Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội, trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về tình huống Phát hành game trái phép. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tình huống: Anh Tú với anh Trọng học công nghệ thông tin ra nhưng lại thất nghiệp nên quyết tâm rủ nhau làm game để kiếm tiền. Nhưng do không hiểu biết pháp luật nên 2 anh đã phát hành game trái phép và vì lí do này, 2 anh đã bị cơ quan chức năng mời đến làm việc.
Luật sư tư vấn:
Liên quan đến trò chơi điện tử trên mạng thì tại Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về Nguyên tắc quản lý trò chơi điện tử trên mạng như sau:
“1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:
a) Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);
– Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);
– Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4) …”.
Trước tiên, cần xác định loại hình trò chơi điện tử anh Tú và anh Trọng cung cấp thuộc loại trò chơi nào. Khi đó, theo loại trò chơi sẽ xác định được điều kiện xin cấp giấy phép phát hành game theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP).
Tuy nhiên, nhìn chung, dù thuộc loại trò chơi nào thì cũng cần đảm bảo các điều kiện chung sau đây:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp Luật Việt Nam, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;
– Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;
– Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;
– Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.
Trong trường hợp này, anh Trọng và anh Tú có hành vi phát hành game nhưng lại không có giấy phép, theo đó, 02 anh có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3,4,5 Điều 67 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi pham hành chính bưu chính viễn thông công nghệ thông tin, cụ thể:
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3 hoặc G4 mà chưa có văn bản xác nhận hoàn thành thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2 hoặc G3 hoặc G4 trên mạng mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc sử dụng giấy chứng nhận đăng ký quá hạn;
b) Cung cấp dịch vụ trò chơi G1 mà không có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử.
5. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập hệ thống thiết bị để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi chưa có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép quá hạn.
Như vậy, tùy theo từng hành vi cung cấp các loại trò chơi mà có biện pháp xử lý theo quy định.