Đứng canh cho đồng bọn ăn trộm, có phải là đồng phạm?

796

Tình huống: Anh Tài hơi bị ngốc, trong một lần va chạm với anh Tú và anh Trọng, anh Tài bị dụ dỗ làm đồng phạm của anh Tài với anh Trọng để đi ăn trộm. Tuy nhiên do chậm chạp nên anh Tài chỉ đóng vai trò đứng ngoài, canh gác chứ không tham gia trực tiếp. Sau khi bị công an bắt, người nhà anh Tài đã đến luật sư xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Chiếm đoạt là việc cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Lén lút là hành vi cố ý giấu diếm, vụng trộm không để lộ nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Đối với hành vi trộm cắp tài sản, tùy theo mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản

Căn cứ Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000đồng đến 2.000.000đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về vấn đề đồng phạm như sau:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Như trường hợp trên, giữa anh Trọng, anh Tú và anh Tài có sự chuẩn bị, câu kết chặt chẽ với nhau trước khi tiến hành thực hiện hành vi phạm tội, phân giao nhiệm vụ cho nhau để đạt được ý chí mong muốn. Tuy không trực tiếp tham gia trộm cắp nhưng anh Tài cũng vẫn bị truy cứu hình sự với vai trò là đồng phạm, là người giúp sức trong vụ án trộm cắp tài sản này.

Căn cứ Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo quy định trên, anh Tài có thể phải chịu phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, có thể chịu phạt tù với mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất có thể là 20 năm hoặc tù chung thân. Tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hành vi vi phạm mà anh Tài có thể phải chịu các mức phạt theo quy định pháp luật hình sự.

Để được giảm các mức hình phạt, phải căn cứ tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xét xem anh Tài có tình tiết giảm nhẹ nào hay không.