Những nguy cơ tiềm ẩn từ việc sử dụng máy POS trái phép

592

Máy POS (viết tắt của chữ Point of Sale) là máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ. Máy được thiết kế nhỏ gọn, cầm chắc trong lòng bàn tay. Máy dễ dàng lắp đặt tại cửa hàng của trung tâm thương mại, tại shop, cửa hàng lớn nhỏ mà không tốn quá nhiều không gian. Hiện có thể dễ dàng thấy sự có mặt của máy POS tại các điểm mua sắm, các quầy thu ngân, tính tiền của siêu thị, cửa hàng, …

Các máy POS muốn hoạt động tại Việt Nam phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán để quản lý dòng tiền. Ngoài ra, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài. Tuy nhiên, với máy POS trái phép, sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra khi hoạt động chui tại Việt Nam.

Điển hình, mới đây tại Hạ Long, Quảng Ninh, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200.000 Nhân dân tệ, tương đương 700 triệu đồng, đã chuyển thẳng ra nước ngoài mà không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam. Điểm đáng nói nhất ở đây là các giao dịch này đều được thực hiện bằng các máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS) được đưa trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam. Sự việc càng trở nên đáng lo ngại hơn, khi các máy POS này có thể thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán ở bất cứ vị trí nào chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G.

Bản chất của việc thanh toán qua máy POS mà không thông qua tài khoản đăng ký tại Việt Nam là giao dịch bằng đồng ngoại tệ trái phép.

Điều 22 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH Pháp lệnh ngoại hối có quy định như sau:

“Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 16/2015/TT-NHNN) quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó không có trường hợp này.

Pháp luật Việt Nam quy định về mức xử phạt đối với hành vi trên như sau:

Theo Điểm a Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cụ thể:

“6. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật;

b) Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật;

c) Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; …”.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ.

Tóm lại, hoạt động thanh toán chui này sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh tiền tệ quốc gia. Cụ thể, nó vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước do đồng tiền niêm yết, giao dịch và thanh toán đều bằng ngoại tệ; không quản lý các giao dịch thanh toán được thực hiện tại Việt Nam; không bảo vệ được người tiêu dùng và người bán hàng; thất thoát thu thuế do các giao dịch được hoàn toàn xử lý tại nước ngoài; đây là hình thức xuất khẩu tại chỗ nhưng không thu được tiền về Việt Nam.

Do đó, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan phải cùng nhau vào cuộ để quản lý các điểm bán hàng, từ vấn đề nguồn gốc hàng hóa, đến quản lý các hoạt động thanh toán của người nước ngoài khi vào Việt Nam.