Dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm

542

Trong những năm gần đây nhiều văn bản pháp luật mới tại nước tad đã được ban hành  như Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014; Bộ luật dân sự năm 2015. Việc ra đời của các văn bản pháp luật mới này đã khiến cho quy định của nhiều Nghị định cũ  không còn phù hợp với các các văn bản pháp luật mới. Một trong số đó là Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm . Thêm vào đó, chính việc thiếu các quy định chi tiết, cụ thể trong pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện hành cũng khiến cho việc thực hiện các công tác đăng ký các giao dịch này trên thực tế gặp không ít khó khăn.

Chính vì vậy Bộ tư pháp đã tiến hành xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp đảm bảo nhằm đảm bảo tính nhất quán của các văn bản pháp luật liên quan tới nhau trong hệ thống văn bản pháp luật cũng như khắc phục những hạn chế của Nghị định 83/2010/NĐ-CP, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các giao dịch đảm bảo. Hiện nay Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc lấy ý kiến đóng góp cho bản dự thảo này.

Dự thảo có giải thích thuật ngữ  “Đăng ký biện pháp bảo đảm” là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu những thông tin về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.

Dự thảo Nghị định tách bạch rõ 2 trường hợp: trường hợp bắt buộc phải đăng ký  và trường hợp đăng ký theo yêu cầu.

Dự luật quy định các biện pháp bảo đảm sau bắt buộc phải đăng ký: a- Thế chấp quyền sử dụng đất; b- Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; c- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; d- Thế chấp tàu biển; đ- Các trường hợp khác, nếu luật có quy định.

Những biện pháp đảm bảo sau đây sẽ được đăng ký khi các tổ chức và cá nhân có yêu cầu: a- Thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển; b- Thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; c- Bảo lưu quyền sở hữu; d- Các trường hợp khác.

Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, hợp đồng cho thuê tài chính và các giao dịch dân sự khác được đăng ký theo quy định của Nghị định này khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Cần lưu ý rằng  bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp bảo đảm mới được quy định tại Điều 331 đến Điều 334 Bộ luật dân sự năm 2015.

Việc đăng ký các biện pháp đảm bảo sẽ làm pháp sinh hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba tại thời điểm đăng ký. Quy định này cũng được ghi rõ trong dự thảo Nghị định trên cơ sở  các quy định được nêu tại  Điều 297 và Điều 298 Bộ luật dân sự năm 2015.

Việc đăng ký biện pháp bảo đảm có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm xoá đăng ký theo đơn của người yêu cầu xoá đăng ký.

Đáng lưu ý là dự thảo Nghị định cũng  bổ sung những căn cứ  đề từ chối việc đăng ký các giao dịch đảm bảo như: Không thuộc thẩm quyền đăng ký; nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo; tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tài sản bảo đảm đang có tranh chấp và đã có văn bản thụ lý việc giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người yêu cầu đăng ký không nộp phí đăng ký; kê khai nội dung đăng ký không đúng quy định của pháp luật…