Phân loại hàng hóa và dịch vụ trong đăng ký nhãn hiệu quốc tế

phân loại hàng hóa dịch vụ

Hàng hóa và dịch vụ trong một đơn hay đăng ký nhãn hiệu nào đó của mỗi đăng ký hay bất kỳ công bố nào đó do một cơ quan thực hiện thì đều phải ghi tên của hàng hóa và dịch vụ đó theo phân nhóm được quy định theo bảng phân loại Nice và phải ghi số ký hiệu nhóm của mỗi hàng hóa dịch vụ đó.

– Nhóm hàng hóa, dịch vụ

Hàng hóa hay dịch vụ không được coi là tương tự nhau nếu chỉ với lý do là trong bất kỳ đăng ký hay công bố nào đó của Cơ quan đăng ký mà hàng hóa và dịch vụ đó xuất hiện trong cùng một nhóm thuộc bảng phân loại Nice

Hàng hóa, dịch vụ là không được coi là tương tự nhau nếu chỉ với lý do rằng trong một đơn đăng hay công bố nào đó của một Cơ quan nào mà hàng hóa và dịch vụ đó không cùng trong một nhóm hàng hay dịch vụ theo bảng phân loại Nice.

Nghị định mới của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa nạn mù chữ

Ngày 24/03/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Nhà nước ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi tham gia các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định. Cá nhân tham gia tổ chức, quản lý, dạy học và các công việc khác để thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được hưởng thù lao theo quy định của Nhà nước.

Nghị định cũng quy định các tiêu chuẩn công nhận các xã, huyện, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đạt chuẩn xóa mù chữ.

Nghị định mới ban hành của Chính phủ còn quy định rõ về điều kiện bảo đảm, trách nhiệm của các cơ quan; tiêu chuẩn, thẩm quyền và hồ sơ công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về thẩm quyền kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với tỉnh.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2014 và thay thế Nghị định số 88/2001/NĐ-CP ngày 22/11/2001.

Xem Nghị định đầu đủ tại 20_2014_ND-CP

Từ 20/01/2014, đổi tiền rách, hỏng không mất phí

Ngày 02/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 25/2013/TT-NHNN quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Theo Ngân hàng Nhà nước, “tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông” là các loại tiền giấy (cotton, polymer), tiền kim loại đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng, biến dạng. Với loại tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông hoặc bị lỗi kỹ thuật khi in ấn (nguyên nhân khách quan), Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch và các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm thu, đổi ngay. Người dân, các doanh nghiệp sẽ được đổi không mất phí, không hạn chế số lượng và không cần bất cứ thủ tục giấy tờ nào.

Như vậy, quy định về mức phí đổi tiền đối với tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản lẫn trong bó tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (bằng 4% tổng giá trị tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được đổi nhưng mức phí tối thiểu cho một món đổi là 2.000 đồng) tại Quyết định số 24/2008/QĐ-NHNN ngày 22/08/2008 sẽ bị hủy bỏ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Theo đó, từ ngày 20/01/2014, cá nhân, tổ chức khi đổi tiền rách, hỏng sẽ không phải mất phí. Đặc biệt, đối với tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông và tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất, khách hàng có nhu cầu sẽ được đổi mà không yêu cầu thủ tục giấy tờ và không hạn chế số lượng.

Đối với tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản, việc thu đổi chỉ được thực hiện khi tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại. Trường hợp tiền bị cháy, thủng, rách mất một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại; nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại và đảm bảo nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được các yếu tố bảo an. Đối với tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được ít nhất 02 trong các yếu tố bảo an như: Hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số sêri, dây bảo hiểm; yếu tố IRIODIN, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem văn bản đầy đủ tại Thông tư 25-2013-TT-NHNN

Tại sao Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được giảm vốn điều lệ

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Luật Doanh nghiệp 2005, thì “ Công ty trách nhiệm hữu hạn một  thành viên không được giảm vốn điều lệ”

Pháp luật quy định Công ty TNHH một thành viên không được giảm vốn điều lệ, bởi vì đây là loại hình doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu của công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đều lệ của công ty.

Chính vì vậy, nếu pháp luật cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn điều lệ, chủ sở hữu có thể lợi dụng quy định này để giảm vốn điều lệ một cách dễ dàng nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về tài sản, dẫn tới quyền lợi của các chủ nợ không được bảo đảm./.

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thỏa ước Madrid

Khi có yêu cầu đăng ký nhãn hiệu quốc tế thì chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải có một số hay toàn bộ những thông tin hay tài liệu sau:

–       Yêu cầu đăng ký

–      Tên và địa chỉ của người nộp đơn

–      Tên nước mà người nộp đơn là công dân nếu người đó là công dân cảu bất kỳ nước nào , tên nước mà người nộp đơn có nơi cư trú, nếu có, và tên nước mà người nộp đơn có cơ sở thương mại haowcj công nghiệp thực sự và hữu hiệu nếu có.

–       Tên và địa chỉ của người đại diện nếu người nộp đơn có người đại diện.

–       Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và các thông tin,chứng cứ

–       Yêu cầu hưởng hưởng sự bảo hộ trên cơ sở trinhg bày tại triển lãm

–       Yêu cầu đăng ký và công bố nhãn hiệu theo các ký tự chuẩn

–       Yêu cầu bảo hộ màu sắc

–       Tuyên bố về nhãn hiệu ba chiều

–       Mẫu nhãn hiệu

–        Phiên âm nhãn hiệu hay một số bộ phận nhất định cảu nhãn hiệu

–        Tên hàng hóa, dịch vụ sử dụng nhãn hiệu

–        Chữ ký người đại diện nộp đơn

–         Tuyên bô về ý định sử dụng nhãn hiệu

Sau khi đã nộp đơn cho cơ quan quốc tế thì người nộp đơn có thể nộp thay thế hây nộp bổ sung hồ sơ nhãn hiệu về tuyên bố sư dụng nhãn hiệu, tuyên bố về việc thực sự sử dụng nhãn hiệu và chứng cứ khẳng định điều đó.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bao gồm những nội dung gì?

Trả lời:

Tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, theo đó Giáy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là cá nhân; số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu công ty, của thành viên hoặc cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân.

– Vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần và giá trị vốn cổ phần đã góp và số cổ phần được quyền chào bán đối với công ty cổ phần; vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định.

– Ngành, nghề kinh doanh.

Trường hợp nào doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?

Trả lời:

Tại khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây:

– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là giả mạo;

– Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp đó là:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

+ Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;

+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
– Không đăng ký mã số thuế trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn sáu tháng liên tục, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính;

– Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;

– Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Doanh nghiệp không gửi báo cáo về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi xét thấy cần thiết cho việc thực hiện các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản;

– Kinh doanh ngành, nghề bị cấm.

Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24-4-2014.

Thông tư số 31/2014 đã cụ thể hóa một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá được nêu trong Nghị định 109. Cụ thể:

– Báo cáo phục vụ công tác bình ổn giá là các báo cáo phải nộp theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để phục vụ công tác bình ổn giá về: kết quả sản xuất, kinh doanh; số lượng, khối lượng hàng hóa tồn kho, hàng hóa hiện có; các yếu tố hình thành giá; giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; tình hình trích lập, sử dụng, số dư quỹ bình ổn giá; các thông tin, tài liệu khác phục vụ công tác bình ổn giá.
– Tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định buộc trả lại cho khách hàng khi vi phạm là số tiền mà tổ chức, cá nhân có được do bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định; tiền chênh lệch được tính bằng chênh lệch giá do bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá cụ thể hoặc mức giá tối đa hoặc mức giá tối đa của khung giá đã được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định được tính cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ nhân với số lượng hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân đã bán, cung ứng.
– Hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành là hành vi lập phương án giá: không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các căn cứ, nguyên tắc định giá; sử dụng không đúng, không đủ các số liệu, định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng các mức giá; không tính toán đúng các khoản mục chi phí, yếu tố hình thành giá theo quy định; phân bổ chi phí không theo hướng dẫn hiện hành (nếu có) đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; sử dụng các mức giá hàng hóa, dịch vụ tương tự để so sánh mà không bảo đảm các yếu tố so sánh theo quy định của phương pháp so sánh.

– Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ về các hành vi như tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; vi phạm quy định đối với doanh nghiệp thẩm định giá; vi phạm quy định đối với thẩm định viên về giá; vi phạm quy định đối với người có tài sản thẩm định giá và người sử dụng kết quả thẩm định giá; vi phạm đối với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá./.

Download văn bản đầy đủ tại TT 31-2014

Hiệp ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế

Hiệp ước nhãn hiệu hàng hóa được thông qua ngày 27 tháng 10 năm 1994 tại Geneva có hiệu lực ngày 1 tháng 8 năm 1996, Hiệp ước này áp dụng đối với những nhãn hiệu cấu tạo bởi các ký hiệu nhìn thấy được, hiệp ước này không áp dụng với những nhãn hiệu vô hình. Đồng thời, hiệp ước này chỉ áp dụng đối với nhãn hiệu hoàng hóa hoặc dịch vụ hoặc cả hàng hóa và dịch vụ nhưng không áp dụng với những nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu bảo đảm.

Hiệp ước là một văn kiện thể được ban hành để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, đăng ký và hài hòa thủ tục đăng ký  nhãn hiệu giữa các quốc gia khác nhau. Việc quy định những nguyên tắc này đã giúp cho những chủ sở hữu nhãn hiệu tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí cho việc đăng ký nhãn hiệu. Vì hiệp ươc này đã đơn giản hóa quy trình gia hạn sau đăng ký, thu âm, đổi tên và địa chỉ, quyền hạn cuả người được ủy quyền, chữ ký của các bên giao dịch, thay đổi quyền sở hữu nhãn hiệu

Những quy định chính trong hiệp ước nhãn hiệu hàng hóa

–         Hồ sơ và thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

–         Người đại diện của các bên tham gia ký kết và địa chỉ giao dịch các bên

–         Thời hạn hiệu lực của đăng ký và gia hạn đăng ký

Theo đó, thời hạn đăng ký nhãn hiệu mới là 10 nămvà thời gian gia hạn cho mỗi lần gia hạn là 10 năm

Đẻ biết thêm thông tin chi tiết. Quý khách có thể truy cập theo đường link sauhiệp ước nhãn hàng hóa

Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hàng thừa kế  và chia di sản thừa kế theo pháp luật được xác định như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Quyền để lại thừa kế

Hỏi:

Bà ngoại tôi có 5 người con, 4 gái và 1 trai. Con cả của bà tôi là con trai nhưng vì nhiều lý do bà không muốn để lại tài sản cho bác mà muốn thừa kế lại cho 4 cô con gái, nhưng bác trai không chịu, vậy gia đình nhà tôi cần làm gì?

Trả lời:

Theo quy định tại điều 648 Bộ luật dân sự thì quyền của người lập di chúc được quy định như sau:

Điều 648.Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo đó, người để lại di sản – bà của bạn có toàn quyền trong việc để lại di sản và di chúc, có quyền quyết định ai là người có quyền hay không có quyền hưởng thừa kế.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 669 Bộ luật dân sự thì có trường hợp dù không được  hưởng di sản thừa kế  theo di chúc thì họ vẫn có quyền được hưởng di sản, cụ thể:

Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, nếu bác của bạn là người không có khả năng lao động theo quy định của khoản 2 điều 669 BLDS thì Bác bạn vẫn có quyền hưởng di sản của bà bạn để lại dù bà bạn có muốn hay không.

Còn trong trường hợp, bác bạn là người hoàn toàn khỏe mạnh, có khả năng lao động, có thu nhập từ lao động của mình thì bà của bạn hoàn toàn  có thể để lại di chúc mà không cho bác bạn hưởng thừa kế, di chúc đó hoàn toàn hợp pháp và bác bạn không có quyền quyết định

Danh mục hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu

Ngày 20/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23-1-2006 của Chính phủ, có hiệu lực từ 20-2-2014, có 19 nhóm mặt hàng thuộc diện cấm XNK (theo các loại hình mậu dịch, phi mậu dịch; XNK hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ), trong đó có 7 nhóm cấm XK và 12 nhóm cấm NK.

Cụ thể:

7 nhóm thuộc danh mục cấm xuất khẩu gồm:

1, Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

2, a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội;

b) Các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

3, a) Các loại xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam;

b) Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính.

4, Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

5, a) Động vật, thực vật hoang dã quý hiếm và giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm thuộc nhóm IA-IB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP năm 2006;
b) Các loài thủy sản quý hiếm;

c) Giống vật nuôi và giống cây trồng thuộc Danh mục giống vật nuôi quý hiếm và giống cây trồng quý hiếm cấm XK do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 và Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004.

6, Các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước.
7, a) Hóa chất độc Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP năm 2005;

b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP năm 2008.

 – 12 nhóm thuộc danh mục cấm nhập khẩu, gồm:

1, Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

2, Pháo các loại (trừ pháo hiệu an toàn hàng hải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải), đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông.

3, Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hang:

a) Hàng dệt may, giày dép, quần áo;

b) Hàng điện tử;

c) Hàng điện lạnh;

d) Hàng điện gia dụng;

đ) Thiết bị y tế;

e) Hàng trang trí nội thất;

g) Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác;

h) Hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.
4, a) Các loại xuất bản phẩm cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam;

b) Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính;

c) Thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.

5, Các loại văn hóa phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

6, a) Phương tiện vận tải tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam), trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên;

b) Các loại ô tô và bộ linh kiện lắp ráp ô tô bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ; c) Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

7, Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng, gồm:

a) Máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, máy kéo và xe gắn máy;
b) Khung gầm của ô tô, máy kéo có gắn động cơ (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng và hoặc khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới);

c) Ô tô các loại đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu hoặc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ;

d) Ô tô cứu thương;

đ) Xe đạp;

e) Mô tô, xe gắn máy.

8, Hóa chất trong Phụ lục III Công ước Rotterdam.

9, Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

10, Phế liệu, phế thải, thiết bị làm lạnh sử dụng C.F.C.

11, Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amfibole.

12, a) Hóa chất độc Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP năm 2005;

b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 108/2008/NĐ-CP năm 2008.

Tham khảo đầy đủ văn bản tại  187_2013_ND-CP