Bộ luật lao động năm 2012 quy định như thế nào về đình công?

440

Câu hỏi: Vừa rồi công ty mình vừa có cuộc đình công. Nhưng công đoàn không đứng ra tổ chức. Mọi người có gửi bản kiến nghị và đã được công ty thông qua. Và đã hứa sẽ không đuổi bất kì ai nếu người đó không vi phạm pháp luật. Nhưng bây giờ khi thanh tra khách hàng đã xong thì công ty lên danh sách đuổi. Yêu cầu một là tự viết đơn thôi việc, hai là công ty sẽ đuổi với lý do tổ chức đình công bất hợp pháp. Cho mình hỏi trong trường hợp này mình phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Lý do công ty đưa ra tổ chức đình công bất hợp pháp có đúng luật hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Bộ luật Lao động không có quy định về việc thế nào là đình công hợp pháp. Tuy nhiên căn cứ vào các quy định trong Bộ luật Lao động 2012 thì có thể xác định đình công hợp pháp khi không thuộc các trường hợp đình công bất hợp pháp (Điều 215 Bộ luật Lao động 2012):

Các trường hợp sau đây bị coi là đình công bất hợp pháp:

+ Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

+ Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.

+ Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

+ Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

+ Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Ngoài ra đình công phải được tiến hành sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được.

Hoặc sau 03 ngày trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Thứ nhất, đối với trường hợp của bạn, nếu Công đoàn không đứng ra tổ chức và lãnh đạo đình công thì việc người lao động tự ý nghỉ việc, đòi quyền lợi không được coi là đình công. Do đó hành vi này của người lao động có thể bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại cho công ty nếu gây ra thiệt hại.

Thứ hai, việc công ty đưa ra lý do đình công bất hợp pháp là không đúng. Bởi đây chưa được coi là đình công.

Thứ ba, nếu thời gian tự ý bỏ việc của người lao động cộng dồn không quá 05 ngày/1 tháng hoặc 20 ngày/ 1 năm thì không được áp dụng biện pháp kỷ luật sa thải (khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012).

Để bảo vệ quyền lợi của mình và những người lao động khác bạn có thể kiến nghị với Công đoàn cơ sở để được giải quyết đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.