Các nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự

440

Câu hỏi: Tôi là Minh, ở Hà Nội. Qúy công ty cho tôi hỏi: Trong tố tụng hình sự thì thế nào là nguồn chứng cứ? Bao gồm những nguồn gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Theo Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a)Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

So với Khoản 2 Điều 64 BLTTHS 2003 thì Điều 87 BLTTHS năm 2015 có một số thay đổi, bổ sung như sau:

– Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới:

+ Dữ liệu điện tử: Thực tiễn hiện nay, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ để thực hiện và che dấu tội phạm, nên để giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, việc thu thập các chứng cứ điện tử là rất quan trọng, thế nhưng dữ liệu điện tử chưa được BLTTHS 2003 ghi nhận với tư cách là nguồn chứng cứ. Ngày nay, BLTTHS 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

+ Kết luận định giá tài sản: Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tài sản như: trộm cắp tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản…, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu định giá tài sản làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, nhưng kết luận định giá tài sản chưa được BLTTHS 2003 quy định là nguồn chứng cứ. Vậy nên, BLTTHS 2015 đã bổ sung kết luận định giá là nguồn chứng cứ mới.

+ Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm: Ủy thác tư pháp chính là việc yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật của nước có liên quan hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã tham gia như các trường hợp dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài (2).

– Về nguồn chứng cứ là biên bản trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 87 BLTTHS 2015 có sự bổ sung biên bản trong hoạt động khởi tố, truy tố, thi hành án thay vì chỉ quy định biên bản về hoạt động điều tra, xét xử như Điều 64 BLTTHS 2003.

– Về nguồn chứng cứ là lời khai, Điều 87 BLTTHS 2015 bổ sung thêm lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; lời khai của người chứng kiến; lời khai của người phạm tội tự thú, đầu thú.