Khi người cho vay nặng lãi đe dọa đòi nợ thì phải làm sao?

468

Câu hỏi: Cách đây vài tháng bố tôi có vay 200 triệu đồng của một người quen (ông X) và có trả lãi định kỳ cho khoản vay đó. Nhưng 2 tháng trước do không có khả năng chi trả nên bố tôi đã hẹn ông X cho thêm chút thời gian để có thể bán nhà trả nợ. Nay nhà tôi đã bán (hiện chưa đến thời gian giao hẹn nên người mua nhà chưa trả tiền cho gia đình tôi) nhưng ông X gọi điện đòi nợ. Số nợ sau 2 tháng đã lên đến 500 triệu. Vì ông X tính lãi quá cao nên hiện tại nhà tôi không có khả năng chi trả, bố tôi đã xin trả tiền gốc là 200 triệu đồng nhưng ông X nhất quyết không đồng ý. Ông X nhắn tin, gọi điện, đe doạ chửi bới và cho người đến nhà tôi. Khiến cho bố tôi lo sợ không dám ra đường. Hiện tại gia đình tôi không biết phải làm thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định của Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được xác định:  Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy bố bạn có vay 200 triệu đồng của một chú người quen được xác định là có giao kết hợp đồng vay tài sản.

Về phần tính lãi suất mà bố bạn phải trả cho ông X số tiền gốc là 200 triệu, sau 2 tháng số tiền đã lên 500 triệu. Như vậy đã vi phạm quy định về lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Bên cạnh đó tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi cho vay nặng lãi và hậu quả của hành vi cho vay nặng lãi thì người người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, có thể là xử lý hành chính hoặc hình sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 201. Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Như vậy, theo Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng của bố bạn và ông X đã bị vô hiệu. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vô hiệu không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, vì vậy, các bên không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch vô hiệu đó. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Xuất phát từ giao dịch là sự thỏa thuận, hợp tác giữa các bên tham gia giao kết, vì vậy, pháp luật luôn khuyến khích các bên đàm phán, thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp pháp sinh trong quá trình hợp tác, bao gồm cả việc thỏa thuận, đàm phán phương án khắc phục giao dịch vô hiệu, giải quyết hậu quả giao dịch vô hiệu, trước khi đưa tới tòa án để giải quyết.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có phần trao đổi về cách thức đòi nợ theo đúng quý định của pháp luật trong chương trình làm đúng hiểu đúng kênh truyền hình quốc hội. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: