Câu hỏi: Bố mẹ tôi lớn tuổi có lập di chúc chia đất lại cho con cái trong nhà. Nhưng anh tôi hiện định cư nước ngoài (vẫn mang quốc tịch Việt Nam) thì sau khi bố mẹ mất có được phép đứng tên thừa hưởng nhà đất thừa kế không? Nếu được thì cần những giấy tờ gì hợp lệ. Người nhà ở Việt Nam có thể làm hộ giấy tờ sở hữu hay bắt buộc anh tôi phải về nước?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về pháp luật áp dụng như sau:
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Việc anh bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không làm hạn chế quyền được hưởng di sản thừa kế của anh bạn. Sau khi bố mẹ bạn mất, thủ tục khai nhận di sản thừa kế sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là tại Điều 58 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 18 của Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, theo quy định tại Điều 7 Luật nhà ở năm 2014 cũng là một trong các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật nhà ở năm 2014 có quy định về một trong các điều kiện sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thứcmua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi,nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, Điều khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về quyền của người sở hữu nhà ở như sau:
1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:
a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;
b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;
c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai; …
Và Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
Mà một trong các quyền chung của người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 gồm có: “Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Như vậy, anh bạn nếu thuộc trường hợp người Việt Nam định cư tại nước ngoài được ở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ được đứng tên thừa hưởng di sản thừa kế là nhà đất tại Việt Nam.
– Nếu anh bạn vì điều kiện không thể đi lại hai nơi, bạn có thể lựa chọn phương án sau:
Thứ nhất, anh bạn có thể từ nước ngoài, gửi bản sao các giấy tờ tùy thân như và các giấy tờ chứng minh quan hệ cha – con với người để lại di sản để các anh em ở Việt Nam đi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Sau đó chỉ cần đợi đến thời điểm ký văn bản khai nhận di sản thừa kế, anh bạn sẽ về nước và ký vào văn bản đó.
Thứ hai, nếu anh bạn không thể về được, anh bạn có thể gửi bản sao các giấy tờ ở phương án 1 kèm theo văn bản ủy quyền về việc làm thủ tục khai nhận di sản cho người thân ở Việt Nam. Việc ủy quyền phải thực hiện tại Cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) của Việt Nam tại nước nơi anh bạn đang cư trú. Người được ủy quyền sẽ thực hiện nội dung công việc trong phạm vi được anh bạn ủy quyền.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi về Những điểm mới của chế định thừa kế trong Bộ luật dân sự trong chương trình Bạn và pháp luật, kênh VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam. Mời quý vị đón xem đoạn video sau: