Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam bằng những hình thức nào?

478

Hiện nay, Nhà nước Việt Nam rất khuyến khích và tạo điều kiện cho những người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Luật Đầu tư ban hành 29/11/2005 quy định rất đa dạng về những hình thức người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam theo một trong các hình thức sau:

1. Các hình thức đầu tư trực tiếp được quy định tại Điều 22, Luật Đầu tư bao gồm:

1.1. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn nhà đầu tư nước ngoài

–  Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư theo hình thức 100% vốn để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

–    Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam được hợp tác với nhau và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài mới.

–  Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

1.2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài

–   Nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

–    Doanh nghiệp thành lập theo quy định tại Mục 3.1 được liên doanh với nhà đầu tư trong nước và với nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

–  Doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo hình thức liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1.3. Đầu tư theo hình thức Hợp đồng BBC, hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT

– Hợp đồng BCC trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và một số tài nguyên khác dưới hình thức hợp đồng phân chia sản phẩm được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

–  Nhà đầu tư ký kết hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các dự án xây dựng mới, mở rộng, hiện đại hóa và vận hành các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực giao thông, sản xuất và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.

–  Chính phủ quy định lĩnh vực đầu tư, điều kiện, trình tự, thủ tục và phương thức thực hiện dự án đầu tư; quyền và nghĩa vụ của các bên thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT.

1.4. Đầu tư phát triển kinh doanh

– Mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh;

– Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

1.5. Mua cổ phần, góp vốn và sáp nhập, mua lại

–  Nhà đầu tư được góp vốn, mua cổ phần của các công ty, chi nhánh tại Việt Nam.

– Nhà đầu tư được quyền sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh.

2. Các hình thức đầu tư gián tiếp vào Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật Đầu tư bao gồm:

– Mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các loại giấy tờ có giá khác

– Thông qua quỹ đầu tư chứng khoán

– Thông qua các định chế tài chính trung gian khác.

Đầu tư thông qua mua, bán cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác của tổ chức, cá nhân và thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp theo quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.