Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm

561

 Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017. So với Bộ luật Dân sự 2005 thì Bộ luật Dân sự 2015  có một số nội dung thay đổi về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản là hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới ; phân biệt rạch ròi giữa biện pháp bảo đảm mang tính chất đối nhân (bao gồm bảo lãnh và tín chấp) và biện pháp bảo đảm mang tính chất đối vật (mà điển hình là biện pháp thế chấp tài sản và cầm cố tài sản); hoàn thiện cơ chế làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm…

Để thực thi một cách hiệu quả và nhất quán các quy định của Bộ luật Dân sự mới về các giao dịch đảm bảo cần có các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định mới này. Chính vì vậy Bộ tư pháp đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp  và xây dựng Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm.

Bản dự thảo này gồm 5 Chương và 77 điều hướng dẫn chi tiết các biện pháp thi hành những quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về giao dịch đảm bảo.

Một trong những điểm mới của Dự thảo là dự thảo đã phân biệt rạch ròi hai phương thức làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm đó là  1) nắm giữ (hoặc chiếm giữ) tài sản bảo đảm và (2) đăng ký biện pháp bảo đảm. Dự thảo cũng phân biệt rõ thời điểm  điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Cụ thể là 1. Biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ thực tế tài sản bảo đảm hoặc kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản trong trường hợp cầm giữ tài sản. 2. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Để tạo thuận lợi cho việc áp dụng quy định mới của  Bộ luật dân sự năm 2015 về bảo lưu quyền sở hữu như một biện pháp bảo đảm mới được bổ sung, dự thảo Nghị định làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của bên mua trong quan hệ bảo lưu quyền sở hữu. Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định về quyền của bên mua trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, theo đó “bên mua được quyền sử dụng, khai thác tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung, trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, “Bên mua tài sản không được bán tài sản, cho thuê tài sản hoặc dùng tài sản đã mua để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu”.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tài sản  thế chấp là quyền sử dụng đất trong trường hợp hợp đồng thế chấp đã được đăng ký trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo đó nếu có thỏa thuận về việc  bên nhận thế chấp được nhận tiền bồi thường hoặc các lợi ích phát sinh liên quan đến tài sản thế chấp trong thời gian hợp đồng thế chấp có hiệu lực thì số tiền bồi thường do thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất được chi trả cho bên nhận thế chấp. Nếu số tiền bồi thường lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận thế chấp phải trả số tiền còn lại cho bên thế chấp. Nếu số tiền bồi thường không đủ thanh toánh giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì bên có nghĩa vụ được bảo đảm có trách nhiệm thanh toán số tiền còn thiếu cho bên nhận thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.