Giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của cơ quan nào?

520

Câu hỏi: Mình là Dũng. Mình hiện đang là du học sinh Hàn Quốc. Cách đây vài tháng, mình có cho người bạn mình vay tiền vì cùng là du học sinh và là bạn thân nên mình mới đồng ý. Bố mình đã đi gửi cho bố của người bạn ấy với số tiền là hơn 100 triệu đồng, bạn ấy hứa sẽ trả mình trong vài ngày bằng tiền Hàn nhưng hiện tại đến bây giờ bạn ấy vẫn chưa hề trả và đưa ra đủ mọi lý do để chối. Bố mình rất tức giận vì gọi điện cho bố bạn ấy không liên lạc được. Bây giờ là hơn 4 tháng rồi nếu mình muốn kiện người bạn này thì có được không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.” 

Và Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hình thức của giao dịch dân sự:

“Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.”

Căn cứ vào quy định nêu trên, mặc dù việc cho mượn tiền của bạn không được lập thành văn bản nhưng có thể xem là bạn và người bạn đã giao kết hợp đồng vay mượn tiền bằng lời nói. Việc này cũng được bạn của bạn thừa nhận nợ và hẹn ngày trả, giờ đã quá hạn trả tiền hơn 4 tháng là bạn của bạn đã vi phạm quy định pháp luật về nghĩa vụ của bên vay tiền, vì thế bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện để thu hồi số tiền đã cho vay.

Về thẩm quyền giải quyết, theo khoản 1 Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.

Theo đó, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cũng được Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích tại khoản 2 Điều 663 như sau:

2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Theo như bạn trình bày, cả hai bạn đều là người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài, như vậy, đối chiếu theo quy định tại điều luật nêu trên thì đây cũng được xác định là một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Và theo quy định tại khoản 1 Điều 664 Bộ luật trên thì trường hợp này sẽ được áp dụng giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, bạn hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện buộc người vay tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ tới cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Căn cứ khoản 1,2,3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

2. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của gia đình người bạn để yêu cầu giải quyết. Và trường hợp này, để thuận lợi cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ khi thực hiện khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bạn có thể ủy quyền cho bố của bạn, trường hợp này bạn phải lập hợp đồng ủy quyền, trong đó nêu rõ phạm vi ủy quyền là để bố bạn thực hiện thay bạn các thủ tục trên. Theo đó, trong hồ sơ khởi kiện cần có:

–  Đơn khởi kiện (theo mẫu);

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

– Hợp đồng ủy quyền giữa bạn và chị bạn;

– Các giấy tờ của bố bạn như: giấy CMND, sổ hộ khẩu (có công chứng hoặc chứng thực).

Về trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hành vi vi phạm mà người bạn của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong chuyên mục Bạn và pháp luật kênh VOV1 – Đài tiếng nói Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có trao đổi với khán thính giả về chủ đề nguyên nhân tranh chấp đất đai trong cộng đồng dân cư. Sau đây là đoạn video về vấn đề này. Mời quý vị đón xem: