Đề xuất đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng: Đánh cả vào người có thu nhập thấp

504

Trong bài “Đề xuất đánh thuế nhà ở từ 700 triệu đồng: Đánh cả vào người có thu nhập thấp” đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Với mức thu nhập của người dân Việt Nam như hiện nay, đề xuất đánh thuế đất ở và nhà ở từ 700 triệu trở lên đang được cho là bất hợp lý.

Bộ Tài chính vừa đưa ra 2 phương án nhà ở hơn 700 triệu đồng hoặc hơn 1 tỉ đồng phải chịu thuế, mức thuế là 0,3% hoặc 0,4% phần giá trị vượt hơn “mức sàn”. Nhưng Bộ nghiêng về phương án chọn “mức sàn” để đánh thuế là 700 triệu đồng, còn thuế suất thì Bộ chọn mức trần, tức 0,4%.

Ví dụ, căn nhà trị giá 1,7 tỉ (tính theo giá thị trường) thì số tiền thuế phải đóng là: (1,7 tỉ – [trừ] 700 triệu) x 0,4% = 4 triệu (đồng).

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế – Bộ Tài chính lý giải sở dĩ chọn “mức sàn” 700 triệu đồng là phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay, còn chọn thuế suất 0,4% là để “phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm ổn định nguồn thu, giúp cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw chỉ rõ những bất cập của dự thảo luật. Ông Hà cho rằng, một căn nhà giá từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng là rất khó khăn với một người dân bình thường, trong khi hiện nay để mua được một căn nhà ở đô thị thì số tiền phải có khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng. Thứ hai, do xác định mức đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng nên diện đối tượng bị chịu thuế này quá rộng, đa số người dân sở hữu căn nhà đầu tiên sẽ phải đóng thuế, tạo gánh nặng và phiền hà. Thứ ba, dự luật cũng chưa tính tới giá trị tài sản sẽ thay đổi theo thời gian và chưa điều chỉnh hành vi trường hợp người sở hữu tài sản cố tình khai thấp để tránh thuế.

Ông Hà cũng thẳn thắn bày tỏ quan điểm, đánh thuế nhà ở để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước chứ không có tác dụng làm giảm sự phân hóa giàu nghèo hay cải thiện an sinh xã hội. “Bởi theo tôi, đánh thuế như vậy là đã đánh cả vào người có thu nhập thấp và trung bình chứ không phải chỉ đánh thuế với người giàu” – luật sư Hà khẳng định.

Ông Lê Hoàng Châu – Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận nếu thực hiện đánh thuế tài sản có thể giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách nhưng sẽ tạo ra hệ quả rất lớn là sẽ làm giá nhà, đất, kể cả giá đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng tăng lên, đẩy giá thành, giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Ông Châu cũng đề nghị dự thảo thuế tài sản cần được xem xét tổng thể trong việc cấu trúc lại hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ, để tránh tình trạng tận thu, hoặc thuế chồng thuế.

Về phía Hiệp hội, ông Châu cũng nhận thấy giá nhà, đất hiện đang cao so với thu nhập của người dân, mà một nguyên nhân là do chính sách thuế, chính sách thu tiền sử dụng đất.

“Hiện nay trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản đối với nhà ở được ủng hộ vì họ không có khoản thu ngân sách đối với tiền sử dụng đất. Còn tại Việt Nam, tiền sử dụng đất” mặc dù không gọi là thuế, nhưng là một khoản nộp vào ngân sách nhà nước rất lớn. Thông thường, “tiền sử dụng đất” chiếm khoảng trên dưới 10% giá căn hộ chung cư; chiếm khoảng trên dưới 30% giá nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% giá nhà biệt thự. Do vậy, khi áp dụng sắc thuế tài sản, thì phải đồng thời thay đổi chính sách thu tiền sử dụng đất theo hướng giảm đi” – ông Châu đề xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam với GDP tăng trưởng như thời gian vừa qua thì sở hữu tài sản nhà trên 700 triệu đồng không còn là dạng quý hiếm nữa. Như vậy, đánh thuế tài sản vào đối tượng đại trà như thế là đang hướng tới tận thu nguồn thu mà không phải để làm gia tăng GDP và còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

“Xét trong điều kiện của Việt Nam nói chung, kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn tồn tại những bất cập về việc làm cho xã hội… Chúng ta đặt vấn đề đánh thuế nhà ở vào lúc này tôi cho rằng chưa phù hợp” – một chuyên gia khẳng định.