Câu hỏi: Chào luật sư, tôi có câu hỏi sau đây muốn được giải đáp. Người quen của tôi muốn vay tiền để giải quyết việc cá nhân. Anh ta muốn lấy chiếc xe hơi của mình ra thế chấp để đảm bảo là sẽ thực hiện trách nhiệm trả nợ cho tôi sau này. Về phần mình, tôi muốn đăng ký giao dịch đảm bảo bằng chiếc xe hơi này để tránh trường hợp có vấn đề không hay gì về sau. Tôi cũng đọc báo và biết thông tin rằng có một dự thảo Nghị định về đăng ký giao dịch đảm bảo. Xin luật sư cho tôi hỏi là theo Dự thảo Nghị định này nếu tôi muốn đăng ký biện pháp đảm bảo nêu trên mà pháp luật không bắt buộc phải đăng ký thì tôi có thể đăng ký được không? Và tôi phải liên hệ với cơ quan nào để đăng ký?
Câu trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi của mình đến cho công ty của chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Theo quy định định tại điều 298 Bộ Luật Dân sự 2015 thì
“1. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định
2. Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
3.Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm”
Dự thảo Nghị định đăng ký giao dịch đảm bảo có phân đĩnh rõ những biện pháp đảm bảo bắt buộc phải đăng ký và những biện pháp đảm bảo đăng ký theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Cụ thể Điều 4 của Dự thảo Nghị định đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:
1.Các biện phápbảo đảm sau đây phải đăng ký:
a) Thế chấp quyền sử dụng đất;
b) Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;
c) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
d) Thế chấp tàu biển;
đ) Các trường hợp khác, nếu luật có quy định.
2.Các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu, gồm:
a) Thế chấp động sản, trừ tàu bay, tàu biển;
b) Thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
c) Bảo lưu quyền sở hữu;
d) Các trường hợp khác.
3.Việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, hợp đồng cho thuê tài chính và các giao dịch dân sự khác được đăng ký theo quy định của Nghị định này khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Như vậy, trong tình huống của bạn chiếc xe hơi là động sản nhưng không phải là tàu bay, tàu biển do vậy theo dự thảo này việc thế chấp sẽ được đăng ký theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Như vậy thì mặc dù biện pháp đảm bảo này pháp luật không bắt buộc bạn phải đăng ký nhưng nếu bạn có mong muốn thì có thể yêu cầu cơ quan đăng ký tiến hành đăng ký.
Điều 62 Dự thảo Nghị định có quy định như sau về Cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm và cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm
- Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay.
- Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển.
- Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện phápbảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Như vậy trong trường hợp bạn là bên nhận thế chấp chiếc xe hơi thì theo yêu cầu của bạn Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký biện pháp đảm bảo này cho bạn. Nếu có thắc mắc gì thêm xin bạn vui lòng liên hệ với công ty của chúng tôi.