Trong số báo ra ngày 24.11.2014 báo Đời Sống và Hôn Nhân có bài : “Gia đình nạn nhân muốn tất cả những người liên đới có mặt để phiên tòa không bị bế tắc” . Không phải ngẫu nhiên mà gia đình chị Huyền muốn tất cả những người liên đới phải có mặt trong phiên tòa sắp tới đây đặc biệt là với chị Lê Thị Thúy Mai – Phó giám đốc thẩm mĩ viện Cát Tường, người vắng mặt trong phiên tòa trước đó. Bởi theo nhìn nhận của gia đình chị Huyền, việc chị Mai là Phó giám đốc, lại tham gia vào việc phi tang chứng cứ mà chỉ bị tòa phạt hành chính là không thỏa đáng. “Cô Mai là phó giám đốc, là người trực tiếp phi tang, thủ tiêu chứng cứ, phân công người này vứt cái này, người kia giấu cái nọ. Nhưng lại chỉ bị xử phạt hành chính mà không cấu thành tội không tố giác tội phạm. Tôi không hiểu tại sao lại có quy định như vậy, hay tại tôi chưa tìm hiểu kĩ luật nên không biết” – Bà Hiền bức xúc. Để có cái nhìn chính xác, khách quan nhất về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch đoàn luật sư công ty luật SB Law Hà Nội.
Lê Thị Thúy Mai đã làm gì để giúp Tường xóa dấu ?
Để khách quan hơn trong việc phản ánh thông tin tới bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến nhà riêng của bà Lê Thị Thúy Mai tại phường Vĩnh Tuy, tuy nhiên chỉ có chồng và con trai bà Mai ở nhà. Theo bản cáo trạng mới nhất cho đến nay, được công bố vào ngày 15/10 vừa qua, Lê Thị Thúy Mai là Phó Giám đốc thẩm mĩ Cát Tường. Theo trang 2 cáo trạng số 490/ VKS P1A do Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội lập ngày 15/10 “Lê Thị Thúy Mai ( sinh năm 19…) chỗ ở…..Hà Nội, làm Phó giám đốc, chịu trách nhiệm quản lí, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn và quảng cáo”. Sau khi gọi đồng nghiệp làm cùng khoa là bác sĩ Nguyễn Quang Thành đến cấp cứu cho chị Huyền nhưng không thành khiến chị Huyền tử vong, Tường bảo các nhân viên thay quần áo cho chị Huyền và báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng biết. Cũng tại trang 2 của cáo trạng có ghi “Đồng thời, Tường và Mai bảo các nhân viên là Ngô Hà Ly, Lê Huy Anh,Phạm Minh Trâm, Lê Văn Công, Nguyễn Phương Long, Nguyễn Thị Hạnh, Hà Lan Anh, Vũ Thị Kim Cúc, Lê Thị Ánh Tuyết, Lê Văn Chiêm và Đào Quang Khánh tháo dỡ thu dọn đồ gồm : máy vi tính, máy ảnh, camera, sổ sách, dụng cụ y tế và các loại thuốc mang về chỗ ở của Mai tại….”.
Cũng theo như cáo trạng số 490/ VKS P1A, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã thu giữ tại nhà của Mai : “2 máy tính xách tay, 1 máy hiệu Asus, 1 máy hiệu HP” Ngoài ra công an còn thu giữ của Lê Xuân Chiêm – em trai Mai : “1 máy ảnh hiệu Canon EOS600D màu đen (trong máy có 2 hình của Lê Thị Thanh Huyền trước khi phẫu thuật thẩm mĩ) và 1 máy tính hiệu Asus màu trắng)” – trích trang 6.
“Đến khoảng 21h cùng ngày (19/10/2013) Tường, Mai, Khánh, Thành, Công và Hằng ngồi tại tầng 2 thẩm mĩ viện Cát Tường bàn nhau và thống nhất đưa xác chị Huyền đến bệnh viện Bưu Điện rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác. Sau đó, Tường, Mai, Hằng, Thành và một số nhân viên sang quán cà phê Mộc phía bên kia đường ngồi uống nước”. Đến khoảng 23h30, như kế hoạch đã bàn, “Mai đi xe máy Lead, BKS 29L1 – 14581 ( xe của Hằng) đi theo xe ô tô của Tường” . “Khi đến cổng bệnh viện Bưu Điện, Mai và Công đi xe máy của Hằng về trước” – trích trang 4. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch thay đổi nên Tường và Khánh ném xác chị Huyền xuống sông Hồng nhằm phi tang. Sau đó Tường lái xe chở Hằng và Khánh về đến cổng viện Bạch Mai thì gặp Mai đang chờ để trả xe cho Hằng.
Sang ngày hôm sau (20/10/2013), do sợ bị lộ nên “Tường và Mai bảo Long, Tuyết, Lan Anh và Châm mang máy tính đến nhà chị Nhung ở ngõ Quan Thổ 1, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội tháo ổ cứng máy vi tính của thẩm mĩ viện Cát Tường” – trích trang 5.
Sau khi xem xét những hành vi trên của Lê Thị Thúy Mai cùng với một số những yếu tố khác, Viện kiểm sát nhân dân ( VKSND) thành phố Hà Nội kết luận như sau : “Đối với Lê Thị Thúy Mai làm nhiệm vụ quản lí, kinh doanh, chăm sóc, tư vấn và quảng cáo (và một số nhân viên khác) biết việc Nguyễn Mạnh Tường đã thực hiện việc hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền tại thẩm mĩ viện Cát Tường gây hậu quả chị Huyền bị tử vong nhưng các đối tượng này không tố cáo với cơ quan chức năng, tuy nhiên hành vi trên của các đối tượng này không cấu thành tội, Cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính là có căn cứ”.Tuy nhiên, gia đình chị Huyền và một số người dân cho rằng Lê Thị Thúy Mai chỉ bị xử phạt hành chính là chưa thỏa đáng.
Luật sư nói gì ?
Để có cái nhìn chính xác, khách quan nhất về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch đoàn luật sư công ty luật SB Law Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Sau khi nghiên cứu bản cáo trạng số 490/ VKS P1A của VKSND thành phố Hà Nội, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định “Việc chị Lê Thị Thúy Mai chỉ bị xử phạt hành chính là đúng người đúng tội”.
Theo lập luận của Luật sư Hà : “Xét về chức vụ bà Mai là Phó giám đốc thẩm mĩ Cát Tường, tham gia vào việc quản lí, kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tư vấn và quảng cáo. Bà Mai tham gia vào việc điều hành thẩm mĩ viện Cát Tường, tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh Nghiệp và một số quy định của pháp luật hiện hành, Giám đốc doanh nghiệp mới là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động kinh doanh của mình, mà cụ thể ở thẩm mĩ Cát Tường là Giám đốc Vũ Mạnh Tường. Vì thế, bà Mai không phải là người đại diện pháp luật cho thẩm mĩ Cát Tường. Vì vậy, không thể căn cứ vào vai trò là Phó giám đốc để tăng nặng tội của bà Mai”. Vì vậy, trước pháp luật, bà Mai và các nhân viên khác liên quan của thẩm mĩ Cát Tường đều được xét xử bình đẳng như nhau.
Khi áp dụng hình thức xử phạt hình sự hay hành chính đối với 1 người phạm tội, cơ quan chức năng sẽ xem xét về mức độ hành vi của từng người; ý chí chủ quan, ý chí khách quan hành vi phạm tội của chủ thể. Từ đó, cơ quan chức năng mới quyết định xử phạt hành chính hay hình sự. Vì vậy, Luật sư Hà đưa ra nhận định : “Trong vụ án thẩm mĩ Cát Tường, tôi thấy cơ quan chức năng đã cân nhắc kĩ trước khi khép tội. Bởi xét cho cùng, bà Mai cũng như những nhân viên khác đều thực hiện hành vi phạm tội của mình theo sự chỉ đạo của bác sĩ Tường. Ngoài ra, Bà Mai không trực tiếp tham gia vào quá trình phẫu thuật, mà chỉ phụ trách trong lĩnh vực kinh doanh, quản lí hành chính, nhân sự vì thế trong trường hợp này, bà Mai không trực tiếp gây ra cái chết chị Huyền.”
Sau khi chị Huyền tử vong, bà Mai có giúp bác sĩ Tường trong việc thu dọn đồ đạc, vật chứng để phi tang. Theo cáo trạng, bà Mai và 1 số nhân viên khác cùng vợ chồng bác sĩ Tường ngồi bàn bạc sẽ xử lí xác chị Huyền như thế nào. Sau đó, đi đến thống nhất như cáo trạng đã nêu : “Đến khoảng 21h cùng ngày (19/10/2013) Tường, Mai, Khánh, Thành, Công và Hằng ngồi tại tầng 2 thẩm mĩ viện Cát Tường bàn nhau và thống nhất đưa xác chị Huyền đến bệnh viện Bưu Điện rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác”.
Như vậy, sau này khi bác sĩ Tường cùng Khánh mang xác chị Huyền đi phi tang thì bản thân bà Mai không biết được rằng bác sĩ Tường đột ngột “thay đổi kế hoạch”. Luật sư Hà lập luận : “Ý chí chủ quan của bà Mai chỉ biết rằng bác sĩ Tường sẽ mang xác chị Huyền đến bệnh viện E rồi gọi người nhà chị Huyền đến nhận xác, vì theo như cáo trạng, khi đến cổng bệnh viện, bà Mai cùng Công đi xe của Hằng (vợ Tường) về trước. Còn việc sau này bác sĩ Tường thay đổi kế hoạch do viện E quá đông người nên quyết định mang xác chị Huyền đi phi tang thì bà Mai hoàn toàn không biết gì hết”.
Luật sư Hà khẳng định : “Hành vi che giấu tang vật, nhằm xóa dấu vết của bà Mai có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm…”
Khi phóng viên hỏi : “Vậy liệu những hành vi che giấu tang vật vụ án, nhằm xóa dấu vết gây khó khăn cho cơ quan điều tra của bà Mai có thể bị truy cứu về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm hay không ?”. Luật sư Hà khẳng định : “Hành vi che giấu tang vật, nhằm xóa dấu vết của bà Mai có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm, tuy nhiên cơ quan chức năng sẽ xét thêm nhiều yếu tố khác như tâm lí, ý chí chủ quan, khách quan, mà điều quan trọng nhất là hành vi đó có gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội đến mức độ nào, để kết luận mức xử lí. Trường hợp những hành vi của bà Mai là có tội, bởi trên thực tế bà Mai cũng đã bị VKSND xử phạt hành chính. Nhưng hành vi che giấu tang vật vụ án của bà Mai, chỉ gây ra hậu quả “gây khó khăn cho cơ quan điều tra”, ngoài ra xét các yếu tố như bà Mai chỉ là người làm công cho bác sĩ Tường, có quan hệ bạn bè với bác sĩ Tường…nên bà Mai không bị cơ quan chức năng quy vào tội che giấu tội phạm hay không tố giác tội phạm, theo tôi là thỏa đáng”.
Luật sư Hà cũng khẳng định, trong nhiều vụ án khác nhau, việc người phạm tội cùng thực hiện một hành vi, nhưng mức độ hậu quả khác nhau thì cũng sẽ phải chịu những mức phạt khác nhau. Đầu tiên, xét thấy có lỗi, có hành vi phạm tội xảy ra, mối liên hệ giữa lỗi và hành vi phạm tội, có hậu quả, đấy là 4 yếu tố để xét một hành vi phạm tội. Ngoài ra còn nhiều yếu tố bổ sung như thân nhân người phạm tội, tâm lí tội phạm…đấy là những căn cứ cuối cùng để kết luận tội .
Như vậy, theo cáo trạng số 490 VKS/P1A của VKSND thành phố Hà Nội ngày 15/10/2014 cho rằng: “ Cơ quan điều tra chỉ xử phạt hành chính đối với bà Lê Thị Thúy Mai là có căn cứ” là thỏa đáng, đúng người đúng tội./.
Box : Trong luật Doanh nghiệp, ngoài một số vị trí bắt buộc phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn như : Kĩ sư thiết kế, bác sĩ, dược sĩ….vv, thì những người phụ trách kinh doanh, quảng cáo pháp luật không yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn. Việc bà Mai làm Phó giám đốc thẩm mĩ Cát Tường mà không có kiến thức chuyên môn, bằng cấp chuyên môn cũng không sai luật. Bởi bà Mai chỉ quản lí lĩnh vực hành chính, nhân sự, kinh doanh, mà không tham gia vào các công việc phẫu thuật, pha chế thuốc hay thực hiện các thủ thuật liên quan đến y tế tại thẩm mĩ.
Chú thích ảnh :
Luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch đoàn luật sư công ty luật SB Law
4.5/12 sắp tới, phiên tòa xét xử vụ án thẩm mĩ Cát Tường sẽ mở