Bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ?

643

Câu hỏi: Tôi là Hường, ở Hà Nội. Qúy công ty cho tôi hỏi: Bảo lưu quyền sở hữu có phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Bộ luật dân sự năm 2005 mặc dù đã ghi nhận vấn đề bảo lưu quyền sở hữu tại Điều 461, tuy nhiên chỉ được hiểu dưới tư cách là một thỏa thuận trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần. Còn trong Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS), bảo lưu quyền sở hữu còn được ghi nhận với tư cách là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Theo cách hiểu chung nhất, bảo lưu quyền sở hữu được hiểu là quy định bảo đảm quyền lợi của bên bán trong quan hệ hợp đồng mua bán. Theo đó, trong hợp đồng mua bán quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.

Hiện nay, vấn đề bảo lưu quyền sở hữu được ghi nhận tại Điều 331 Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 331. Bảo lưu quyền sở hữu

1. Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.

2. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.

3. Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký”.

Khác với các biện pháp bảo đảm khác như: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, kỹ quỹ, ký cược, bên bảo đảm phải giao cho bên nhận bảo đảm tài sản bảo đảm để bảo đảm nghĩa vụ được thực hiện, còn trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận vật lại là bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

Dưới góc độ pháp lý, có thể xem xét bảo lưu quyền sở hữu dưới các nội dung sau:

Thứ nhất, về quyền sở hữu tài sản:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 331 BLDS năm 2015, khi xác lập quan hệ mua bán, mặc dù các bên đã thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua, bên mua đã nhận vật nhưng quyền sở hữu vật vẫn thuộc về bên bán. Chỉ khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán mới thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Nếu bên mua không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán vẫn có quyền sở hữu tài sản.

Thứ hai, về cơ sở xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu

Bản thân việc “bảo lưu quyền sở hữu” phải được các bên thỏa thuận và và thỏa thuận này phải “được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán”. Nếu không có thỏa thuận việc bảo lưu quyền sở hữu thì sẽ không có biện pháp bảo đảm.

Thứ ba, phạm vi áp dụng biện pháp bảo lưu quyền sở hữu

Theo quy định tại Điều 331 BLDS năm 2015, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu chỉ được áp dụng trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên với việc BLDS đánh đồng trao đổi tài sản với mua bán tài sản nên cũng được áp dụng cho trao đổi tài sản. Cụ thể:  Khoản 4 Điều 455 BLDS năm 2015 quy định:

“mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”.

Thứ tư, về hiệu lực đối kháng với người thứ ba

Bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký tài sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 331 BLDS năm 2015. Trên thực tế, có thể có bên thứ ba có quyền lợi liên quan đến đối tượng của hợp đồng mua bán khi tài sản này đã được chuyển giao cho bên mua. Như vậy, bên bán phải lưu ý để là bên có quyền lợi đối với tài sản bảo đảm thì phải tiến hành đăng ký tài sản bảo đảm là đối tượng của hợp đồng mua bán này.

Thứ năm, về quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản

Điều 333 BLDS năm 2015 quy định bên mua tài sản có quyền

“1. Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.

2. Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Quy định này cho thấy bên mua tài sản là bên bảo đảm trong giao dịch bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu tài sàn. Khi nhận được tài sản mua bán, bên mua tài sản có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực. Nếu việc khai thác, sử dụng tài sản mua bán làm hư hỏng, mất tài sản thì trong trường hợp bên mua không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên mua phải chịu rủi ro trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu. Bên mua phải có nghĩa vụ phải bồi thường các thiệt hại nếu xảy ra thiệt hại đối với tài sản mua bán, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận là bên mua sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với những rủi ro về tài sản mua bán đó.

Thứ sáu, về thời điểm chấm dứt biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu

Biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 334 BLDS 2015, cụ thể:

“1. Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong.

2. Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu.

3. Theo thỏa thuận của các bên”.