Quy định về pháp nhân trong Bộ luật dân sự năm 2015

525

Câu hỏi: Mình là Qúy, ở Hà Nội. Cho mình hỏi: Hiện nay, pháp nhân được quy định như thế nào? Và Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý. Một tổ chức được công nhận là có tư cách pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định. Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định pháp nhân như sau:

“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

– Thứ nhất, pháp nhân được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, …

– Thứ hai, phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định: Theo đó, pháp nhân phải có cơ quan điều hành, tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

– Thứ ba: Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.

Để một tổ chức tham gia vào quan hệ tài sản với tư cách là chủ thể độc lập thì phải có tài sản riêng, tài sản của pháp nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu của pháp nhân hoặc do nhà nước giao cho quản lý.

Tính độc lập trong tài sản của pháp nhân được thể hiện ở sự độc lập với tài sản của cá nhân là thành viên của pháp nhân, với cơ quan cấp trên và các tổ chức khác.

Trên cơ sở tài sản độc lập của pháp nhân, pháp nhân mới có thể chịu trác nhiệm bằng tài sản của mình.

– Thứ tư: pháp nhân nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập: Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập, được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ. Pháp nhân có thể đóng vai trò nguyên đơn hoặc bị đơn trước Tòa khi mà quyền lợi bị xâm phạm.

Theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014, đặc điểm công ty hợp danh như sau:

– Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

– Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Như vậy, công ty hợp danh đảm bảo được các điều kiện theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 do đó công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được đăng ký doanh nghiệp.

 Trong chương trình Bạn và pháp luật kênh VOV1, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trao đổi về Những vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết, bồi thường các trường hợp bị oan sai. Mời quý vị đón xem tại đây: