Câu hỏi: Tôi là con lai nên đã đi theo diện con lai sang Mỹ. Tôi đã định cư tại Mỹ gần 20 năm. Nay tôi muốn xin hồi hương trở về Việt Nam sinh sống. Xin hỏi, tôi là con lai thì có trở ngại gì trong việc xin hồi hương không? Nếu được, thủ tục hồi hương làm như thế nào và ở đâu?
Trả lời:
Pháp luật Việt Nam hiện tại không có khái niệm về con lai, mà chỉ quy định công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam do có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam (Điều 14, 16 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam ban hành 24/06/2014. Do đó, bạn sẽ được hồi hương về Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/05/2009.
Theo Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BCA-BNG, hồi hương được hiểu là việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam làm thủ tục để trở về thường trú tại Việt Nam. Một trong những điều kiện được hồi hương về Việt Nam là bạn phải còn giữ quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp bạn không còn giữ quốc tịch Việt Nam thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, bạn có thể tham khảo thêm tại Mục 3 Luật Quốc tịch Việt Nam và Mục 2 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2014/NĐ-CP).
Về hồ sơ hồi hương:
Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ cơ bản bao gồm các giấy tờ sau đây:
– Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch 01);
– Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);
– Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có quốc tịch Việt Nam như: giấy khai sinh, hoặc chứng minh nhân dân, hoặc hộ chiếu Việt Nam.
– 03 ảnh 4×6 phông nền trắng
– Bản sao giấy tờ chứng minh bạn có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam như: giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hoặc hợp đồng cho thuê, cho ở nhờ, …
– Trường hợp bạn xin thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như thành phố Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, bạn phải có giấy tờ chứng minh đã tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt với người đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của người đó.
Về nơi nộp hồ sơ:
Bạn có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.
SB LAW là một trong những hãng luật uy tín tại Việt Nam, được các khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm và đánh giá rất cao.
Mời quý vị đón xem video giới thiệu về SB law: