Bảo hành trong hợp đồng xây dựng

509

Câu hỏi: Công ty tôi vừa nhận thầu thi công 1 công trình nhưng trị giá hợp đồng không cao. Bên giao thầu yêu cầu phải có chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Cho tôi hỏi: Có quy định nào quy định giá trị hợp đồng bao nhiêu thì mới cần soạn chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng không? Bên giao thầu yêu cầu Công ty chúng tôi phải làm chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng vô điều kiện cho đến khi công trình hoàn thành, có nghĩa là nếu công trình bị kéo dài vì bất kỳ lý do gì Công ty chúng tôi vẫn phải có trách nhiệm gia hạn tiếp chứng thư này. Bên Công ty tôi đương nhiên là không chấp nhận. Vậy trường hợp này Công ty tôi từ chối có đúng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc bảo đảm thực hiện hợp đồng:

Theo quy định của Luật đấu thầu năm 2013, bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư.

Đảm bảo thực hiện hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 66 Luật đấu thầu năm 2013 như sau:

“Điều 66. Bảo đảm thực hiện hợp đồng

1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng.

2. Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực …”.

Theo quy định trên, bảo đảm thực hiện hợp đồng chỉ không đặt ra với nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn và nhà thầu tự thực hiện hoặc tham gia thực hiện của hợp đồng. Luật đấu thầu cũng không có quy định với gói thầu có giá trị bao nhiêu thì phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, việc nộp bảo đảm đối với gói thầu trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 16. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng

1. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; khuyến khích áp dụng hình thức bảo lãnh.

2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm; theo mẫu được bên giao thầu chấp nhận và phải có hiệu lực cho đến khi bên nhận thầu đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị. Riêng hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu do các hộ dân thực hiện và những hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện không bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng”.

Theo đó, đối với gói thầu xây dựng, nhà thầu trúng thầu phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi ký kết hợp đồng khi các có bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu.

Như vậy, việc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng là bắt buộc, không giới hạn giá trị gói thầu.

Thứ hai, về thời hạn thực hiện bảo đảm hợp đồng:

Khoản 4 Điều 66 Luật đấu thầu năm 2013 quy định về thời hạn thực hiện bảo đảm hợp đồng như sau:

“4. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng”.

Theo quy định trên, nhà thầu trúng thầu phải thực hiện bảo đảm thực hiện hợp đồng cho đến khi hoàn thành hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ bảo hành nếu có thỏa thuận giữa các bên.

Thời gian bảo hành của hợp đồng công trình xây dựng được quy định tại Điều 46 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP như sau:

“2. Bảo hành

a) Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Các thỏa thuận của các bên hợp đồng về thời hạn bảo hành, mức bảo đảm bảo hành phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.

b) Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận, nhưng phải ưu tiên áp dụng hình thức bảo lãnh;

c) Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm bảo hành công trình sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.

d) Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng hai mươi mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu; trong khoảng thời gian này, nếu bên nhận thầu không tiến hành bảo hành thì bên giao thầu có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa”.

Theo quy định trên, hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu không thực hiện theo đúng hợp đồng thì có quyền gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Khi đó, bên giao thầu có quyền yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Như vậy, trường hợp đã hết thời gian thực hiện hợp đồng nhưng có áp dụng thời hạn bảo hành thì bảo đảm thực hiện hợp đồng vẫn có hiệu lực. Trường hợp không áp dụng bảo hành hợp đồng xây dựng thì bảo đảm thực hiện hợp đồng chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng.

Trong chương trình Luật sư doanh nghiệp của Kênh truyền hình kinh tế tai chính VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B Law, cùng với các chuyên gia đã trao đổi về chế định Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn. Mời quý vị đón xem: