Vốn pháp định của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

475

Vốn pháp định của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trước đây quy định “vốn pháp định” của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là mức vốn phải có để thành lập doanh nghiệp được ghi trong điều lệ doanh nghiệp (khoản 19 Điều 2). Theo đó, mọi doanh nghiệp thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài đểu phải đăng ký vốn pháp định và được quy định tại Giấy phép đầu tư.

Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp (điều 170) và Luật Đầu tư (Điều 88), Doanh nghiệp đã được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài trước đây có thể đăng ký lại hoặc không đăng ký lại theo quy định tại Nghị Định 101/2006/NĐ-CP quy định về vốn pháp định ghi tại Giấy phép đầu tư được coi như quy định về vốn điều lệ của doanh nghiệp quy định tại Điều 4 Luật Doanh Nghiệp.

Khác với quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài, luật Doanh nghiệp quy định “vốn pháp định” là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp (khoản 2 Điều 7); theo đó, hồ sơ đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 16, khoản 4 các Điều 17, 18 và 19 quy định “Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối vơi doanh nghiệp kinh doanh nghành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định

Điều kiện về vốn pháp định theo pháp luật hiện hành

Hiện nay, điều kiện về vốn pháp định điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị Định 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 và pháp luật chuyên ngành. Căn cứ để xác định ngành, nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện về vốn pháp định áp dụng theo quy định của Nghị Định 59/2006/ NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện và quy định của luật chuyên ngành.

Đến thời điểm hiện nay, kinh doanh, đầu tư vào một số ngành nghề sau phải có vốn pháp định như:

Theo pháp luật về chứng khoán, các công ty sau phải có đủ vốn pháp định theo quy định của Chính phủ (Điều 62 Luật chứng khoán);

Công ty chứng khoán gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, gồm: quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

Theo pháp luật về kinh doanh dịch vụ bảo hiểm (Nghị định 42, 43/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001), mức vốn pháp định quy định đối với:

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 7 tỷ đồng hoặc 5 triệu USD;

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 140 tỷ đồng hoặc 10 triệu USD;

Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là 4 tỷ đồng hoặc 300 nghìn USD;

Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính (Nghị định 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001);

Kinh doanh bất động sản (Điều 8 Luật kinh doanh bất động sản).

Dịch vụ hàng không, bao gồm:

Kinh doanh cảng hàng không

Cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không

Kinh doanh vận chuyển hàng không

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch theo Luật Du Lịch 2005

Kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế

Dịch vụ lao động, bao gồm:

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động (Nghị định 81/2003/NĐ-CP);

Dịch vụ giới thiệu việc làm (Nghị định 19/2005/NĐ-CP);

Dịch vụ dạy nghề (thành lập trung tâm dạy nghề, thành lập trường trung cấp, cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài);

Hoạt động sản xuất phim;

Thành lập nhà xuất bản;

Sở giao dịch hàng hóa, thành viên môi giới và thành viên kinh doanh của sở giao dịch hàng hóa.