Câu hỏi: Vợ chồng mình đi làm ăn xa có mua được 1 miếng đất. Giờ muốn bán nhưng mình bị mất chứng minh nhân dân và không có hộ chiếu. Hộ khẩu thì vẫn ở quê. Vậy mình có đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất được không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn đi làm ăn xa và có mua được một mảnh đất và giờ muốn bán (chuyển nhượng) mảnh đất này, muốn đi công chứng hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng nhưng bạn đã bị mất chứng minh nhân dân, và không có hộ chiếu, hộ khẩu thì ở quê. Để giải quyết vấn đề của bạn thì cần xem xét các phương diện sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 thì:
“Điều 40. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
2. Bản sao quy định tại khoản 1 Điều này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực …”.
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 thì trong hồ sơ công chứng, văn bản, hợp đồng cần phải có bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng. Giấy tờ tùy thân được hiểu là loại giấy tờ xác định đặc điểm và nhận dạng nhân thân của một con người. Trong hoạt động công chứng, giấy tờ tùy thân giúp công chứng viên xác định, nhận dạng đúng chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể giấy tờ tùy thân gồm những giấy tờ nào, Nghị định 05/1999/NĐ- CP của Chính phủ về Chứng minh nhân dân có nội dung khẳng định giấy Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân (theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ- CP). Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xuất, nhập cảnh thì hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế giấy chứng minh nhân dân. Ngoài ra, trong Luật căn cước công dân năm 2014 cũng có quy định: Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt nam.
Qua phân tích nêu trên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân và Hộ chiếu mới trực tiếp được coi là giấy tờ tùy thân. Do vậy, khi vợ chồng bạn muốn bán mảnh đất chung của hai vợ chồng và tiến hành thủ tục công chứng tại cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng thì vợ, chồng bạn ngoài việc xuất trình các giấy tờ thể hiện quyền sử dụng đối với tài sản đất đai, dự thảo hợp đồng… thì còn phải xuất trình bản sao của các giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng bạn, người mua mảnh đất. Trong đó, giấy tờ tùy thân hợp pháp ở đây được xác định là Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay bạn bị mất chứng minh nhân dân, không có hộ chiếu, bạn cần làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân hoặc làm thủ tục cấp căn cước công dân.