Những nội dung cần có trong 1 bản hợp đồng góp vốn

560

Câu hỏi: Tôi là Nhi. Tôi đang có dự định góp vốn vào công ty của một người bạn. Xin hỏi: Khi làm hợp đồng này tôi phải đưa những nội dung nào vào để sau này tránh được rủi ro? Hình thức có bắt buộc là bằng văn bản không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng góp vốn:

Hiện nay, pháp luật chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về hình thức của hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng góp vốn nên được lập thành văn bản để phòng ngừa những rủi ro các bên vi phạm thỏa thuận.

Thứ hai, nội dung của hợp đồng góp vốn:

-Thông tin của các bên: bên góp vốn và bên nhận góp vốn (bao gồm thông tin người đại diện của cả hai bên nếu các bên là doanh nghiệp);

-Tài sản góp vốn:

+ Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Như vậy, người góp vốn có thể lựa chọn góp bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của Luật Đất đai; góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí mật kỹ thuật phải tuân theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;

+ Xác định tài sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của ai.

-Giá trị tài sản góp vốn:

+ Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong những trường hợp góp tài sản vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, những loại tài sản không phải là Việt Nam Đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định chuyên nghiệp định giá và thể hiện bằng Việt Nam Đồng. Nguyên tắc định giá được nêu tại Điều 37 của Luật này;

+ Trong các trường hợp góp vốn khác, việc xác định giá trị của tài sản phải dựa trên sự thống nhất giữa các bên giao kết hợp đồng;

-Thời hạn góp vốn;

-Mục đích của việc góp vốn;

-Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

-Phương thức giải quyết tranh chấp;

-Phân chia lợi nhuận và rủi ro (nếu có);

Để phòng ngừa những thiếu xót trong hợp đồng góp vốn có thể dẫn đến bất lợi sau này, các bên nên tham khảo ý kiến về hợp đồng tại các công ty luật, đặc biệt là khi tài sản góp vốn có giá rất lớn.