Để trọng tài giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp của mình thì phải làm gì?

338

Câu hỏi: Công ty chúng tôi và công ty X có kí với nhau hợp đồng buôn bán, giá trị hợp đồng 3 tỷ. Tiền chúng tôi đã giao nhưng hàng hóa chỉ một nửa đúng chất lượng, một nửa là không đúng. Trong hợp đồng, hai bên chỉ đề cập đến giải quyết tranh chấp bằng hòa giải với nhau mà thôi. Nay công ty chúng tôi muốn đưa tranh chấp này ra giải quyết bằng Trọng tài, không biết có được hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước tiên đối với một tranh chấp, hai bên nên tiến hành hòa giải để đạt được thỏa thuận có lợi cho hai bên, tránh mất mối quan hệ làm ăn của nhau.

Nếu hòa giải không thành, công ty bạn muốn dùng phương thức Trọng tài để giải quyết tranh chấp, như vậy bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài là căn cứ làm phát trình tố tụng trọng tài. Như vậy, hai bên cần có một thỏa thuận mà trong đó có yêu cầu dùng Trọng tài để giải quyết vụ tranh chấp. Bản chất của phương thức Trọng tài là không có thỏa thuận trọng tài thì không giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Thỏa thuận trọng tài không nhất thiết phải ghi nhận trong hợp đồng, nó có thể được lập bằng hình thức khác độc lập với hợp đồng. Ngoài ra, thỏa thuận trọng tài còn có thể thỏa thuận sau khi phát sinh vụ tranh chấp.

Thứ hai, thỏa thuận phải phù hợp với quy định pháp luật về hình thức, năng lực ký kết, phạm vi phát sinh tranh chấp, …

Về hình thức: Thỏa thuận trọng tài phải được lập thành văn bản, hoặc các hình thức khác như:

a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Về năng lực ký kết: Các bên tham gia ký kết phải thỏa mãn điều kiện về năng lực chủ thể, thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài…

Về phạm vi phát sinh tranh chấp: Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định:

Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên thì thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu và Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Như vậy, để Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp cho công ty bạn thì trước hết cần có một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, đáp ứng được các điều kiện nêu trên.