Thẩm quyền của Tòa án trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến quyền SHCN

Thẩm quyền của tòa án liên quan đến quyền SHCN được thể hiện tại cả ba lĩnh vực dân sự, hành chính và hình sự.  Tuy nhiên, các vụ kiện chủ yếu được giải quyết tại tòa án dân sự, hành chính. Rất ít các vụ án hình sự liên quan đến quyền SHCN được đưa ra xét xử.

Toà án có vai trò xét xử các vụ kiện liên quan đến sở hữu công nghiệp như sau:

– Toà dân sự: Xét xử các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp (khoản 2 Điều 29 và một số quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự).

– Toà hành chính: Xét xử các vụ kiện hành chính liên quan đến quyết định hành chính trong việc xác lập, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ quyền; quyết định xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

– Tòa hình sự: Xét xử các vụ án liên quan đến Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với quy mô thương mại (Điều 170a); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại (Điều 171); Các tội về sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156, Điều 157, Điều 158).

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Bộ luật hình sự

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là nhóm tội được hình sự hóa kể từ năm 2009. Theo Điều 170a Bộ luật hình sự, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi dưới đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì sẽ bị xử lý hình sự (Trường hợp vi phạm chưa thuộc phạm vi “quy mô thương mại” thì áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính để xử lý. Tuy nhiên, khái niệm “quy mô thương mại” hiện giờ vẫn chưa được làm rõ). Những hành vi vi phạm đó là:

– Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

– Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Người phạm tội sẽ chịu các hình phạt sau:

– Bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm;

– Phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội phạm về quyền sở hữu công nghiệp theo Bộ luật hình sự

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp dân sự và hành chính, còn biện pháp hình sự chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp. Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hình sự hóa các tội phạm liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đối với 2 nhóm tội: tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền SHCN (Điều 170); tội xâm phạm quyền SHCN (Điều 171).

a. Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Điều 170 quy định việc xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng bảo hộ mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Người phạm tội bị xử lý như sau: Cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

b. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Điều 171 Bộ luật Hình sự quy định chỉ xử lý hình sự đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại (Trường hợp vi phạm chưa thuộc phạm vi “quy mô thương mại” thì áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính để xử lý. Tuy nhiên, khái niệm “quy mô thương mại” hiện giờ vẫn chưa được làm rõ).

Các hành vi phạm tội xâm phạm quyền SHCN đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác (ngoài nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) đã được phi hình sự hoá để xử lý bằng các biện pháp khác.

Người phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bị xử lý như sau: Bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm; Bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với trường hợp phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 qui định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã liệt kê 32 nhóm hành vi được coi là vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hành vi này bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt cụ thể và biện pháp khắc phục hậu quả đối với mỗi hành vi tương ứng.

Các nhóm hành vi vi phạm đó là:

  1. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký
  2. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
  3. Hành vi vi phạm quy định về giám định quyền tác giả, quyền liên quan
  4. Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức tư vấn, dịch vụ
  5. Hành vi vận chuyển, tàng trữ hàng hóa sao chép lậu
  6. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm
  7. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
  8. Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
  9. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh
  10. Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng
  11. Hành vi xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính
  12. Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
  13. Hành vi xâm phạm quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm
  14. Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
  15. Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
  16. Hành vi giả mạo chữ ký của tác giả trên tác phẩm
  17. Hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả
  18. Hành vi xâm phạm quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn
  19. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn
  20. Hành vi xâm phạm quyền định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của người biểu diễn
  21. Hành vi xâm phạm quyền sao chép cuộc biểu diễn
  22. Hành vi xâm phạm quyền phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình
  23. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn
  24. Hành vi xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình
  25. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình
  26. Hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại
  27. Hành vi xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng
  28. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng
  29. Hành vi xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng
  30. Hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng
  31. Hành vi trích ghép bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng
  32. Hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền liên quan

Tìm hiểu vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Theo Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 03 nhóm hành vi. Cụ thể như sau:

1. Chỉ dẫn sai về đối tượng, yếu tố được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

2. Chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

a. Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý:

Là việc sử dụng thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó tuy đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ, ví dụ:

– In trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ như: “nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu đã được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của… ”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ ® (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu);

– In trên sản phẩm, bao bì sản phẩm chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc sản phẩm được bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp”, “sản phẩm được bảo hộ độc quyền sáng chế”, “sản phẩm được sản xuất từ quy trình được bảo hộ sáng chế của…”, kể cả việc sử dụng ký hiệu chữ “P” hoặc “Patent” cùng các chữ số (chỉ dẫn về việc sản phẩm được cấp Patent – Bằng độc quyền sáng chế).

b. Hành vi chỉ dẫn sai về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:

 Là hành vi chỉ dẫn không đúng về phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nằm ngoài phạm vi bảo hộ của văn bằng.

3. Hành vi chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên sản phẩm hàng chữ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự như vậy, bất kể bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài, nhưng trong thực tế chưa được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên sản phẩm, phương tiện dịch vụ tương ứng chỉ dẫn về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan nếu sản phẩm, dịch vụ được thực hiện theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và việc ghi chỉ dẫn đó là bắt buộc theo quy định pháp luật.

Vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp

Vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp là một trong những nhóm hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định này, việc vi phạm này bao gồm 17 hành vi cụ thể. Mức phạt tiền cũng được quy định rõ ràng đối với mỗi hành vi tương ứng. Đó là các hành vi sau:

1. Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp khi có thay đổi về tên, địa chỉ, tư cách pháp lý của đại diện sở hữu công nghiệp, thay đổi liên quan đến bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đại diện sở hữu công nghiệp;

2. Không thông báo hoặc thông báo không trung thực các khoản, các mức phí và lệ phí dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

3. Không thực hiện thủ tục xóa tên trong Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp khi chấm dứt hoạt động ở tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp;

4. Không làm lại thủ tục ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về đại diện sở hữu công nghiệp khi hoạt động ở tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp khác.

5. Đồng thời là đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;

6. Rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ bảo hộ, rút đơn khiếu nại hoặc thực hiện các hành vi khác trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp mà không được phép của bên ủy quyền đại diện;

7. Không thông báo, cung cấp nội dung yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp cho bên ủy quyền đại diện;

8. Không giao văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp, giấy chứng nhận và các quyết định khác cho bên ủy quyền đại diện trong thời hạn do pháp luật quy định mà không có lý do chính đáng;

9. Không thực hiện và không trả lời nội dung yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp mà không có lý do chính đáng;

10. Sửa chữa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;

11. Cố ý tư vấn, thông báo sai về các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp, thông tin hoạt động sở hữu công nghiệp;

12. Cố ý cản trở việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người có quyền và lợi ích liên quan;

13. Từ bỏ hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi chưa tiến hành chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.

14. Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật;

15. Giả mạo giấy tờ, tài liệu hoặc cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

16. Tiết lộ thông tin chưa được phép công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quá trình tiếp nhận, thẩm định, xử lý các loại đơn đăng ký, khiếu nại, yêu cầu xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp;

17. Có sai phạm nghiêm trọng trong khi hành nghề đại diện làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc xã hội.

Thế nào là “nhập khẩu song song” trong sở hữu công nghiệp?

Thế nào là “nhập khẩu song song” trong sở hữu công nghiệp?

Khoản 2 Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP đề cập đến khái niệm “nhập khẩu song song”. Vậy “nhập khẩu song song” trong sở hữu công nghiệp được hiểu như thế nào?

Theo Thông tư số 37/2011/TT-BKHCN, “nhập khẩu song song” là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Một số ví dụ về hành vi nhập khẩu song song:

– Công ty A là chủ Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm X đang được bảo hộ tại Việt Nam. Công ty A ủy quyền cho đại lý của mình là Công ty B tại Việt Nam được phép nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm X tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm X do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A và Công ty B.

– Công ty A là chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp Y đang được bảo hộ cho kiểu dáng sản phẩm G tại Việt Nam. Công ty A cấp li-xăng cho Công ty B để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại Việt Nam, đồng thời cấp li-xăng cho Công ty C để sản xuất sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y tại nước khác. Công ty D mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm G mang kiểu dáng công nghiệp Y do Công ty C sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A, Công ty B và Công ty C.

– Công ty A là chủ nhãn hiệu Z được bảo hộ cho sản phẩm T tại nước ngoài. Công ty A thành lập chi nhánh là Công ty B tại Việt Nam và đồng ý cho Công ty B nộp đơn đăng ký và đứng tên chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Z cho sản phẩm T tại Việt Nam. Công ty C mua và nhập khẩu vào Việt Nam sản phẩm T mang nhãn hiệu Z do Công ty A sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài, mặc dù không được sự đồng ý của Công ty A và Công ty B.

Những lưu ý khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Việc nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cần phải tuân thủ các yêu cầu về hình thức (Đơn, giấy tờ chứng minh). Ngoài ra, đơn yêu cầu cần chú ý các vấn đề sau:

1. Về đối tượng yêu cầu xử lý vi phạm

Trong một đơn yêu cầu xử lý vi phạm, chủ thể quyền có thể yêu cầu xử lý:

– Một hoặc nhiều hành vi vi phạm liên quan đến một hoặc nhiều đối tượng sở hữu công nghiệp do cùng một tổ chức, cá nhân thực hiện;

– Một hoặc nhiều hành vi vi phạm liên quan đến một đối tượng sở hữu công nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện;

– Trường hợp chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu xử lý một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm ở cùng một địa phương thì chủ thể quyền chỉ cần nộp một đơn yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý tại địa phương đó;

– Trường hợp chủ thể quyền nộp đơn yêu cầu xử lý một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm ở các địa phương khác nhau thì chủ thể quyền có thể nộp đơn yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền xử lý ở từng địa phương hoặc nộp một đơn cho cơ quan trung ương có thẩm quyền xử lý đối với hành vi vi phạm tại các địa phương đó.

2. Chủ thể có thẩm quyền xử lý  

Trường hợp nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền xử lý một hành vi vi phạm thì chủ thể quyền có thể lựa chọn một trong số các cơ quan đó để nộp đơn yêu cầu xử lý.

Ví dụ: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý cạnh tranh đều có thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Chủ thể quyền có thể lựa chọn để nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền bằng biện pháp hành chính theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP tại một trong ba cơ quan nêu trên.

Hồ sơ yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Khi muốn yêu cầu xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các đối tượng có quyền yêu cầu xử lý vi phạm cần gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm và các chứng cứ, thông tin xác định vi phạm (nếu có) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Về Đơn yêu cầu xử lý vi phạm

Đơn yêu cầu cần đáp ứng các yêu cầu sau:

Nêu rõ ngày làm đơn, tên cơ quan nhận đơn hoặc các cơ quan nhận đơn, thông tin về tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm; người đại diện hợp pháp hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền; đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan; hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm; tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; biện pháp yêu cầu xử lý; chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền, dấu xác nhận chữ ký, nếu có; nếu trước đó đơn đã được gửi cho cơ quan khác thì phải ghi rõ tên cơ quan và ngày gửi đơn trước đó.

Đơn yêu cầu xử lý vi phạm phải kèm theo tài liệu chứng minh quyền yêu cầu xử lý vi phạm; tài liệu mô tả hoặc ảnh chụp hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm; địa điểm nơi có hành vi hoặc hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

+ Về chứng cứ, thông tin xác định vi phạm

– Bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chứng chỉ và các tài liệu khác được coi là hợp lệ nếu chủ thể quyền xuất trình bản gốc để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan cấp bản gốc. Cán bộ nhận hồ sơ ký xác nhận vào bản sao đã được đối chiếu với bản gốc và không cần có xác nhận của cơ quan công chứng hoặc cơ quan cấp các giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ đó.

– Bản giải trình của chủ thể quyền (về doanh thu, uy tín, quảng cáo, bằng chứng sử dụng rộng rãi, bản sao các giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ tại các nước khác) cung cấp cho cơ quan xử lý vi phạm được coi là hợp lệ nếu có cam kết chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung, thông tin của bản giải trình và chữ ký xác nhận và đóng dấu (nếu có) của chủ thể quyền hoặc người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền. Nếu bản giải trình có nhiều trang thì chủ thể quyền phải ký nháy vào từng trang hoặc đóng dấu giáp lai vào các trang (nếu có).

– Các tài liệu, mẫu vật, chứng cứ khác để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm và hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

Người yêu cầu xử lý vi phạm có thể thực hiện dịch vụ yêu cầu giám định sở hữu công nghiệp, yêu cầu cơ quan nhà nước về sở hữu công nghiệp cung cấp ý kiến chuyên môn về xác định phạm vi bảo hộ và yếu tố vi phạm, chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi xâm phạm hoặc làm rõ các tình tiết của vụ việc.

Quyền yêu cầu xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Khi phát hiện vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, những đối tượng sau có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:

1. Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp:

– Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;

– Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi vi phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý vi phạm.

Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp nếu không trực tiếp nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm thì có thể ủy quyền cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý của mình hoặc đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam tiến hành thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm. Việc ủy quyền phải được làm bằng văn bản dưới hình thức giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.

2. Tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra có quyền thông báo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục xác minh, xử phạt vi phạm.

Xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Việc cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp sẽ phải đồng thời chịu hình thức xử phạt tiền (mức phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm), hình thức xử phạt bổ sung, và phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

* Thứ nhất, về hình thức xử phạt tiền

1. Đối với các hành vi

– Bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

– Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi nêu trên.

Mức xử phạt được quy định cụ thể như sau:

Giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm

từ… đến… (VNĐ)

Phạt tiền từ… đến… (VNĐ)

≤3.000.000 500.000 – 2.000.000 (hoặc phạt cảnh cáo)
>3.000.000 – 5.000.000 2.000.000 – 4.000.000
>5.000.000 – 10.000.000 4.000.000 – 8.000.000
>10.000.000 – 20.000.000 8.000.000 – 15.000.000
>20.000.000 – 40.000.000 15.000.000 – 25.000.000
>40.000.000 – 70.000.000 25.000.000 – 40.000.000
>70.000.000 – 100.000.000 40.000.000 – 60.000.000
>100.000.000 – 200.000.000 60.000.000 – 80.000.000
>200.000.000 – 300.000.000 80.000.000 – 110.000.000
>300.000.000 – 400.000.000 110.000.000 – 150.000.000
>400.000.000 – 500.000.000 150.000.000 – 200.000.000
>500.000.000 200.000.000 – 250.000.000

 2. Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định như bảng trên nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

– Sản xuất, nhập khẩu hàng hóa mang chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn;

– Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện các hành vi trên.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh;

– Sử dụng chỉ dẫn thương mại trên giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, gồm cả phương tiện dịch vụ, biển hiệu, bao bì hàng hóa gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng;

– Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

* Thứ hai, về hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, kể cả hoạt động thương mại điện tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm nêu trên.

* Thứ ba, về biện pháp khắc phục hậu quả:

– Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm.

– Buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, trang tin điện tử đối với hành vi vi phạm.

– Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền;

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp

Việc xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chính là căn cứ để xác định khung tiền phạtthẩm quyền xử phạt. Việc xác định giá trị này được áp dụng dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên như sau:

– Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;

– Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợpkhông có thông báo giá thì giá theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;

– Giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán.

Đối với tang vật là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thì giá trị hàng hóa đó cũng được xác định như giá trị hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp .

Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ nêu trên để xác định giá trị tang vật là hàng hóa, dịch vụ vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạtthẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể raquyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá.