Không có khả năng nhận thức thì làm như thế nào để xác nhận vào văn bản từ chối nhận di sản thừa kế?

477

Câu hỏi: Hiện nay gia đình mình muốn làm sổ đỏ mà bố mình vừa mất. Gia đình mình còn bà nội, mẹ mình, chị gái mình và mình. Nhà mình đã làm đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của cơ quan hành chính công. Người ta yêu cầu phải có chữ ký từ chối quyền thừa kế của bà nội mình nhưng giờ bà nội mình đã lẩm cẩm và không nhớ gì thì phải làm sao?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp, bố bạn mất, gia đình bạn còn bạn, chị gái bạn, mẹ và bà nội, di sản của bố bạn sẽ được phân chia như sau:

– Không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Nếu trong trường hợp không có di chúc thì di sản thừa kế sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Bố bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, phần di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho những người trong hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn gồm: các con (bạn và anh trai), vợ và mẹ.

– Bố bạn có để lại di chúc, di chúc hợp pháp.

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Nếu bố bạn khi mất có để lại di chúc thì những người có tên trong di chúc sẽ được hưởng phần tài sản tương ứng với nội dung trong di chúc.

Từ chối nhận di sản thừa kế là hành vi thể hiện ý chỉ của cá nhân khi được nhận tài sản hợp pháp từ người khác để lại. Căn cứ theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trường hợp từ chối nhận di sản thừa kế:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Trường hợp từ chối nhận di sản thừa kế, cá nhân làm văn bản xác nhận gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người bị bệnh tâm thần, hoặc các bệnh khác dẫn đến tình trạng không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Nếu trong trường hợp do tình trạng thể chấp hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.

Theo thông tin bạn cung cấp, bà của bạn hiện tại bị lẩm cẩm, không có khả năng nhận thức về hành vi, bố bạn mất, nếu bà không còn con đẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Tòa án sẽ cử người giám hộ theo quy định Bộ luật dân sự 2015 về cử, chỉ định người giám hộ:

1. Trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ”.

Như vậy, người giám hộ theo theo pháp luật của bà bạn, sẽ dựa trên ý chí của bà tại thời điểm yêu cầu để ký xác nhận vào văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, trong trường hợp giao dịch dân sự đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám sát việc giám hộ. Theo đó, việc từ chối nhận di sản thừa kế của bà bạn mà có giá trị lớn thì ngoài việc do người giám hộ thực hiện còn phải được sự đồng ý của người được giám hộ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự trong chương trình Bạn và pháp luật, kênh VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam. Mời quý vị đón xem: