Tư vấn giải quyết tranh chấp về nhà ở

366

Câu hỏi: Tôi là Minh. Anh họ tôi là người con trai cả trong gia đình nhưng anh bị tật từ nhỏ và không được cha mẹ thương, cha mẹ anh ấy có mua 1 mảnh đất từ mẹ tôi và dì có nói là mua nhà cho anh ấy ở, nhưng khi bán đất chỉ ký giấy tay không ai làm chứng.

Bây giờ thì bố anh ấy muốn cho thêm 1 người con và 1 đứa cháu vào ở. Vì hoàn cảnh nhà có 2 vợ chồng và 1 đứa con còn không có chỗ ở, anh có nói là không cho vào ở vì nhà quá nhỏ, nhưng bố và em gái anh ấy đe dọa là sẽ quăng đồ anh ấy ra ngoài và không cho anh ấy ở. Trong khi đó người bố này còn có 1 căn nhà rộng không ai ở, anh ấy có lên tiếng xin về nhà lớn để anh em tập hợp lại ở trong 1 căn, mỗi tháng trích ra 3 triệu để phụ cấp nhưng người bố không chịu nhất quyết đuổi anh ấy và làm đơn ra ủy ban phường can thiệp để đuổi anh ấy đi.

Hiện tại căn nhà nhỏ anh ấy đang ở và căn nhà lớn của bố anh ấy điều do bà ngoại tôi để lại, 3 người đứng tên chung 1 sổ đỏ là mẹ tôi, dì tôi và bố anh ấy, vậy ông ấy có quyền đuổi anh ấy không? Khi sổ đỏ đứng tên 3 người, mẹ và dì tôi có thể làm gì trong trường hợp này? Vì hoàn cảnh anh ấy rất khổ 2 vợ chồng không đủ sống và lại bị tật từ nhỏ.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013: “a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;” Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước đây đã kí là không có giá trị pháp lý.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp, cả 2 căn nhà đều do bà ngoại của bạn để lại và người đứng tên trên sổ đỏ bao gồm: bố của anh họ bạn, dì bạn và mẹ của bạn. Do đó, đây là tài sản thuộc sở hữu chung của cả 3 người họ và thuộc loại sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia, các bên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với các tài sản này theo Điều 210 BLDS năm 2015. Theo đó, việc chiếm hữu và sử dụng tài sản này được thực hiện thep quy định của BLDS như sau:

“Điều 217. Sử dụng tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy, việc quyết định sử dụng căn nhà như thế nào, cho ai ở phải được sự nhất trí và thỏa thuận từ cả 3 người chứ không chỉ phụ thuộc vào quyết định của một mình người bác của bạn. Do đó, việc đuổi anh họ bạn hay để anh họ bạn tiếp tục ở đấy phải được thỏa thuận từ cả 3 người. Nếu các bên không thể thống nhất được việc chiếm hữu, sử dụng tài sản chung thì tài sản phải được chia theo quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cùng các chuyên gia pháp lý thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong chương trình kinh doanh và Pháp luật trên kênh VTV2. Mời quý vị đón xem: