Câu hỏi: Gia đình tôi có một miếng đất sở hữu từ trước năm 1975, do bố tôi đứng tên (là tài sản riêng của bố tôi) nhưng sau đó năm 1977 bố tôi mất đột ngột, các cụ trong họ quyết định anh trai tôi (con trai trưởng) thừa kế nhưng thời điểm đó anh trai tôi còn nhỏ nên mẹ tôi đứng tên (không phải là đại diện đứng tên mà được công nhận quyền sử dụng đất). Xin hỏi: Mẹ tôi hiện giờ có được quyết định phân chia tài sản cho các con hay không? Khi anh trai tôi không chấp nhận quyền phân chia của mẹ tôi cho anh trai tôi và 2 chị em tôi?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo như bạn trình bày, năm 1977 bố bạn mất đột ngột không để lại di chúc, còn mẹ bạn vợ và 03 người con. Khi đó các cụ trong họ giao cho con trưởng là anh trai bạn quản lý mảnh đất này. Thời điểm đó, các cụ trong họ không có quyền định đoạt tài sản này.
Thời điểm bố bạn mất, sẽ áp dụng quy định tại Pháp lệnh thừa kế 1990 để giải quyết về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế 1990 như sau:
“Điều 36: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
…
4- Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này”.
Theo quy định Pháp lệnh thừa kế 1990, khi bố bạn mất không để lại di chúc thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh thừa kế 1990 như sau:
“Điều 25: Những người thừa kế theo pháp luật
1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn gồm: mẹ bạn và 03 người con. Nay những người này tranh chấp với nhau về di sản thừa kế.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu thừa kế như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Tính đến thời điểm hiện nay đã hết thời hiệu về thừa kế. Do đó, các đồng thừa kế không còn thời hiệu để khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Điều 236 Bộ luật dân sự 2015 quy định xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật như sau:
“Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, mẹ bạn đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1977 đến nay, mẹ bạn sẽ được công nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất này. Nên mẹ bạn có quyền định đoạt đối với khối tài sản này.
Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tai chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: