Hiện tượng lừa đảo nhân danh hoạt động từ thiện.

561
Chủ tịch SBLaw

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có bài trả lời phỏng vấn báo Đời Sống và Pháp Luật, cơ quan của Hội Luật Gia Việt Nam về vấn đề sau:

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người thành lập ra các câu lạc bộ từ thiện, nhóm, tổ chức các hoạt động, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện rầm rộ trên mạng. Tuy nhiên, sau khi gom được số tiền lớn các đối tượng này “bùng luôn”.  Chính sự lừa đảo này, khiến không ít người bức xúc và dần mất niềm tin vào công tác thiện nguyện.

BTV: Ý kiến của Luật sư về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:  Từ thiện vốn là một hoạt động tốt, nhân văn và mang đậm tính cộng đồng, là sự chia sẻ giữa con người với con người, là cách để “lá lành đùm lá rách” theo truyền thống của dân tộc ta. 

Do đó, theo tôi, hành vi quyên góp tiền dưới danh nghĩa câu lạc bộ từ thiện, tổ chức từ thiện, nhóm từ thiện, quỹ hoặc một cá nhân đứng ra nhận tiền từ thiện rồi “bùng tiền”, xét về mặt luật pháp, đó là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự, còn xét về mặt đạo đức thì đó là một hành vi trái đạo đức nghiêm trọng. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm minh về mặt luật pháp để lập lại trật tự xã hội, và phải bị xã hội lên án để trả lại giá trị đích thực của hoạt động từ thiện là một hoạt động vì cộng đồng. 

BTV:   Với các đối tượng này, hình thức xử phạt được quy định thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:  Xét về mặt hành vi thì hành vi “bùng tiền” được quyên góp vì mục đích từ thiện thuộc dạng hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác đã được quy định trong bộ luật hình sự là một tội phạm – Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Mô tả của Bộ luật hình sự về loại tội phạm này như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Đây là hình phạt thấp nhất. Tùy thuộc vào các tình tiết tăng nặng mà chủ thể của hành vi này có thể bị hình phạt cao hơn.

 BTV: Theo anh, tại sao hiện tượng này diễn ra ngày càng nhiều? Biện pháp giải quyết để người dân không mất niềm tin vào các hoạt động từ thiện?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Hiện tượng này diễn ra càng phổ biến, theo tôi, trước tiên xuất phát từ hoàn cảnh xã hội khi thiên tai liên tiếp xảy ra, khi ngày càng nhiều bệnh tật, thậm chí bệnh lạ xuất hiện dẫn đến ngày càng nhiều người cần được cộng đồng chung tay giúp sức. Mức sống của người dân cũng tăng dần cùng sự phát triển của nền kinh tế của đất nước, cộng với dân trí ngày càng được cải thiện nên từ thiện vốn là một hoạt động nhân văn – phần lương thiện trong mỗi con người mà vốn ai cũng có, có cơ hội để được thể hiện nhiều hơn. Lợi dụng sự nhân văn và đánh mạnh vào tâm lý muốn cứu giúp người khác của một bộ phận người dân mà một số đối tượng đã nảy sinh ý đồ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhu cầu làm từ thiện ngày càng tăng chính là cơ hội, là điều kiện để một bộ phận đối tượng xấu triển khai thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc lập ra các quỹ từ thiện, câu lạc bộ từ thiện, nhóm từ thiện, tổ chức từ thiện để quyên góp tiền và sau đó “bùng mất”.

Để hạn chế việc người dân bị mất tiền và mất luôn niềm tin vào việc làm từ thiện, theo tôi, 2 biện pháp sau đây cần được thực hiện đồng thời:

Về phía cơ quan quản lý nhà nước: Trong khuôn khổ của tình huống này, chúng ta chỉ đề cập đến việc lừa đảo trên các trang mạng xã hội, nên biện pháp mà tôi đề xuất chỉ liên quan đến các trang mạng xã hội. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng quản lý các trang mạng xã hội cần phải có một bộ phận chức năng có công nghệ cao theo dõi chặt tất cả các trang mạng xã hội, đặc biệt lưu ý đến những tin, bài, những nội dung liên quan đến quyên góp từ thiện với số tiền lớn. Cơ quan này cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để kịp thời tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, kịp thời mọi thông tin được nghi vấn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về phía công an, cần nhanh chóng và kịp thời tiếp nhận và xử lý các thông tin tố giác tội phạm, đặc biệt có cơ chế bảo vệ người tố giác, người làm chứng. 

Từ phía người dân, nếu là tôi, tôi chỉ làm từ thiện trực tiếp. Tức là, tôi phải trao tận tay người cần được từ thiện. Vì tôi cho rằng tài sản làm từ thiện của tôi (tiền hoặc bất kỳ hình thức tài sản vật chất nào) mà không được sử dụng vào đúng mục đích từ thiện, đúng đối tượng cần được từ thiện, thậm chí bị sử dụng vào mục đích xấu, bất hợp pháp thì chẳng khác nào tôi gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác và chỉ nên quyên góp cho những tổ chức, quỹ từ thiện uy tín, được nhà nước cấp phép. Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc tồn tại dưới hình thức quỹ từ thiện phải được nhà nước cấp phép và phải hoạt động theo quy định của pháp luật.