Đã tặng cho động sản có đăng ký quyền sở hữu nay muốn đòi lại được không?

nguồn internet

Câu hỏi: Tôi là Hằng, ở Hà Nội. Vợ chồng tôi kết hôn được 4 năm. Do một số mâu thuẫn nên vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Lúc mới cưới, khi về nhà chồng thì bố mẹ chồng tôi mua cho tôi 1 chiếc xe máy đăng ký bằng tên tôi. Giờ tôi và chồng ly hôn thì bố mẹ chồng tôi lại đòi lại xe máy. Xin hỏi: Trong trường hợp này, tôi có giữ được xe máy không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trong trường hợp của bạn thì bố mẹ chồng sau khi bạn về nhà chồng đã mua cho bạn xe máy và đứng tên của bạn. Ở đây, có sự “ thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.”

Ở đây, việc thỏa thuận giữa bạn và bố mẹ chồng bằng lời nói phù hợp với quy định của pháp luật:

+ Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể

+ Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó. Xe máy được xác định là động sản có đăng ký quyền sở hữu.

Điều 458 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trường hợp tặng cho động sản như sau:

1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”.

Xe máy hiện giờ thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bạn, bố mẹ chồng đã tặng cho cho bạn, và từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu xe máy thì xe máy là của bạn. Bố mẹ chồng của bạn không có quyền đòi lại.

Thường xuyên bị làm phiền qua điện thoại thì phải làm sao?

nguồn internet

Câu hỏi: Tôi là Đoàn, ở Hà Nội. Cả tháng nay, tôi bị 1 tổ chức tín dụng tên X gọi điện thoại ngày 3 lần sáng từ 8h, chiều 14h, tối 20h. Tôi đã khẳng định tôi không có ký bất cứ gì trong hợp đồng vay của X. Mà là số điện thoại của tôi do bạn tôi đã cung cấp khi vay tiền gì đó. Và tôi cũng đã báo tổng đài và cung cấp số điện thoại mà bên X làm phiền tôi. Nhưng bên X vẫn gọi nữa. Xin hỏi: Tôi cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Như bạn trình bày, bạn đã khẳng định với tổ chức tín dụng X rằng bạn không ký kết hợp đồng vay của X mà chỉ là số điện thoại của bạn cung cấp tham chiếu khi vay tiền. Trường hợp này, có thể hiểu bạn được coi như người tham chiếu – là một trong những người bị đưa vào danh sách tham chiếu mang tính chất như người bảo lãnh.

Theo đúng nguyên tắc, khi xét duyệt hồ sơ cho vay, X phải liên hệ đến các số điện thoại tham chiếu để xác định mối quan hệ với người vay và họ có đồng ý cho phép công ty liên lạc trong trường hợp không liên lạc được với người vay hay không. Nếu không thì X không được truy đòi như vậy. Do đó, trong tình huống này sẽ chia ra hai trường hợp:

Trường hợp 01: Nếu bên X làm đúng nguyên tắc trên, tức là họ đã gọi cho bạn thẩm định mối quan hệ của bạn và người vay, nghĩa là bạn đã biết được việc này và đồng ý cho bên X liên lạc với bạn khi có vấn đề xảy ra. Ở đây, bạn và bên X đã thỏa thuận với nhau, khi đó bạn phải thực hiện như đã thỏa thuận. Do đó, bên X không sai và việc họ gọi điện cho bạn là hoàn toàn hợp pháp.

Căn cứ Điểm đ Khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó:

đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng;”

Theo đó, thời gian nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ – 21 giờ. Xét trường hợp của bạn, bên X gọi 3 lần từ 8h sáng, chiều 14h, tối 20h. Thời gian này vẫn trong khung giờ quy định. Vì vậy, bên X gọi điện cho bạn và trong khoảng thời gian đó là hợp pháp.

Trường hợp 02: Khi xét duyệt hồ sơ cho vay bên X ghi số điện thoại của bạn làm người tham chiếu nhưng không gọi điện xác nhận với bạn, tức là chưa có sự đồng ý của bạn nhận làm người tham chiếu. Do đó, bạn không biết được việc mình được chọn làm người tham chiếu và bạn không có nghĩa vụ nghe điện thoại nhắc nợ của X. Khi đó, bên X có thể bị coi là có hành vi quấy rối người khác bằng điện thoại, có thể bị xử lý hành chính như sau:

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

… …………

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; …”

Trường hợp này, bạn có thể yêu cầu bên X xuất trình các giấy tờ chứng minh bạn tham chiếu cho người vay để làm cơ sở cho doanh nghiệp viễn thông và cơ quan có thẩm quyền. Vì bạn không đứng ra tham chiếu nên những chứng cứ do X đưa ra sẽ không có hiệu lực. Khi đó, bạn có thể yêu cầu bên X ngừng hành vi gọi điện làm phiền.

Nếu họ vẫn tiếp tục, bạn có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có bắt buộc phải công chứng, chứng thực?

Câu hỏi:  Bố mẹ tôi có đứng tên 2 mảnh đất. Năm 2015, bố tôi mất, anh em trong nhà không có tranh chấp và giấy tờ vẫn còn đứng tên của bố mẹ tôi. Nay, mẹ và các anh em của tôi thống nhất cho tôi 1 phần đất từ 1 trong 2 mảnh đất nói trên. Họ sẵn sàng ký văn bản thỏa thuận để tặng quyền sử dụng phần đất đó cho tôi chứ không ra ký công chứng mà chỉ khi nào tôi làm sổ đỏ thì họ mới ký. Xin hỏi: Như vậy có được không? Văn bản thỏa thuận mang tính pháp lý tốt nhất trong trường hợp này là văn bản gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật:

2 mảnh đất đứng tên bố mẹ bạn thì quyền sử dụng đất là tài sản chung của bố mẹ bạn trong thời kì hôn nhân. Khi bố bạn mất mà không để lại di chúc thì một nửa giá trị mảnh đất sẽ thuộc về mẹ bạn, còn một nửa còn lại sẽ là di sản của bố bạn. Theo nguyên tắc chung, nếu người mất có di chúc thì di sản sẽ được chia theo di chúc; nếu không có hoặc di chúc không hợp pháp, di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Di sản được chia theo pháp luật theo nguyên tắc thì sẽ được chia thành các phần bằng nhau cho những người đồng thừa kế theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015:

 “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…………………………

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Nếu ông bà nội của bạn đã mất trước bố bạn thì di sản bố bạn để lại được chia cho những người đồng thừa kế: mẹ bạn, anh em bạn và bạn.

Thứ hai, muốn nhận một phần diện tích đất thhif phải lập văn bản gì?

Khi thực hiện khai nhận di sản, các anh chị em thống nhất cho bạn 1 phần đất tại 1 trong 2 mảnh đất nói trên thì dựa trên di sản mà bố bạn để lại, mẹ, anh em của bạn có thể thực hiện lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Như vậy, những người đồng thừa kế thực hiện khai nhận di sản thừa kế của bố bạn. Sau đó, bạn có thể thỏa thuận với mẹ và anh em – những người đồng thừa kế về việc thống nhất tặng cho 1 phần diện tích đất. Thỏa thuận về sự phân chia này phải được lập thành văn bản bắt buộc phải công chứng theo quy định tại Điều 57 Luật công chứng năm 2014 quy định Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

…”.

 

Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia tài sản bắt buộc phải công chứng, nếu không công chứng thì văn bản thỏa thuận không có hiệu lực.

Sau khi bạn thực hiện xong thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì bạn thực hiện việc sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn được công nhận quyền sử dụng đất đối với một phần mảnh đất này.

Muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trong khu quy hoạch đất làm đường có được không?

nguồn internet

Câu hỏi: Gia đình tôi có 1 mảnh đất là đất nông nghiệp, nay tôi muốn chuyển sang đất ở nhưng tôi lên phòng địa chính huyện thì được địa chính huyện thông báo không được chuyển mục đích sử dụng vì lí do đất nhà tôi có dính vào quy hoạch làm đường. Qúy công ty cho tôi hỏi: Gia đình tôi có được quyền chuyển mục đích sử dụng hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Tại Việt Nam, Nhà nước cho phép người sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc một số loại đất khác. Việc chuyển mục đích phải xin phép cơ quan có thẩm quyền được ghi nhận tại Điều 57 Luật đất đai năm 2013:

Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 52 Luật đất đai về căn cứ giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nơi có đất. Cụ thể:

Điều 52. Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất

1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, theo quy định trên thì mục đích sử dụng đất sau khi chuyển mục đích sử dụng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện. Đối với trường hợp của gia đình bạn muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trong khu quy hoạch đất làm đường sang đất ở là không phù hợp, do đó, phòng tài nguyên môi trường trả lời chưa đủ điều kiện để được chuyển mục đích là hợp lý theo quy định của pháp luật.

Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại

Câu hỏi: Tôi là Hậu. Do nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh nên sắp tới tôi muốn nhượng quyền thương mại cho một đối tác. Xin hỏi: Hợp đồng nhượng quyền thương mại có hình thức như thế nào? Có phải công chứng, chứng thực không? Nội dung hợp đồng nên quy định những gì?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hình thức hợp đồng

Điều 285 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Theo đó hình thức bắt buộc của hợp đồng nhương quyền thương mại là:

– Hình thức văn bản;

– Hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương: fax, email…

Thứ hai, nội dung cơ bản của hợp đồng

Một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường bao gồm các nội dung cơ bản sau:

1. Nội dung của quyền thương mại.

2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.

3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.

4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.

5. Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại.

6. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

7. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Lưu ý: Trước khi nhượng quyền thương mại, bên dự kiến nhượng quyền phải đăng ký với Bộ Thương mại.

Chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình chuyển nhượng nhà không?

Câu hỏi: Mình là Kiên, 16 tuổi. Năm 2015, ông bà nội có tặng cho mình một căn nhà. Hiện nay, mình đang muốn tự bán căn nhà này, không biết có được không? và có cần sự đồng ý của bố mẹ không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Điều 73. Đại diện cho con

1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.

Đồng thời, Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

Căn cứ quy định trên thì việc bạn năm nay mới 16 tuổi nên mọi giao dịch liên quan đến bất động sản thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ. Do đó, để có thể chuyển nhượng căn nhà này một cách hợp pháp bạn cần nói chuyện với cha mẹ và phải được sự đồng ý của cha mẹ. Nếu cha mẹ không đồng ý về vấn đề trên thì bạn chỉ có thể đợi đến khi mình đủ 18 tuổi để tự mình xác lập giao dịch liên quan đến bất động sản.

Vợ có phải chịu trách nhiệm về khoản nợ riêng của chồng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội, trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về tình huống: Vợ có phải chịu trách nhiệm về khoản nợ riêng của chồng? Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống:  Anh Tú với chị Hoa sau 1 thời gian chung sống với nhau thì xảy ra bất hòa dẫn đến việc li dị. Tuy nhiên sau khi li dị, chị Hoa bị nhân viên ngân hàng tìm đến yêu cầu chị Hoa thanh toán khoản nợ của chồng mình vì anh Tú hiện nay không thể liên lạc được. Chị Hoa lo lắng nên đã tìm đến luật sư xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

5. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định tại Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ chồng:

“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.

Trường hợp 1: Nếu khoản vay này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân

– Nếu trong lúc làm ăn, anh Tú có đem số tiền này về để tiêu dùng trong gia đình (mặc dù bạn không biết đó là số tiền do làm ăn riêng mà có) theo quy định tại Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới đới với khoản nợ này.

“Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”.

– Còn nếu bạn không hề biết về việc anh Tú có vay tiền để làm ăn và việc vay tiền của anh Tú cũng không phải là quan hệ đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 24, 25, 26 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tức là anh Tú sử dụng số tiền vay đó với mục đích riêng và không cho bạn biết thì tài sản chung của vợ chồng sẽ không được dùng để thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba theo quy định tại điều này và khi ly hôn bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ riêng của anh Tú.

Trường hợp 2: Nếu khoản vay phát sinh sau khi ly hôn

Trường hợp này, đương nhiên anh Tú phải chịu trách nhiệm trả nợ, bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ riêng của anh Tú.

 

 

Đã nhận tiền cọc nhưng sau đó lại bán nhà cho người khác, xử lý thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội, trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về tình huống: Đã nhận tiền cọc nhưng sau đó lại bán nhà cho người khác. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Chị Hoa đăng tin bán nhà, sau khi nhận tiền cọc của anh Tài với chị Thu rồi nhưng chưa làm hợp đồng công chứng thì chị Hoa lại bán nhà cho anh Tú với anh Trọng vì được giá hơn. Anh Tài với chị Thu biết chuyện, nhất quyết bắt đền chị Hoa phải trả gấp đôi tiền cọc và tiền sửa nhà nhưng chị Hoa không chịu, anh Tài với chị Thu nhất quyết không chịu giao nhà lại cho chị Hoa. 2 bên kiện nhau ra tòa.

Luật sư tư vấn:

Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc như sau:

“Điều 328. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1 Điều 358 Bộ luật dân sự năm 2005 (đã hết hiệu lực ngày 01/01/2017) về đặt cọc: 

“Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản”.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 trước đây thì hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải được lập thành văn bản, tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải lập thành văn bản. Khi đó, ta có thể hiểu: việc đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ cần đảm bảo đúng mục đích, ngoài ra không đòi hỏi đáp ứng về điều kiện hình thức xác lập. Do đó, việc ký kết hợp đồng đặt cọc được lập thành văn bản hay không là do hai bên thỏa thuận.

Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng đặt cọc giữa anh Tài, chị Thu và chủ nhà (chị Hoa) được giao kết bằng miệng nên vẫn có giá trị pháp lý. Nay, chủ nhà từ chối việc giao kết hợp đồng mua bán này là vi phạm quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 nên chủ nhà phải trả cho anh Tài, chị Thu tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp anh Tài, chị Thu và chủ nhà có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, do hợp đồng đặt cọc giữa anh Tài, chị Thu và chủ nhà không được lập thành văn bản nên nếu anh Tài, chị Thu có khởi kiện ra Tòa án thì anh Tài, chị Thu là bên có nghĩa vụ chứng minh việc giao kết hợp đồng đặt cọc giữa các bên.

 

 

Khi bị hại rút đơn thì người bị kiện có còn bị truy tố?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về vấn đề: Khi bị hại rút đơn thì người bị kiện có còn bị truy tố? Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống:  Anh Tú với anh Trọng là hàng xóm nhưng do tính anh Tú bừa bãi, anh Tú thường chiếm dụng không gian riêng của khu chung cư để phơi chăn chiếu rồi thậm chí còn vứt cả rác ra ngoài hành lang. Anh Trọng bức xúc nhiều lần nên đã to tiếng với anh Tú, 2 người xông vào đánh nhau và anh Trọng đã đánh anh Tú bị thương nặng. Người nhà anh Trọng đã đến luật sư xin tư vấn về việc nhà anh Tú rút đơn.

Luật sư tư vấn:

Trong trường hợp này, anh Trọng đã có hành vi đánh anh Tú bị thương. Mặc dù, anh Tú cũng đã có hành vi như: xả rác bừa bãi, gây tiếng ồn, … khiến anh Trọng khó chịu, bực tức. Tuy nhiên, hành vi đánh người khác bị thương là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy vào mức độ của hành vi mà anh Trọng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Điểm e Khoản 3 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

……………………………….

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác”.

Như vậy, nếu anh Trọng đánh anh Tú nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì anh Trọng sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.

Thứ hai, về trách nhiệm hình sự:

Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Như vậy, trong trường hợp này nếu anh Tú bị thương tích từ 11% trở lên thì anh Trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm về Tội này, tùy vào mức độ thương tích mà sẽ có những hình phạt phù hợp.

Một câu hỏi được đặt ra là: Trong trường hợp nếu anh Tú rút đơn khởi kiện thì anh Trọng còn có bị truy tố nữa không?

Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định:

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sựkhi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Theo đó, nếu như hành vi của anh Trọng cấu thành tội phạm được quy định tại Khoản 1 của Điều 134 thì vụ án chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại. Trường hợp người đó rút đơn thì sẽ vụ án sẽ được đình chỉ và anh Trọng sẽ không bị truy tố. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng nếu tội phạm thuộc khoản 1, nếu tội phạm ở Khoản 2 thì việc viết đơn bãi nại của người bị hại chỉ có tác dụng giảm nhẹ hình phạt.

Hai phụ nữ bị bắt vì đánh ghen ở Hải Phòng: Ghen tuông cũng cần đúng luật!

Trong bài “Hai phụ nữ bị bắt vì đánh ghen ở Hải Phòng: Ghen tuông cũng cần đúng luật!” đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN – Ngày 8-5 vừa qua, CAH Tiên Lãng (TP Hải Phòng) đã tạm giữ hình sự 2 phụ nữ để điều tra về hành vi làm nhục người khác khi đánh ghen, quay clip và tung lên mạng xã hội. Sau sự việc này, vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu những người đi đánh ghen có bị phạt tù?

“Đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”

Trước đó, vào chiều tối 1-5, tại xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, P.T.M (36 tuổi) đã cùng một số người khác đã chặn xe, lột quần áo, đánh đập, chửi bới, cắt tóc và lôi chị B.T.Q (31 tuổi) trên đường làng khiến nạn nhân bị trầy xước, bầm tím nhiều chỗ trên cơ thể, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng. Trong quá trình làm nhục, các đối tượng đã quay clip ghi lại hình ảnh rồi tung lên mạng xã hội Facebook.

Do vậy, nạn nhân đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên là do P.T.M cho rằng B.T.Q có quan hệ tình cảm với chồng mình nên đã cùng một số người khác tổ chức đánh ghen nhằm dằn mặt “tình địch”.

Sự việc trên chỉ là một trong hàng trăm vụ đánh ghen xảy ra trong thời gian gần đây. Đáng buồn là sau những vụ việc này, những nngười phụ nữ vốn là nạn nhân, bị chồng phụ bạc không những không được hả hê, không giữ được hạnh phúc gia đình lại trở thành kẻ phạm tội, bị vướng vào vòng lao lý.

Ở góc độ tâm lý, phân tích về lý do dẫn đến các vụ đánh ghen, PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình cho rằng, với suy nghĩ việc “xử lý” những kẻ đi cướp chồng người khác là hoàn toàn chính đáng nên không ít người phụ nữ đã lập kế hoạch để cho những đối tượng này một “bài học” nhớ đời. Với sự hỗ trợ của công nghệ và mạng xã hội, họ đánh đập, hành hạ người mà họ cho là “tình địch” của mình, quay video và tung lên mạng để tất cả mọi người cùng thấy “bộ mặt thật” của những kẻ “cướp” chồng. Họ làm như thế để thỏa mãn cơn ghen mà không biết rằng hành vi đó vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, tùy theo cách thức thực hiện và tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người đánh ghen có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác” hoặc tội “cố ý gây thương tích”, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cùng một lúc cả hai tội danh này.

Về xử lý hành chính, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, người “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300.000 đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể  bị xử lý hình sự. Điều 155 BLHS 2015 về tội làm nhục người khách quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…

Trường hợp hành vi đánh ghen gây thương tích, căn cứ vào kết quả giám định, yêu cầu khởi tố của người bị hại, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 BLHS 2015 với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Ghen tuông cũng không thể phạm luật

Cũng theo Tiến sỹ Tâm lý Trịnh Hòa Bình, đành rằng “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, mục đích đánh ghen của người phụ nữ nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy vậy, việc làm này lại đẩy gia đình đến bờ vực thẳm nhanh hơn vì nó không chỉ làm nhục người thứ ba mà còn ảnh hưởng đến tình cảm của cả hai vợ chồng. Sau khi chứng kiến vợ hành hạ, đánh đập tình địch, nhiều người chồng càng có ác cảm hơn với vợ và thấy khó có thể tiếp tục sống với người phụ nữ có hành vi bạo lực như vậy.

Có nhiều cách để giữ chồng, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nếu phát hiện chồng ngoại tình, thay vì lên kế hoạch trả thù, người vợ hãy lựa chọn cách xử lý khôn ngoan như nói chuyện với người chồng, lắng nghe họ giải thích, từ đó điều chỉnh bản thân  cho phù hợp.

“Trường hợp người chồng kiên quyết rũ bỏ vợ con để chạy theo “tình địch”, người vợ có thể thu thập chứng cứ về việc ngoại tình của chồng và “bồ”, tố cáo đến cơ quan chức năng để được xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.

Cụ thể, về xử phạt hành chính, điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định, người nào có hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;…sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, người có hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 BLHS 2015. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/hai-phu-nu-bi-bat-vi-danh-ghen-o-hai-phong-ghen-tuong-cung-can-dung-luat/767096.antd

Những thương hiệu thời trang nổi tiếng bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới

Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD và Văn phòng Sở hữu Trí tuệ của EU, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái có giá trị khổng lồ lên tới 462 tỷ đô la/năm.

Đa số những mặt hàng làm giả đều là các thương hiệu lớn đến từ Châu Âu. Có tới 63,2% hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cùng điểm danh những thương hiệu đó:

The North Face

The North Face là một công ty thời trang của Mỹ chuyên về các sản phẩm thời trang ngoài trời như áo khoác, áo thun, giầy, ba lô, lều, túi ngủ… Hãng là nhà tài trợ trang phục cho nhiều vận động viên chuyên nghiệp trên toàn thế giới ở các môn thể thao như chạy, leo núi, trượt tuyết, trượt ván…

Sản phẩm may mặc của hãng này là một trong những thương hiệu bị làm giả nhiều nhất trên thế giới. Ví dụ như vào tháng 12/2015, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã thu giữ 50.000 áo khoác giả gắn mác The North Face từ một nhà kho ở thành phố New York. Quần áo là lĩnh vực bị làm nhái nhiều thứ hai trên thế giới với 17.995 vụ bị phát hiện trong năm 2013.

Hermès

Không thể phủ nhận mức độ xa xỉ của hãng thời trang danh tiếng Hermès. Những sản phẩm của Hermès từ túi xách cho đến quần áo thời trang đều là lựa chọn yêu thích của những ngôi sao đình đám nhất thế giới. Sản phẩm nổi tiếng nhất của Hermes phải kể đến là những chiếc túi xách Hermes Berkin với mức giá ngất ngưởng từ 10.000 – 150.000 USD/chiếc.

Những sản phẩm của hãng được thiết kế bởi nhà thiết kế nổi tiếng Brian Homiès Lichtenberg do đó Hermès thường xuyên phải đau đầu với những kẻ làm hàng nhái khi các mẫu túi Berkin, khăn lụa và cà vạt giá hàng triệu USD của hãng bị làm giả tràn lan. Các sản phẩm bằng da của hãng này cũng thường bị làm nhái. Một lô hàng thắt lưng Hermes nhái trị giá 3,2 triệu USD đã bị phát hiện và tịch thu tại cảng Los Angeles vào tháng 7 năm 2015.

Levi’s

Thương hiệu thời trang vải bò này không hề lạ lẫm với người tiêu dùng bởi trên mạng Internet tràn lan những hướng dẫn về cách phân biệt quần jean Levi’s thật và giả.

Thương hiệu denim này không lạ gì khi bị làm nhái. Hai mẫu quần jean cổ điển 501 và 550 là những mẫu bị làm giả nhiều nhất.

Ugg

Những đôi bốt lông cừu ấm áp và thoải mái của thương hiệu Australia này là nhu cầu hàng ngày của mọi người bởi vậy chúng thường xuyên bị làm nhái.

Các thiết kế của hãng được hàng triệu tín đồ thời trang trên khắp thế giới dành cho một vị trí trang trọng trong tủ đồ của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiền để mua một sản phẩm hàng hiệu với giá lên đến hàng nghìn đô. Không ít người đã tìm đến hàng fake để thỏa mãn sự đam mê của mình.

Từ năm 2007, đã có khoảng 2,5 triệu đôi bốt Ugg nhái bị tịch thu. Giày dép là sản phẩm bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới với 27.119 lô hàng bị phát hiện vào năm 2013.

Polo Ralph Lauren

Những chiếc áo có logo tinh xảo của thương hiệu của Polo được bán trên thị trường với giá cả đắt đỏ. Điều này chính là nguyên nhân của việc tại sao Polo Ralph Lauren lại là một trong những thương hiệu bị làm nhái nhiều nhất trên thế giới.

Michael Kors

Thương hiệu thời trang Michael Kors mới đây đã rút khỏi Liên minh Chống hàng giả Quốc tế bởi hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc đã được phép gia nhập tổ chức này. Alibaba từ lâu được biết đến với tên gọi chợ hàng giả khét tiếng.

Gucci

Cùng với Michael Kors, Gucci cũng rút khỏi Liên minh Chống hàng giả Quốc tế do sự tham gia của Alibaba. Thương hiệu xa xỉ của Ý kịch liệt phản đối việc làm túi giấy hàng mã mang nhãn Gucci được dùng để đốt trong các đám tang, cúng bái cho người quá cố ở Trung Quốc.

Chanel

Không chỉ những mẫu túi, ví của Chanel mới bị làm nhái mà cả dòng nước hoa nổi tiếng Chanel No. 5 cũng trở thành mục tiêu nhắm tới của những kẻ làm hàng nhái với mục đích lợi dụng uy tín của thương hiệu nổi tiếng để kiếm lời.

Louis Vuitton

Louis Vuitton là thương hiệu cao cấp của Pháp thuộc hàng lâu đời nhất thế giới. Công ty mẹ của Louis Vuitton – LVMH đặc biệt tích cực trong công cuộc bảo vệ thương hiệu và bản quyền của mình. Hãng thời trang cao cấp này mỗi năm chi 17,1 triệu đô la để chống lại với những kẻ làm hàng giả, hàng nhái.

Adidas

Những đôi giày thể thao mang thương hiệu Adidas nhái tràn lan trên thị trường là nỗi đầu đầu lớn đối với thương hiệu thời trang thể thao của Đức. Nhưng tất nhiên là chúng chủ yếu được bán trực tuyến hoặc trên các góc phố.

Nike

Nike cũng là một trong những thương hiệu bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Một số dòng sản phẩm của hãng này khó làm nhái như Flyknit, nhưng các mẫu hàng giả Nike ở Trung Quốc gần như giống y sì không khác biệt nên rất khó phân biệt với hàng thật.

Burberry

Thương hiệu thời trang lâu đời của Anh Burberry cũng là nạn nhân bị làm giả rất nhiều, thậm chí bởi cả những thương hiệu có tiếng khác nhái lại.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Nguồn: http://nhanhieuviet.gov.vn/vn/tin-thi-truong/nhung-thuong-hieu-thoi-trang-noi-tieng-bi-lam-nhai-nhieu-nhat-tren-the-gioi-84346.phtml

Những vụ tranh chấp bản quyền logo gây nhiều tranh cãi

Vụ tranh chấp bản quyền giữa Gem Riverside và Gem Center, Nike và vụ kiện bản quyền logo “Jumpman”, Adidas căng thẳng với Tesla Model 3, Apple bị nhãn hiệu quần áo Trung Quốc kiện vì “chôm” logo cho App Store… đều là những vụ tranh chấp bản quyền logo căng thẳng và gây ra nhiều tranh cãi.

Adidas đánh bại Tesla Model 3 trong cuộc chiến logo nhãn hiệu

Khi Tesla tìm cách đăng ký nhãn hiệu cho chiếc xe điện mô hình số 3, công ty đã nộp đơn với Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ mà không biết rằng ý tưởng 3 sọc ngang của họ gần giống với logo của công ty may mặc quần áo thể thao Adidas. Adidas cho biết ba thanh ngang (tượng trưng cho chữ E) trong logo của Tesla sẽ gây nhầm lẫn với logo của Adidas vốn được dùng trong nhiều năm qua. Cuối cùng Tesla đã rút đơn và thay đổi ba thanh ngang thành số 3.

Là một thương hiệu nổi tiếng trong ngành may mặc và giày dép, Adidas luôn có một tư thế phòng thủ mạnh mẽ. Hầu hết các “trận chiến”, giống như trận Tesla, đều kết thúc mà không cần bất kỳ vụ tranh chấp nào. Nhưng Adidas và công ty con Hoa Kỳ của nó đã đưa ra gần 50 vụ kiện nhãn hiệu trong 5 năm qua với các đối thủ như Nike, Skechers và thậm chí là Marc Jacobs.

Được biết, 3 sọc song song tô điểm cho logo của Adidas, trang trí các mặt của giày, và các ống tay áo jacket của nó. Thiết kế này đã nổi lên trong những năm 1950 sau khi người sáng lập công ty Adi Dassler bắt đầu áp dụng nó trên giày. Bây giờ, dấu hiệu phổ biến này được tìm thấy ở hầu hết các sản phẩm của Adidas.

Apple bị nhãn hiệu quần áo Trung Quốc kiện vì “chôm” logo cho App Store

Được biết nhãn hiệu quần áo Trung Quốc được nói đến trên chính là KON, một nhãn hiệu được sáng lập vào năm 2009. Logo của nhãn hiệu này chính là hình tam giác với các thanh chữ nhật xếp chéo nhau. Logo nhìn giống một bộ xương, tượng trưng cho quyền lực thông qua cái chết.

Mới đây, KON đã đệ đơn lên tòa án Trung Quốc và cáo buộc rằng Apple sử dụng biểu tượng có trên logo của họ cho logo mới của App Store. Tòa án Nhân dân Bắc Kinh đã chấp nhận đơn kiện, sẽ sớm tiến hành xét xử và đưa ra phán quyết trong một vài tuần tới.

Theo đơn kiện, KON cho rằng Apple đã vi phạm luật cạnh tranh tại Trung Quốc khi sử dụng logo tương tự logo của KON.

Cụ thể, vào khoảng tháng 8/2017, Apple đã thay cho App Store một logo mới. Nếu logo cũ của App Store là một cái cọ sơn, bút chì và thước thì logo mới lại là hình 3 cây gậy được bo tròn ở mỗi đầu và cũng giống với logo của KON, các cây gậy này được đặt chồng chéo lên nhau tạo thành hình tam giác.

Vì vậy KON yêu cầu Apple phải xin lỗi công khai và trả tiền cho những thiệt hại này.

Công ty Đức sản xuất đã phải đấu tranh liên tục để ngăn các công ty khác sử dụng sọc tương tự.

Nike giành chiến thắng trong vụ kiện bản quyền logo “Jumpman” sau 2 năm

Được biết, hình ảnh phóng khoáng và mạnh mẽ của “The Jumpman” xuất hiện lần đầu tiên trên những đôi giày Air Jordan III vào năm 1988 và gây dựng nên một đế chế thực sự của đôi sneaker kinh điển này. Đương nhiên, ai cũng biết, logo này mô phỏng bước chân thần kỳ của huyền thoại bóng rổ Michael Jordan.

Nike đã từng tham vọng đồng nhất các logo trên các sản phẩm của họ, tuy nhiên chưa một hình ảnh nào có thể xóa được “The Jumpman” trên những phiên bản Air Jordan cho đến thời điểm này.

Mặc dù vậy logo này cũng đã gây rắc rối cho Nike suốt thời gian dài vừa qua.

Cụ thể, nhiếp ảnh gia Rentmeester đã cáo buộc Nike ăn cắp bản quyền. Người đàn ông này cho rằng Nike đã tạo ra logo “Jumpman” từ một bức ảnh anh ta chụp Michael Jordan thuở còn làm tân binh cho Chicago Bulls vào năm 1984.

Trong bức ảnh được ghi lại bởi Rentmeester, Michael Jordan đã bật rất cao trong tư thế mang tính biểu tượng, phía sau là bầu trời Chicago. Dù đã được Nike trả 15.000 USD cho bức ảnh này vào năm 1985, nhiếp ảnh gia tuyên bố rằng việc tạo ra logo “Jumpman” của Nike đã vi phạm những thỏa thuận ban đầu của họ.

Suốt 2 năm qua, vụ kiện cáo đã gây ra nhiều rắc rối cho hãng giày nổi tiếng. Và mới đây, Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 (Ninth U.S. Circuit Court of Appeals) đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó là logo Jumpman của Nike không giống với bức ảnh của Rentmeester dựa trên những quy định của luật bản quyền.

Gem Riverside có đạo ý tưởng thiết kế logo của Gem Center?

Làn sóng thay nhận diện thương hiệu đang diễn ra trong hệ thống các doanh nghiệp Việt những năm gần đây. Logo mang dòng chữ Gem Center màu vàng, thiết kế chữ G font 3D. Tuy nhiên, logo Gem Riverside cũng thấy ý tưởng thiết kế chữ G nổi như của Gem Center chỉ khác nhau là Gem Riverside dung màu xanh nhạt.

Theo tìm hiểu, logo Gem Center hiện tại là hợp lệ và đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Sự trùng lắp ý tưởng là không tránh khỏi và những thiết kế theo motip biểu tượng xoay quanh chữ G là rất phổ biến.

Theo một luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản thân sự trùng lắp logo khi sáng tạo đã là một sự đáng tiếc đối với những người đi sau. “Càng ngày càng có nhiều logo nên khả năng bị trùng lắp trong một vài yếu tố là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nguyên tắc căn bản trong sáng tạo logo là thương hiệu của mình không được trùng với sản phẩm cùng loại, cùng lĩnh vực”.

Trở lại với trường hợp của hai doanh nghiệp này, sau khi bị cho là đạo ý tưởng trong thiết kế logo, Gem Riverside đang có kế hoạch thay đổi logo. Tuy muộn còn hơn không, đây được xem là việc Gem Riverside tránh bị kiện vi phạm sở hữu trí tuệ.

Nhanhieuviet (Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo)

Nguồn: http://nhanhieuviet.gov.vn/vn/tin-thi-truong/nhung-vu-tranh-chap-ban-quyen-logo-gay-nhieu-tranh-cai-84367.phtml