1. Mức tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dự ánđược xác định như sau:
+ Với Tổng vốn đầu tư của Dự án thấp hơn hoặc bằng 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của Dự án;
+ Với Tổng vốn đầu tư của Dự án trên 1.500, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Doanh nghiệp dự án không được thấp hơn 10 % tổng vốn đầu tư của Dự án.
2. Trong trường hợp sử dụng nguồn vốn nhà nước, tổng vốn nhà nước tham gia không được vượt quá 49% tổng vốn đầu tư của Dự án.
Với các quy định như vậy, doanh nghiệp cần tính toán kỹ trước khi quyết định ký kết hợp đồng tránh trường hợp lãng phí nguồn lực.
Đề xuất dự án cần bao gồm những nội dung gì?
Đề xuất dự án có những nội dung sau mới được coi là hợp lệ:
a) Phân tích sự cần thiết và những lợi thế các việc thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT so với các hình thức đầu tư khác;
b) Dự kiến công suất, địa điểm, diện tích xây dựng, các hạng mục công trình, nhu cầu sử dụng đất;
c) Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có); ảnh hưởng của Dự án đối với môi trường sinh thái, phòng, chống cháy nổ, an ninh;
d) Xác định sơ bộ tổng vốn đầu tư của Dự án;
đ) Xác định các loại giá, phí hàng hóa, dịch vụ dự kiến thu từ việc khai thác công trình;
e) Xác định thời gian xây dựng, khai thác công trình, phương thức tổ chức quản lý và kinh doanh (đối với Dự án BOT và Dự án BTO);
g) Các điều kiện, phương thức chuyển giao và tiếp nhận công trình phù hợp với quy định tại Chương VI của Nghị định này;
h) Đề xuất áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo lãnh Chính phủ (nếu có) phù hợp với quy định tại Chương VII của Nghị định này;
i) Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế, xã hội của Dự án;
k) Đối với Dự án BT, ngoài những nội dung nêu tại các điểm a, b, c, d, g, h, i khoản này, Đề xuất dự án phải xác định điều kiện thanh toán hoặc điều kiện thực hiện Dự án khác.