Những nội dung cần có trong 1 bản hợp đồng góp vốn

Câu hỏi: Tôi là Nhi. Tôi đang có dự định góp vốn vào công ty của một người bạn. Xin hỏi: Khi làm hợp đồng này tôi phải đưa những nội dung nào vào để sau này tránh được rủi ro? Hình thức có bắt buộc là bằng văn bản không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng góp vốn:

Hiện nay, pháp luật chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về hình thức của hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng góp vốn nên được lập thành văn bản để phòng ngừa những rủi ro các bên vi phạm thỏa thuận.

Thứ hai, nội dung của hợp đồng góp vốn:

-Thông tin của các bên: bên góp vốn và bên nhận góp vốn (bao gồm thông tin người đại diện của cả hai bên nếu các bên là doanh nghiệp);

-Tài sản góp vốn:

+ Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Như vậy, người góp vốn có thể lựa chọn góp bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của Luật Đất đai; góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí mật kỹ thuật phải tuân theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;

+ Xác định tài sản góp vốn thuộc quyền sở hữu của ai.

-Giá trị tài sản góp vốn:

+ Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong những trường hợp góp tài sản vào vốn điều lệ của doanh nghiệp, những loại tài sản không phải là Việt Nam Đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định chuyên nghiệp định giá và thể hiện bằng Việt Nam Đồng. Nguyên tắc định giá được nêu tại Điều 37 của Luật này;

+ Trong các trường hợp góp vốn khác, việc xác định giá trị của tài sản phải dựa trên sự thống nhất giữa các bên giao kết hợp đồng;

-Thời hạn góp vốn;

-Mục đích của việc góp vốn;

-Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;

-Phương thức giải quyết tranh chấp;

-Phân chia lợi nhuận và rủi ro (nếu có);

Để phòng ngừa những thiếu xót trong hợp đồng góp vốn có thể dẫn đến bất lợi sau này, các bên nên tham khảo ý kiến về hợp đồng tại các công ty luật, đặc biệt là khi tài sản góp vốn có giá rất lớn.

Muốn đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú có được không?

Câu hỏi: Mình quê ở Nha Trang, bạn gái mình ở Đà Nẵng. Hiện tại mình và bạn gái mình vừa chuyển ra Hà Nội được 1 năm. Vậy quý công ty cho mình hỏi mình muốn đăng ký kết hôn ở Hà Nội được không? Mình và bạn gái mình đều có giấy xác nhận độc thân ở quê.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:

“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn”.

Theo quy định của Luật cư trú, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú. Vậy đối chiếu với điều luật trên, bạn không cần phải về nơi thường trú của một trong hai bên mà có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn hoặc người yêu hiện tại đang tạm trú. Như vậy, nếu muốn đăng ký kết hôn ở Hà Nội, bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tại Hà Nội.

Về hồ sơ cần nộp khi đăng ký kết hôn:

– Tờ khai đăng ký kết hôn;

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (do hai bạn không đăng ký kết hôn tại nơi thường trú nên phải có xác nhận của ủy ban nhân dân xã phường nơi thường trú về tình trạng hôn nhân);

– Giấy đăng ký tạm trú;

– Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước của hai bên nam nữ.

Lập di chúc ở nước ngoài thì có hiệu lực tại Việt Nam không?

Câu hỏi: Hiện tại bố tôi đang ở Mỹ không có điều kiện về Việt Nam, nay bố tôi muốn lập di chúc tại văn phòng luật sư nơi ông đang sống có phiên dịch viên làm chứng. Xin hỏi: Di chúc đó có giá trị tại Việt nam không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về Di chúc hợp pháp như sau:

“Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.

Về hình thức di chúc được quy định như sau:

“Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng” (Điều 627). Trong đó:

“Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”.

Trường hợp bằng văn bản như sau:

“Điều 628. Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.

Như vậy, căn cứ thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy di chúc bố bạn lập là thuộc trường hợp di chúc bằng văn bản có người làm chứng, như vậy căn cứ quy định về điều kiện di chúc hợp pháp thì trong trường hợp di chúc không chứng thực thì phải đảm bảo, lúc lập di chúc bố bạn hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt không bị lừa dối, cưỡng ép, đồng thời nội dung di chúc không được trái với pháp luật, đạo đức xã hội.

Còn về việc, di chúc đó bố bạn lập ở nước ngoài thì căn cứ theo Khoản 5 Điều 638 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

“5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó”.

Do vậy, khi bố bạn ở nước ngoài muốn lập di chúc có thể đến công chứng, chứng thực tại cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước đó. Như vậy, di chúc vẫn có hiệu lực và hợp lệ theo pháp luật tại Việt Nam.

Các nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự

Câu hỏi: Tôi là Minh, ở Hà Nội. Qúy công ty cho tôi hỏi: Trong tố tụng hình sự thì thế nào là nguồn chứng cứ? Bao gồm những nguồn gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Theo Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a)Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày;

c) Dữ liệu điện tử;

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

So với Khoản 2 Điều 64 BLTTHS 2003 thì Điều 87 BLTTHS năm 2015 có một số thay đổi, bổ sung như sau:

– Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, tháo gỡ vướng mắc do thực tiễn đặt ra, BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới:

+ Dữ liệu điện tử: Thực tiễn hiện nay, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ để thực hiện và che dấu tội phạm, nên để giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, việc thu thập các chứng cứ điện tử là rất quan trọng, thế nhưng dữ liệu điện tử chưa được BLTTHS 2003 ghi nhận với tư cách là nguồn chứng cứ. Ngày nay, BLTTHS 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

+ Kết luận định giá tài sản: Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tài sản như: trộm cắp tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản…, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu định giá tài sản làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, nhưng kết luận định giá tài sản chưa được BLTTHS 2003 quy định là nguồn chứng cứ. Vậy nên, BLTTHS 2015 đã bổ sung kết luận định giá là nguồn chứng cứ mới.

+ Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác trong đấu tranh chống tội phạm: Ủy thác tư pháp chính là việc yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật của nước có liên quan hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã tham gia như các trường hợp dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài (2).

– Về nguồn chứng cứ là biên bản trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 87 BLTTHS 2015 có sự bổ sung biên bản trong hoạt động khởi tố, truy tố, thi hành án thay vì chỉ quy định biên bản về hoạt động điều tra, xét xử như Điều 64 BLTTHS 2003.

– Về nguồn chứng cứ là lời khai, Điều 87 BLTTHS 2015 bổ sung thêm lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; lời khai của người chứng kiến; lời khai của người phạm tội tự thú, đầu thú.

Đã có dự án nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người dân vẫn được thực hiện quyền gì?

Câu hỏi: Tôi là Hạnh. Nhà tôi có mảnh đất 150m2 đã được cấp quyền sử dụng đất năm 2000. Năm 1992 huyện có dự án làm đường qua đất nhà tôi nhưng đến giờ đã 26 năm mà vẫn chưa làm cũng chưa có kế hoạch hiện nay căn nhà tôi đang ở đã xuống cấp. Vì đợi làm đường nên tôi không dám sửa sang nhà cửa. Tuy nhiên thời gian của dự án kéo dài 26 năm rồi. Năm nay tôi quyết định làm căn nhà mới trên đất nhà tôi nhưng khi đi xin giấy cấp phép xây dựng Ủy ban lại không cho làm vì trong đất đã được quy hoạch. Cho tôi hỏi: Đã có dự án nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người dân vẫn được thực hiện quyền gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đối với trường hợp mà đã có dự án nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì gia đình bạn vẫn được thực hiện các quyền sau, cụ thể theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật đất đai:

“2. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.

Như vậy khi chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thì gia đình bạn vẫn được sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất bao gồm cả việc cải tạo, sửa chữa nhà ở, xây dựng mới nhà ở. Khi đó bạn cần xác định xem trường hợp của mình có phải xin cấp phép xây dựng không, nếu gia đình bạn thuộc trường hợp sau thì không cần xin cấp phép, các Công trình được miễn giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014 gồm:

a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;

c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;

đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;

k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;

l) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Nếu bạn không thuộc trường hợp không được miễn thì bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng.

Để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu phải tiến hành các thủ tục gì?

Câu hỏi: Tôi là Mạnh, ở Hà Nội. Qúy công ty cho tôi hỏi: Để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu phải tiến hành các thủ tục gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư

Nhà đầu tư xin cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện quyền xuất khẩu bao gồm các tài liệu:

-Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

-Bản sao chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

-Đề xuất dự án đầu tư;

– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

-Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án đầu tư đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển;

-Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

-Bản giải trình việc đáp ứng các điều kiện thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá theo Mẫu MĐ-6;

-Tài liệu chứng minh năng lực tài chính và kinh nghiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện quyền xuất khẩu;

-Chứng từ của cơ quan thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm liền kề đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bổ sung thực hiện quyền xuất khẩu. Trường hợp không có hoặc thiếu chứng từ, doanh nghiệp giải trình bằng văn bản nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

Bước 2: Đăng ký doanh nghiệp

Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:

-Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

-Điều lệ công ty;

-Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);

-Bản sao các giấy tờ: bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiều hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập; Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức;

Sau khi nộp hố sơ tại sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, trong thời hạn 03 – 05 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ và đầy đủ thì sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày kể từ ngày được công khai, doanh nghiệp phải thông báo công khai thông tin đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu

Công ty thực hiện khắc dấu và thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký kinh doanh.

Lưu ý:

-Theo quy định mới tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì từ ngày 15/01/2018, nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty chỉ thực hiện quyền xuất khẩu mà không kèm theo phân phối hàng hóa thì không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh;

-Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu bao gồm: Quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế có quy định khác;

-Trường hợp công ty thực hiện quyền xuất khẩu kèm theo phân phối hàng hóa thì phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Dưới đây là video Luật sư Nguyễn Thanh Hà tư vấn về thành lập công ty Logistic cho nhà đầu tư nước ngoài trên truyền hình Netviet-VTC10. Mời quý vị đón xem:

 

Trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Câu hỏi: Tôi là Phượng. Công ty tôi là Công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nay muốn lập có sở bán lẻ thì phải làm thủ tục gì? Có điều kiện gì không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện lập cơ sở bán lẻ:

Trường hợp 1: Đối với lập cơ sở bán lẻ thứ nhất; lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:

– Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;

– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

– Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý;

Trường hợp 2: Đối với lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất

– Đáp ứng các điều kiện như trường hợp 1;

– Đáp ứng tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế theo quy định.

Thứ hai, về trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ:

Trường hợp 1: Cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp không phải thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu nộp 02 Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lập cơp sở bán lẻ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép. Hồ sơ bao gồm:

-Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (theo mẫu số 04);

-Bản giải trình;

-Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;

-Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có), Giấy phép kinh doanh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện được cấp Giấy phép theo quy định hay không. Trường hợp đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công thương.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương xem xét để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Sau khi có chấp thuận của Bộ Công thương, Cơ quan cấp Giấy phép tiến hành cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cá nhân, tổ chức đề nghị trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Trường hợp 2: Cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Cá nhân, tổ chức có nhu cầu nộp 02 Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lập cơp sở bán lẻ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép. Hồ sơ bao gồm:

-Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (theo mẫu số 04);

-Bản giải trình;

-Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;

-Bản giải trình các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế;

-Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có), Giấy phép kinh doanh.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra hồ sơ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện được cấp Giấy phép theo quy định hay không. Trường hợp đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép đề xuất thành lập Hội đồng ENT.

Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thành lập Hội đồng ENT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng ENT.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày thành lập, Hội đồng ENT đánh giá các tiêu chí ENT để Chủ tịch hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kêt luận đề xuất của Chủ tịch Hội đồng ENT, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bàn lấy ý kiến tới Bộ Công thương.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương căn cứ vào quy định của pháp luật mà ra văn bản chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Sau khi có chấp thuận của Bộ Công thương, Cơ quan cấp Giấy phép tiến hành cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho cá nhân, tổ chức đề nghị trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Nội dung và thời hạn Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau:

-Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;

-Tên, địa chỉ của cơ sở bán lẻ;

-Loại hình cơ sở bán lẻ;

-Quy mô cơ sở bán lẻ;

-Các nội dung khác;

Thời hạn của Giấy phép lập cơ sở bán lẻ:

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ có thời hạn tương ứng vói thời hạn còn lại trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ.

Trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời hạn Giấy phép lập cơ sở bán lẻ tương ứng với thời hạn được ghi trong tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của kênh VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành của S&B Law sẽ trả lời biên tập viên Thành Phương về các vấn đề xoay quanh việc thành lập doanh nghiêp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam:

Giám đốc công ty có được ký hợp đồng thuê nhà của chính mình không?

Câu hỏi: Tôi là Đức. Hiện tôi đang làm việc tại 1 công ty cổ phần, Giám Đốc công ty tôi (kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị) quyết định đổi trụ sở về căn nhà mới mua của vợ chồng giám đốc. Cho tôi hỏi, giám đốc công ty tôi có được phép thay mặt công ty ký hợp đồng thuê nhà của chính mình cho công ty làm văn phòng không (vợ giám đốc là người đại diện chủ nhà ký cho thuê nhà)?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

“Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Bên cạnh đó, theo đó, Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Giám đốc (kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị) bên bạn thì Giám đốc bên bạn đương nhiên là người đại theo pháp luật của công ty và có quyền tham gia ký hợp đồng thuê nhà làm văn phòng.

Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, việc Giám đốc bên bạn đại diện công ty ký hợp đồng thuê nhà là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, vì ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng nên trước đó, giám đốc bên bạn cần lập một văn bản ủy quyền cho vợ giám đốc đại diện ký tên trên hợp đồng cho thuê nhà và văn bản này phải được công chứng theo quy định tại Điều 53 Luật Công chứng năm 2014.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có phần trao đổi về những điểm mới của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chương trình tiềm năng Việt Nam, kênh truyền hình Netviet-VTC10:

Có phải xin giấy phép xây dựng khi xây nhà ở nông thôn?

Câu hỏi:  Tôi là Hải. Sắp tới tôi có dự định xây nhà trên lô đất mà tôi được thừa kế từ bố mẹ. Theo như tôi biết thì muốn xây dựng thì phải xin giấy phép xây dựng nhưng ở quê tôi là nông thôn từ xưa đến nay không ai xin giấy phép xây dựng cả. Vậy tôi có phải xin giấy phép xây dựng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định về các công trình được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình sau:

a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;

c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;

đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;

k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;

l) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.

Như vậy, theo quy định tại Điểm k Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng thì bạn sẽ không phải xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình là nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.

 

 

 

Đặc điểm của Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Câu hỏi: Tôi là Hiếu. Tôi đang là một người kinh doanh với mô hình hộ kinh doanh. Tuy nhiên, do muốn mở rộng quy mô sản xuất nên tôi đã rủ một người bạn cùng chung vốn thành lập công ty. Nhưng tôi chưa biết nên chọn loại hình doanh nghiệp nào? Qúy công ty tư vấn giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn có rủ một người bạn cùng chung vốn, trong trường hợp này bạn nên thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có những đặc trưng pháp lý nhất định được quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014. Loại hình doanh nghiệp này, có những đặc điểm, cơ cấu tổ chức và quản lý như sau:

Thứ nhất, về đặc điểm:

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân;

– Có từ hai thành viên trở lên nhưng không quá 50 thành viên trong suốt quá trình hoạt động;

– Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng tài sản của mình. Thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty;

– Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy trình nhất định của pháp luật

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên, không có quyền được phát hành cổ phần.

Thứ hai, về tổ chức và quản lý:

Công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm:

+ Hội đồng thành viên;

+ Chủ tịch Hội đồng thành viên;

+ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và

+ Ban kiểm soát (khi doanh nghiệp thành lập có từ 11 thành viên trở lên).

Cụ thể như sau:

– Hội đồng thành viên được quy định tại điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014, Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức sẽ chỉ định người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thành viên. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên được quy định tại khoản 2 điều này.

– Chủ tịch Hội đồng thành viên được quy định tại điều 57 Luật Doanh nghiệp 2014, Chủ tịch Hội đồng thành viên được Hội đồng thành viên bầu ra. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty. Chủ tịch Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 điều 57 Luật Doanh nghiệp 2014. CHủ tịch Hội đồng thành viên có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty theo quy định trong điều lệ. Nhiệm kỳ của chủ tịch Hội đồng thành viên không quá 05 năm, và được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trong trường hợp, Chủ tịch Hội đồng thành viên không có văn bản ủy quyền thì một trong số thành viên còn lại bầu một trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.

– Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc: là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ của mình. Giám đốc hoặc tổng Giám đốc phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại điều 65 Luật Doanh nghiệp 2014.

– Ban Kiểm soát là cơ quan thay mặt các thành viên kiểm soát các hoạt động của công ty. Theo quy định tại điều 55 Luật doanh nghiệp 2015 thì công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị của công ty. Quyền và nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ của Bản kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

Thứ ba, vốn của công ty:

– Theo quy định của pháp luật hiện thành thì vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên do các thành viên đóng góp. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp. Khi thành viên góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp tương ứng với giá trị phần vốn góp đã góp. Trường hợp sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn còn thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ thì doanh nghiệp sẽ xử lý như sau:

+ Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên;

+ thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

+ phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên. Và phải đăng ký điều chỉnh vốn góp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư nước ngoài muốn xây bệnh viện tại Việt Nam thì cần tiến hành những thủ tục gì?

Câu hỏi: Tôi là Hảo, bạn tôi là nhà đầu tư Singapore. Nay muốn đầu tư xây dựng bệnh viện tại Việt Nam. Xin hỏi: Bạn tôi phải những thủ tục gì? Có yêu cầu vốn góp là bao nhiêu không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

–  Để tiến hành đầu tư xây dựng bệnh viện tại Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là xác định được vị trí dự kiến xây bệnh viện và quy mô của bệnh viện. Nếu chưa có dự kiến nào về vị trí xây bệnh viện, nhà đầu tư có thể liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Việt Nam để được giới thiệu lô đất phù hợp. Trong trường hợp đã có dự kiến cụ thể về vị trí lô đất để xây bệnh viện, bạn cần kiểm tra thông tin quy hoạch để xác định lô đất đó có phù hợp cho mục đích xây dựng bệnh viện hay không. Nếu không đúng quy hoạch xây dựng bệnh viện, mình cần làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch để xây bệnh viện. Trong trường hợp không thuê đất, nhà đầu tư có thể thuê cơ sở vật chất đã được xây dựng sẵn với điều kiện, cơ sở vật chất xây dựng sẵn phù hợp với quy hoạch về xây bệnh viện.

– Vốn đầu tư tối thiểu cho nhà đầu tư nước ngoài lập bệnh viện tại Việt Nam là 2,000,000USD (Hai triệu đôla Mỹ).

– Sau khi đã có hồ sơ về địa điểm, hồ sơ năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn, nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng, vận hành bệnh viện tại Việt Nam. Tùy theo quy mô, địa điểm đầu tư, thủ tục đăng ký đầu tư có thể phải trải qua bước chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan chức năng.

– Để được cấp giấy phép hoạt động của bệnh viện, nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, nhân sự, thiết bị y tế và cơ cấu tổ chức như được quy định tại Điều 23, Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Tư vấn thủ tục thành lập doanh nghiệp

Câu hỏi: Mình là Huy, ở Hà Nội. Hiện mình đang có nhu cầu thành lập doanh nghiệp. Qúy công ty cho mình hỏi: Thủ tục thành lập doanh nghiệp như thế nào? Đồng thời cho mình xin báo giá bên quý công ty luôn.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn Quý Khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp của Quý Khách hàng. Chúng tôi hân hạnh đệ trình Quý Khách hàng bản Đề xuất dịch vụ tư vấn pháp luật này để Quý Khách hàng xem xét.

1. NỘI DUNG CÔNG VIỆC

Lộ trình thực hiện thủ tục cấp phép sẽ được thực hiện với các bước như sau:

a, Chuẩn bị hồ sơ cấp phép: Chúng tôi sẽ thu thập thông tin và tài liệu cần thiết từ Quý Khách hàng. Sau khi nhận được thông tin cần thiết từ Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật cũng như theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Hồ sơ đăng ký sẽ được gửi tới Quý Khách hàng để rà soát và cho ý kiến nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung trong hồ sơ đăng ký. Sau khi cập nhật hồ sơ dựa trên ý kiến của Quý Khách hàng, chúng tôi sẽ xin ý kiến sơ bộ của của cơ quan chức năng về hồ sơ đăng ký. Cuối cùng, chúng tôi sẽ gửi toàn bộ hồ sơ để Quý Khách hàng ký. Thời hạn để hoàn tất bước này dự kiến 02 ngày làm việc.

b, Thủ tục cấp phép: Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ có chữ ký và đóng dấu, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng. Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, Quý Khách hàng sẽ nhận được Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.

c, Thủ tục sau cấp phép: Trong vòng 02 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ Khách hàng hoàn thành thủ tục sau cấp phép bao gồm: đăng ký khắc con dấu doanh nghiệp; đăng công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và đăng thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

d, Nhằm tránh hiểu nhầm, chúng tôi xác nhận rằng, thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị kéo dài hơn trên thực tế do cơ quan có thẩm quyền phải tham vấn ý kiến của các ban ngành, bộ liên quan trước khi cấp phép. Trong điều kiện đó, SB Law sẽ nỗ lực một cách hợp lý để thúc đẩy tiến độ công việc nhằm nhận được kết quả cấp phép trong thời gian sớm nhất.

2.           PHẠM VI CÔNG VIỆC

Phạm vi dịch vụ của chúng tôi bao gồm:

 

Mô tả phạm vi dịch vụ

A.      Chuẩn bị các tài liệu trong hồ sơ đơn :

–     Thông báo cho khách hàng về các tài liệu cần thiết;

–     Soạn thảo các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép bằng tiếng Việt, bao gồm: (i) Thông báo thành lập doanh nghiệp; (ii) Dự thảo Điều lệ công ty; (iii) các tài liệu khác (nếu có) theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và đầu tư;

–     Trao đổi với khách hàng trong việc soạn thảo các tài liệu;

–     Điều chỉnh hồ sơ dựa trên ý kiến của khách hàng;

–     Tiếp thu ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền;

–     Hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nhận xét của cơ quan có thẩm quyền;

B.      Thủ tục cấp phép:

–     Nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

–     Theo dõi hồ sơ trong quá trình nhận sự chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền;

–     Cập nhật cho khách hàng về tiến trình cũng như những yêu cầu thêm, nếu có và hỗ trợ khách hàng trong việc nhận được Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.

C.      Thủ tục sau cấp phép:

–      Thông báo về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Đăng ký khắc con dấu và công bố mẫu con dấu doanh nghiệp trên Công thông tin.

  1. PHÍ DỊCH VỤ

Phí cho những dịch vụ của SB Law như được đề cập ở mục 2 như nêu trên là 6.000.000 VNĐ (Sáu triệu đồng).

(Phí dịch vụ đã bao gồm phí nhà nước và phí khắc con dấu cho Quý Khách hàng nhưng chưa bao gồm 10% thuế VAT)