Tranh chấp về lối đi chung giữa các hộ liền kề giải quyết như thế nào?

413

Câu hỏi: Tôi là Hưng. Gia đình chúng tôi làm nhà trên mảnh đất 2 mặt tiền, một mặt hướng Bắc và mặt kia hướng Tây. Do tôi không hợp hướng Tây nên phải quay nhà và cổng hướng Bắc. Đường hướng Bắc thực chất là một ngõ phố nhỏ, được hình thành đã lâu và do 10 hộ dân trong ngõ góp tiền để bê tông hoá từ năm 2008. Khi tôi mở cổng đi hướng Bắc tôi đã trực tiếp gặp gỡ 10 hộ dân trong ngõ xin được tự nguyện đóng góp một phần kinh phí là 5 triệu đồng, tuy nhiên họ không đồng ý và yêu cầu tôi góp 10 triệu đồng. Tôi thấy số tiền đó là không hợp lý vì thực ra tôi mở cổng ngay góc ngã ba đường, chỉ đi chung ngõ xóm đó chừng 3 mét chiều dài. Không đạt được thỏa thuận, tôi mở thêm một cổng phụ nữa ở hướng Tây và sẽ đi lại chủ yếu bằng cổng phụ này. Do không đáp ứng yêu cầu của họ nên họ bàn cách cách gây cản trở sinh hoạt của gia đình tôi bằng cách dựng một cổng chào ngay giữa cổng nhà tôi và xây tường rào cao 2 mét ngay trước mặt tiền nhà tôi. Tôi thấy việc làm của họ là vô lí vì công trình xây dựng nhà tôi đã được cấp phép xây dựng trên đất hợp pháp đứng tên vợ chồng tôi. Vậy tôi xin hỏi hành động của họ có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 254 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Quyền về lối đi qua:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù”.

Bạn là chủ sở hữu của bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra sẽ có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề cho mình một lối đi hợp lý và gia đình bạn có nghĩa vụ thanh toán một khoản phí nhất định. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng lối đi chung để đảm bảo những nhu cầu thiết yếu và hợp pháp của mình,

Theo như bạn trình bày thì con hẻm ở phía Bắc là đường đi chung giữa các hộ gia đình, được hình thành đã lâu và do 10 hộ dân trong ngõ góp tiền để bê tông hoá từ năm 2008. Nay bạn xây cổng ở hướng Bắc, để thuận tiện việc đi lại thì bạn có nhu cầu sử dụng lối đi chung với 10 hộ gia đình trên và bạn cũng đã thỏa thuận đóng góp một phần kinh phí là 5 triệu đồng, tuy nhiên các hộ gia đình trên không đồng ý và yêu cầu bạn góp 10 triệu đồng. Hơn nữa, sau khi không đạt được thỏa thuận, bạn mở thêm một cổng phụ nữa ở hướng Tây và quyết định đi lại ở cổng này thì các hộ gia đình kia lại dựng một cổng chào ngay giữa cổng và xây tường rào cao 2 mét ngay trước nhà để hạn chế sinh hoạt của gia đình bạn. Hành vi cản trợ của các hộ gia đình là vi phạm pháp luật, hạn chế quyền về lối đi qua theo quy định của bạn.

Khi có căn cứ xác định con hẻm là tài sản chung của cộng đồng, hành vi cản trở sử dụng và chiếm dụng của gia đình hàng xóm có thể vi phạm theo quy định tại Điều 12 Luật đất đai năm 2013:

“Những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.

9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.

10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, tùy theo mức độ của hành vi mà người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đối với hành vi cản trở sử dụng đất, cụ thể

Điều 11. Gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tại khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tại khu vực đô thị đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc gây thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Vậy trong trường hợp này, trước hết bạn gặp gỡ các gia đình kia và thỏa thuận lại lần nữa về quyền chung lối đi. Nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể tố cáo về hành vi đó đến Ủy ban nhân dân xã, người có thẩm quyền quản lý trật tự trong khu vực hoặc cơ quan công an để bảo vệ quyền và lợi ích chung của bạn cùng mọi người. Hoặc khởi kiện đến Tòa án nơi có bất động sản để được giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cùng các luật sư và chuyên gia pháp lý bàn về nguyên nhân và giải pháp để chống lại các tranh chấp về lao động – tiền lương. Sau đây là đoạn video liên quan đến vấn dề này. Mời quý vị đón xem: