Điều kiện và thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Câu hỏi:  Tôi là Minh, ở Hà Nội. Tôi muốn hỏi về điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và thủ tục như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Hiện nay, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh. Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải đáp ứng các điều kiện và đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyển.

Thứ nhất, về điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định của pháp luật khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Là thương nhân, tổ chức có ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng, nhiệm vụ phù hợp.

2. Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.

3. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:

– Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;

-Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ;

-Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.

4. Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định.

Thứ hai, thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

-Đối tượng đăng ký:

Đối tượng đăng ký là thương nhân hoặc tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, có website thương mại điện tử trên đó cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ sau:

1. Dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

2. Dịch vụ khuyến mại trực tuyến.

3. Dịch vụ đấu giá trực tuyến.

-Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

Thương nhân, tổ chức tiến hành đăng ký trực tuyến với Bộ Công Thương về việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng.

Hồ sơ đăng ký bao gồm các tài liệu sau:

-Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

-Bản sao quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân);

-Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định;

-Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan;

-Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

-Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có;

-Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

Thương nhân, tổ chức truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và tiến hành khai báo hồ sơ.

Sau khi hoàn thành đăng ký hồ sơ, thương nhân, tổ chức nộp hồ sơ bản giấy đầy đủ về Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công thương.

Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ, Bộ Công thương tiến hành xác nhận đăng ký cho thương nhân, tổ chức.

Dưới đây là video Hội thảo pháp lý cho doanh nghiệp Start up của SBLAW. Mời quý vị đón xem:

Tư vấn thủ tục thành lập trường mầm non tư thục

Câu hỏi: Tôi là Mai. Tôi đang có nhu cầu thành lập trường mầm non tư thục. Công ty có thể tư vấn các bước thực hiện cho tôi không? Bên tôi đã đủ điều kiện thành lập.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền

Khoản 1 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ công lập hoặc cho phép thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục.

Đối với trường hợp của bạn thì bạn có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Thứ hai, về hồ sơ

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định hồ sơ gồm:

– Tờ trình đề nghị thành lập cần nêu rõ sự cần thiết thành lập; tên trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em;

– Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ:  Xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị; tổ chức bộ máy hoạt động, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nguồn lực và tài chính; quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp xây dựng, phát triển trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ trong từng giai đoạn.

– Có văn bản về chủ trương giao đất hoặc hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 05 năm;

– Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thứ ba, về các bước thực hiện

Khoản 3 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định:

– Tổ chức, cá nhân (nếu đề nghị thành lập trường mẫu giáo trường mầm non, nhà trẻ dân lập, tư thục) gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan có ý kiến thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ theo những nội dung và điều kiện theo quy định;

– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các phòng chuyên môn có liên quan, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Luật sư Trần Trung Kiên từ công ty luật SBLAW đã có phần chia sẻ những kiến thức quan trọng về khởi nghiệp trong khuôn khổ buổi đào tạo tại Topica Founder Institue. Mời các bạn đón xem nội dung tại đây:

Đất đang tranh chấp có quy hoạch được không?

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Do đó, việc phân bố, khoanh vùng đất đai phụ thuộc vào không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên tiềm năng và nhu cầu sử dụng đất của các đơn vị, ngành nghề, lĩnh vực theo quyết định của Nhà nước.

Việc thực hiện quy hoạch đất đai trước hết phải tuân thủ các quy tắc chung rồi với tiến hành quy hoạch trên các mục đích sử dụng, phát triển riêng. Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:

1. Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế – xã hội; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.

3. Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.

4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

6. Dân chủ và công khai.

7. Bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

8. Quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Như vậy, xét nguyên tắc chung khi lập kế họah sử dụng hay quy hoạch đất, việc thực hiện phải đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với chiến lược, môi trường và ưu tiên quy hoạch, sử dụng đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, …

Hiện nay chưa có quy định nào cụ thể về việc đất đang có tranh chấp thì không được đưa vào quy hoạch sử dụng. Nhà nước và các cấp chính quyền không căn cứ vào tình trạng đất có đang xảy ra tranh chấp hay không mà căn cứ vào hiện trạng sử dụng của đất đó mà lập kế hoạch và quyết định có đưa diện tích đó vào không gian đất quy hoạch sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời chuyên mục Góc nhìn kênh VTV4 về hướng sửa đổi hành lang pháp lý về nhượng quyền thương mại, mời Quý vị đón xem tại đây:

Khi nhà nước thu hồi đất ở: Người dân sẽ được bồi thường bằng tiền hay chỗ ở khác?

Khi Nhà nước thu hồi đất ở, người dân sẽ được hưởng chính sách về bồi thường về đất và một số hỗ trợ khác nếu đủ điều kiện.

Theo Khoản 1 Điều 79 Luật đất đai 2013 quy định việc bồi thường về đất ở như sau:

a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;

b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

Quy định chi tiết hơn tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP:

a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;

b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

Theo đó,

+ Khi người dân bị thu hồi đất đang ở, mà dẫn tới không còn đất ở trong địa bàn cấp xã đang sinh sống hoặc diện tích còn lại không đủ điều kiện (ví dụ tối thiếu 30m2 tại nội thành thành phố Hà nội) thì sẽ được ưu tiên bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Nếu không có nhu cầu, người dân có thể quy ra tiền để nhận bồi thường.

+ Nếu người dân vẫn còn đất ở khác trong đại bàn cấp xã nơi bạn sinh sống thì được bồi thường bằng tiền. Tùy vào tình hình quỹ đất địa phương mà chính quyền xem xét bồi thường về đất ở.

Giá đất bồi thường được căn cứ theo giá đất cụ theo quy định do UBND cấp tỉnh quyết định.

Tình huống tư vấn pháp luật của luật sư Nguyễn Thanh Hà trong chương trình Làm đúng hiểu đúng về việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Tặng cho đất khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hợp pháp?

Căn cứ Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện quyền sử dụng đất trừ các trường hợp sau:

Thứ nhất, Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thứ hai, Khoản 3 điều 186 Luật Đất đai năm 2013:

3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Nếu bên tặng cho không thuộc 1 trong 2 trường hợp trên mà vẫn muốn tiến hành tặng cho đất thì bên tặng cho cần xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên mới có thể tiến hành tặng cho theo đúng pháp luật.

Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy khi đáp ứng được điều kiện trên thì bên tặng cho sẽ làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bên tặng cho sẽ tiến hành những thủ tục sau:

Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho tại văn phòng công chứng;

Bước 2: Đi kê khai nộp thuế;

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký biến động sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Hồ sơ bao gồm:

+ Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, …

Trong chương trình Nhịp cầu Netviet, Kênh VTC10, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã trả lời phóng viên về tình huống quyền thừa kế quyền sử dụng đất của Việt Kiều như sau: Câu hỏi: Tôi là một Việt Kiều Đức, đã định cư tại Đức hơn hai mươi năm. Nay, bố mẹ tôi di chúc để lại thừa kế cho tôi và một người em trai một ngôi nhà tại Hà Nội. Hỏi: tôi có được cấp sổ đỏ mang tên tôi không? Tôi có được bán ngôi nhà đó không? Vì là ngôi nhà bố mẹ tôi để lại cho tôi và người em trai nên tôi phải tiến hành những thủ tục gì khi bán ngôi nhà này? Mời quý vị đón xem đoạn video sau:

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trả lời phỏng vấn kênh VTC10, truyền hình NetViet về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:

NGÀNH NGHỀ KINH DOANH ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN AN NINH TRẬT TỰ

Hiến pháp Việt Nam ghi nhận cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các ngành nghề kinh doanh nhất định cần phải đảm bảo điều kiện về an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, không phải cá nhân, tổ chức nào cũng đảm bảo các điều kiện đó khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, chuyên mục Bạn và Pháp luật nhận được nhiều ý kiến phản hồi cuả quy thính giả phản ánh về việc một số hộ kinh doanh lợi dụng các kẽ hở trong quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT để hoạt động kinh doanh sai với ngành nghề đăng ký. Bên cạnh đó là thắc mắc, băn khoăn của thính giả về việc đăng ky, cấp phép cũng như quản ly các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT của lực lượng chức năng.

Để giải đáp thắc mắc của quý thính giả, Luật sư Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty SBLAW đã tư vấn cho thính giả vov trong chuyên mục bạn và pháp luật.

Mời quý vị lắng nghe tại đây:

Quy định mới về thu tiền sử dụng đất

Ngày 30/01/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Theo đó, Thông tư bổ sung quy định về xác định tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/07/2004.

Cụ thể, về xác định tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật, Thông tư nêu rõ, khi cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 41 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì tiền sử dụng đất được xác định như sau: Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật do lỗi của cơ quan nhà nước thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận trước đây.

Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật do lỗi của người sử dụng đất thì tiền sử dụng đất khi cấp lại Giấy chứng nhận được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với việc thu, nộp và hoàn trả nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất: Trường hợp người sử dụng đất chưa nộp tiền sử dụng đất khi được cấp Giấy chứng nhận trước đây hoặc số tiền đã nộp nhỏ hơn số tiền sử dụng đất được xác định lại thì người sử dụng đất phải nộp số tiền sử dụng đất còn thiếu; trường hợp số tiền sử dụng đất mà người sử dụng đất đã nộp trước đây lớn hơn số tiền sử dụng đất phải nộp khi xác định lại thì người sử dụng đất được Nhà nước hoàn trả số tiền đã nộp thừa theo quy định.

Việc thu, nộp và hoàn trả nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất được thực hiện theo pháp luật về thu tiền sử dụng đất, ngân sách nhà nước, thuế và pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời Thông tư cũng bổ sung quy định về thu tiền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch xây dựng chi tiết.

Theo đó, thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất: Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP mà hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích tăng thêm theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP mà hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2018.

Trong chương trình Nhịp cầu Netviet, Kênh VTC10, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã trả lời phóng viên về tình huống quyền thừa kế quyền sử dụng đất của Việt Kiều như sau:

 

06 loại tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ ngày 05/3/2018

Ngày 05/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã banh hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Theo đó, có 06 loại tài sản sau sẽ thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân:

– Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật gồm: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

– Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan, gồm: Bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là bất động sản vô chủ); Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên); Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm); Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi là di sản không người thừa kế); Tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng).

– Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng Mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm Điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự (sau đây gọi là tài sản của quỹ bị giải thể).

– Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước).-

– Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.

– Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm bảo quản tài sản như sau:

– Cơ quan của người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan trình người có thẩm quyền ban hành quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tài sản tịch thu.

– Cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về thi hành án dân sự.

– Đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại Điều 5 Nghị định này chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tổ chức thực hiện việc bảo quản tài sản quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 106 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc bảo quản tài sản thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 108 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (tức ngày 05/3/2018).

Muốn đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên

Đây là một trong những điều kiện để đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, được quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vừa được ban hành ngày 12/3/2018.

Theo đó, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng 7 điều kiện:

– Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

– Có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

– Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này.

– Ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

– Có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này.

– Có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

– Có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Nghị định cũng nêu rõ các trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp đó là: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hết hiệu lực mà không được gia hạn; Doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định cụ thể quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, trong đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp được coi là có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nếu thuộc một trong các trường hợp: Doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện có thực hiện chức năng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tại địa phương; doanh nghiệp có người tham gia bán hàng đa cấp cư trú (thường trú hoặc tạm trú trong trường hợp không cư trú tại nơi thường trú) hoặc thực hiện hoạt động tiếp thị, bán hàng theo phương thức đa cấp tại địa phương…

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 5 năm 2018.

Trong chương trình luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn về bải bỏ Giấy phép con theo Luật đầu tư năm 2014:

Hành vi tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng

Đây là quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định số 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/03/2018 bởi Nghị định số 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, phạt tiền từ 90 triệu – 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Ngoài ra, đối với hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu – 50 triệu đồng.

Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều là 60 triệu – 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 triệu – 20 tiệu đồng như trước.

Mức phạt 60 triệu – 70 triệu đồng nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trước khi đăng ký và được Bộ Tài chấp thuận; Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Nghị định số 48/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2018.

Trong chuyên mục làm đúng hiểu đúng kênh truyền hình quốc hội, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã tư vấn về vấn đề trục lợi bảo hiểm và những hậu quả pháp lý:

Từ 15/4/2018, bắt buộc chung cư, khách sạn từ 5 tầng trở lên phải mua bảo hiểm cháy nổ

Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Theo đó:

Các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Mức phí bảo hiểm được quy định đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân tỷ lệ phí bảo hiểm. Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn tỷ lệ phí bảo hiểm.

Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Nghị định cũng nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ nếu các cơ sở nhà cao tầng chưa hoặc không thực đầy đủ các quy định về phòng chống cháy nổ. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên. Thiệt hại do biến cố chính trị, an ninh gây ra, tài sản bị đốt cháy, tài sản mua bảo hiểm bị sét đánh trực tiếp, cháy nổ do cố ý gây ra…

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm. Bộ Công an chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.

Dưới đây là video giới thiệu về Công ty Luật TNHH SB LAW. Mời quý vị đón xem: