Câu hỏi: Tôi là Khiêm. Bố tôi vừa mới mất, sau đó tôi tìm thấy di chúc của ông viết trước khi chết nhưng không một ai biết về việc này và cũng không có người làm chứng ký vào di chúc mà chỉ có chữ ký của bố tôi. Xin hỏi, di chúc có hiệu lực pháp luật không?
Trả lời:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Điều 633 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc lập bằng văn bản không có người làm chứng như sau:
“Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.”
Dẫn chiếu đến Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa”.
Việc bố bạn tự lập di chúc mà không có người làm chứng, thì bố bạn phải tự lập và tự ký vào di chúc. Ngoài ra, nôi dung của di chúc phải gồm nội dung ngày, tháng, năm lập di chúc; họ tên và nới cư trú của người lập di chúc; họ tển người cơ quan nhận di sản; di sản và nơi để lại di sản. Di chúc không được viết tắt hoặc viết băng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự có chữ ký hoặc điểm chỉ của bố bạn. Nếu trong di chúc của bố bạn có sự tẩy xóa, sửa chữa thì bố bạn phải ký tên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó. Di chúc của bố bạn đáp ứng được các điều kiện này thì sẽ có hiệu lực pháp luật.