Tài trợ khủng bố bị xử lý ra sao?

663

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình Quốc hội trong Chương trình Hiểu Đúng – Làm Đúng về hành vi tài trợ khủng bố. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Anh Thắng với anh Trọng từng có thời gian gắn bó khi còn nghèo khó, sau này anh Thắng giàu có đã giúp đỡ anh Trọng rất nhiều về tiền bạc. Tuy nhiên, sau khi anh Trọng bị phát hiện là một thành phần thuộc đội khủng bố, anh Thắng đã rất lo sợ về sự liên đới của mình nên gặp gỡ luật sư xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Điều 300 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về Tội tài trợ khủng bố như sau:

“Điều 300. Tội tài trợ khủng bố

1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Như vậy, tội tài trợ khủng bố bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau đây:

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Tội tài trợ khủng bố chỉ quy định một cấu thành có khung hình phạt từ năm năm đến mười năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

2. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách thể của tội phạm

Cũng tương tự như đối với tội khủng bố, khách thể loại của tội tài trợ khủng bố là an toàn công cộng và trật tự công cộng, còn khách thể trực tiếp có thể là tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố; thông qua những đồng tiền hoặc tài sản mà người phạm tội tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố mà xâm phạm đến an toàn công cộng và trật tự công cộng hoặc gián tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tự do thân thể và tinh thần của cơ quan, tổ chức, cá nhân con người và tài sản.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a) Hành vi khách quan

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

– Huy động tiền hoặc tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

– Huy động là vận động, quyên góp người khác để những người này nộp tiền hoặc tài sản của họ cho mình, rồi chuyển số tiền hoặc tài sản đó cho tổ chức hoặc cá nhân khủng bố.

– Người được huy động có thể là người biết mục đích của người phạm tội, nhưng cũng có thể không biết mục đích của người phạm tội. Nếu người được huy động biết mục đích của người phạm tội là để chuyền tiền hoặc tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố thì tùy trường hợp họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tài trợ khủng bố hoặc tội khủng bố với vai trò đồng phạm.

– Hỗ trợ tiền hoặc tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố

Hỗ trợ tiền hoặc tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố là trường hợp biết có tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi khủng bố bên đã dùng tiền hoặc tài sản của chính mình cung cấp cho tổ chức, cá nhân để những người này thực hiện việc khủng bố.

Nếu một người có tiền hoặc tài sản muốn tài trợ cho tổ chức hoặc cá nhân khủng bố nhưng lại thông qua người khác chứ không trực tiếp chuyển tiền hoặc tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân khủng bố thì là đồng phạm với người phạm tội tài trợ khủng bố.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội tài trợ khủng bố thực hiện các hành vi khách quan là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi cung cấp tiền hoặc tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân là để tổ chức hoặc cá nhân này thực hiện hành vi khủng bố, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là nhằm giúp đỡ cho tổ chức hoặc cá nhân khủng bố để tổ chức hoặc cá nhân này có điều kiện thuân lợi để thực hiện hành vi khủng bố.

Cũng như đối với tội khủng bố, việc xác định mục đích của người phạm tội là khó. Tuy nhiên, căn cứ vào mối quan hệ giữa người phạm tội tài trợ khủng bố với tổ chức hoặc cá nhân khủng bố; mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại hoặc với cơ quan, tổ chức bị xâm phạm để xác định mục đích của người phạm tội.

Xét trong trường hợp này, anh Thắng với anh Trọng từng có thời gian gắn bó khi còn nghèo khó, sau này anh Thắng giàu có đã giúp đỡ anh Trọng rất nhiều về tiền bạc:

  • Nếu anh Thắng biết anh Trọng là một thành phần thuộc đội khủng bố mà anh Thắng vẫn dùng tiền hoặc tài sản của chính mình cung cấp cho anh Trọng để người này thực hiện việc khủng bố thì anh Thắng sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tài trợ khủng bố.
  • Nếu anh Thắng không hề biết anh Trọng là một thành phần thuộc đội khủng bố, vẫn nghĩ là giúp đỡ anh Trọng đơn thuần, đến khi anh Trọng bị phát hiện, anh Thắng mới biết thì anh Thắng sẽ không phải chịu trách nhiệm.