Cho vay tiền mà bên vay chết, xảy ra tranh chấp thì giải quyết thế nào?

507

Câu hỏi: Bố tôi cho một người bạn làm ăn vay tiền với số tiền 20 triệu đồng, người này bảo cần gấp nên bố tôi đưa ngay cho và không kịp viết giấy tờ gì cả, lúc đó có sự chứng kiến của chú tôi vì ông qua nhà tôi chơi lúc đó. Người vay tiền của bố tôi mấy ngày sau khi vay tiền thì bị tai nạn giao thông qua đời. Bố tôi đợi đến khi gia đình nhà người ấy nguôi ngoai nỗi đau mất người thân thì nói với họ về số tiền người này vay nhưng gia đình họ lại không nhận và bảo bố tôi và chú tôi sao lại bịa đặt và nhất định không trả tiền cho bố tôi. Bây giờ bố tôi không có giấy tờ gì chứng minh người đó vay tiền. Xin hỏi: Bố tôi phải làm gì để có thể lấy lại số tiền mà bố tôi đã cho vay?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo bạn cung cấp thông tin thì bố của bạn đã cho người bạn làm ăn của mình vay 20 triệu đồng nhưng không có giấy tờ gì cả, tuy nhiên có một người làm chứng là chú của bạn. Đây là một hợp đồng vay tài sản không được lập thành văn bản.

Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng vay tài sản như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác …”.

Tuy nhiên, bố bạn và người này không có thỏa thuận thời hạn trả. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thực hiện hợp đồng vay không thời hạn như sau: “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Trường hợp này, sau khi người này mất thì bạn có quyền yêu cầu gia đình, người thừa kế của người đó để lấy lại số tiền bố bạn đã cho vay.

Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Theo đó, những người thừa kế của người đã vay tiền của bố bạn phải có nghĩa vụ đối với việc trả nợ cho bố bạn.

Người bạn làm ăn do chết đột ngột, cũng không có giấy tờ chứng minh việc vay tiền gì nên gia đình của người này không trả số tiền đó cho bố bạn và nói bố bạn và chú của bạn bịa đặt để lấy tiền của họ. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được nữa thì bạn có thể kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về tranh chấp hợp đồng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Điều 39 về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì bố bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà bên người bố bạn cho vay tiền và người thừa kế của họ cư trú để được giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản. Hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện, Chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ có liên quan.