Thường xuyên bị làm phiền qua điện thoại thì phải làm sao?

607
nguồn internet

Câu hỏi: Tôi là Đoàn, ở Hà Nội. Cả tháng nay, tôi bị 1 tổ chức tín dụng tên X gọi điện thoại ngày 3 lần sáng từ 8h, chiều 14h, tối 20h. Tôi đã khẳng định tôi không có ký bất cứ gì trong hợp đồng vay của X. Mà là số điện thoại của tôi do bạn tôi đã cung cấp khi vay tiền gì đó. Và tôi cũng đã báo tổng đài và cung cấp số điện thoại mà bên X làm phiền tôi. Nhưng bên X vẫn gọi nữa. Xin hỏi: Tôi cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Như bạn trình bày, bạn đã khẳng định với tổ chức tín dụng X rằng bạn không ký kết hợp đồng vay của X mà chỉ là số điện thoại của bạn cung cấp tham chiếu khi vay tiền. Trường hợp này, có thể hiểu bạn được coi như người tham chiếu – là một trong những người bị đưa vào danh sách tham chiếu mang tính chất như người bảo lãnh.

Theo đúng nguyên tắc, khi xét duyệt hồ sơ cho vay, X phải liên hệ đến các số điện thoại tham chiếu để xác định mối quan hệ với người vay và họ có đồng ý cho phép công ty liên lạc trong trường hợp không liên lạc được với người vay hay không. Nếu không thì X không được truy đòi như vậy. Do đó, trong tình huống này sẽ chia ra hai trường hợp:

Trường hợp 01: Nếu bên X làm đúng nguyên tắc trên, tức là họ đã gọi cho bạn thẩm định mối quan hệ của bạn và người vay, nghĩa là bạn đã biết được việc này và đồng ý cho bên X liên lạc với bạn khi có vấn đề xảy ra. Ở đây, bạn và bên X đã thỏa thuận với nhau, khi đó bạn phải thực hiện như đã thỏa thuận. Do đó, bên X không sai và việc họ gọi điện cho bạn là hoàn toàn hợp pháp.

Căn cứ Điểm đ Khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định công ty tài chính khi áp dụng biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó:

đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng;”

Theo đó, thời gian nhắc nợ phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ – 21 giờ. Xét trường hợp của bạn, bên X gọi 3 lần từ 8h sáng, chiều 14h, tối 20h. Thời gian này vẫn trong khung giờ quy định. Vì vậy, bên X gọi điện cho bạn và trong khoảng thời gian đó là hợp pháp.

Trường hợp 02: Khi xét duyệt hồ sơ cho vay bên X ghi số điện thoại của bạn làm người tham chiếu nhưng không gọi điện xác nhận với bạn, tức là chưa có sự đồng ý của bạn nhận làm người tham chiếu. Do đó, bạn không biết được việc mình được chọn làm người tham chiếu và bạn không có nghĩa vụ nghe điện thoại nhắc nợ của X. Khi đó, bên X có thể bị coi là có hành vi quấy rối người khác bằng điện thoại, có thể bị xử lý hành chính như sau:

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

… …………

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; …”

Trường hợp này, bạn có thể yêu cầu bên X xuất trình các giấy tờ chứng minh bạn tham chiếu cho người vay để làm cơ sở cho doanh nghiệp viễn thông và cơ quan có thẩm quyền. Vì bạn không đứng ra tham chiếu nên những chứng cứ do X đưa ra sẽ không có hiệu lực. Khi đó, bạn có thể yêu cầu bên X ngừng hành vi gọi điện làm phiền.

Nếu họ vẫn tiếp tục, bạn có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.