Nghị định 08/2023 – Điểm mới về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

651

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5.3.2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao
dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu
doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phóng vấn trao đổi  cụ thể là về những điểm mới quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.. Dưới đây là nội dung chi tiết: 

 

Câu hỏi 1: Thưa ông, ông có đánh giá tổng quan như nào về Nghị định sửa đổi lần này?

Trả lời:

Ngày 05/03/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP gần như tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành trước đây gây ra một số khó khăn thực tế cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu, đánh vào những vấn đề nóng và nhức nhối nhất, mở đường cho các Doanh nghiệp trong nước có cơ hội phục hồi sau những “sóng gió” vừa qua. Nghị định sửa đổi và bổ sung mới sẽ tránh cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sự sụp đổ ngắn hạn, bao gồm việc giảm lượng cung trái, kéo dài thời gian trả nợ và tăng lượng cầu mua trái phiếu. Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc “gỡ rối” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta cùng hy vọng các doanh nghiệp có thể tận dụng chính sách này và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Câu hỏi 2: Trong Nghị định 08 đã chốt quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Nhiều người cho rằng điều này có tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp cữ nghĩ phát hành, không bán được thì sẽ chuyển đổi sang tài sản khác. Quan điểm của ông lời điểm tích cực và tiêu cực của quy định này là gì?

Trả lời:

Việc quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác chỉ là giải pháp tạm thời để “cứu nguy” chp doanh nghiệp hiện nay. Chúng ta có thể thấy việc quy định như vậy ngoài những hiệu quả tích cực thì luôn có những tiêu cực kèm theo.

Về những hiệu qủa  tích cực: Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm: “Thanh toán đầy đủ,đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu”. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định này như sau: Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định này, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến
hạn bằng tài sản khác theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.

Thứ hai, phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Thứ ba, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nhà nước quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác nhưng sẽ có điều kiện kiểm soát kèm theo là phải tuân theo quy định của pháp luậtdân sự và pháp luật có liên quan và đặc biệt phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Ta thấy ở đây vấn đề vẫn là đề cao việc thoả thuận giữa doanh nghiệp và các “trái chủ”, nếu những nhà đầu tư này không đồng ý thì phía Doanh nghiệp vẫn buộc phải thanh toán theo thoả thuận trước đó. Từ việc quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác sẽ giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể được giảm
áp lực trả nợ, giảm lượng cung trái phiếu trên thị trường và qua đó có thể giảm được xác
suất việc bán tháo trái phiếu doanh nghiệp.

 

Tiêu cực: Ngoài việc giúp cho Doanh nghiệp nới lỏng thời gian trả nợ thì quy định về có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác cũng tiềm ẩn những rủi ro cho những trái chủ vì bởi lẽ việc thanh toán bằng tài sản khác này cần được quy định minh bạch và rõ ràng hơn đối với từng loại trái phiếu, và cũng cần quy định rõ về thời gian trả, hình thức quy đổi từ trái phiếu sang tài sản… có như vậy thì mới có thể thực thi trên thực tế. Còn về những lo lắng điều này tạo tiền lệ xấu khi doanh nghiệp cữ nghĩ phát hành, không bán được thì sẽ chuyển đổi sang tài sản khác là không đáng ngại, bởi lẽ Chúng ta thấy, với doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc, giai đoạn này họ gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền, không phải là doanh nghiệp không có tiền hay làm điều sai trái. Cùng lúc họ bị khó khăn không xoay được tiền, nếu siết bắt doanh nghiệp trả bằng được, doanh nghiệp có thể đi đến phá sản do không đáp ứng tiêu chí thanh toán trái phiếu. Đây là yếu tố then chốt giãn nợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu và Doanh nghiệp cũng không mong muốn vấn đề này. Còn nếu doanh nghiệp cữ nghĩ phát hành, không bán được thì sẽ chuyển đổi sang tài sản khác là không khả thi bởi lẽ nếu làm vậy doanh nghiệp sẽ rất khó
có được sự chấp thuận từ phía các trái chủ.

 

Câu hỏi 3: Với quy định nhà phát hành được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm liệu có đủ để họ tái cơ cấu và bố trí đủ nguồn tiền? Quyết định này sẽ tác động như nào đến áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm nay và năm sau?

Trả lời:

Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/09/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Quy định trên đã được Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này.

Thứ hai, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Thứ ba, đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).

Các doanh nghiệp có thể gia hạn thời gian thanh toán lãi, gốc trái phiếu thêm 2 năm. Trái phiếu đến hạn trong năm 2023 vào khoảng 53.000 tỷ, trong đó 6 tháng đầu năm khoảng 30.000 tỷ. Như vậy, nếu gặp khó khăn về dòng tiền doanh nghiệp có thể thương lượng với trái chủ gia hạn thêm 2 năm, có thời gian thu xếp dần nguồn tiền trả cho trái chủ. Tôi cho rằng việc doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trả nợ trái phiếu hay nói cách khác là giãn nợ là hợp lý ở bối cảnh hiện tại giúp cho các doanh nghiệp tránh được sự sụp đổ nhất thời ở mảng trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên nếu doanh nghiệp không hoạt động tốt thì khó có thể khôi phục niềm tin và trả nợ được bởi lẽ thời gian 2 năm không quá dài và không quá nhiều điều đó đòi hỏi Doanh nghiệp phải hết sức tập trung vào các phương án kinh doanh sao cho hiệu quả nhất nếu không sang các năm tiếp theo thì áp lực trả nợ trái phiếu lại tiếp tục diễn ra.