Thẩm tra đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện

463

Căn cứ vào Điều 45 Nghị định 108/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

1. Hồ sơ thẩm tra đầu tư từ 300 tỷ đòng Việt Nam trở lên và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện bao gồm  gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư (theo mẫu);

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác đối với nhà đầu tư là tổ chức; bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân đối với nhà đầu tư là cá nhân;

c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);

d) Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất; giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;

đ) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2. Đối với trường hợp thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:

a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

3. Nội dung thẩm tra:

a) Sự phù hợp với: quy hoạch kết cấu hạ tầng – kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.

Đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch hoặc chưa có trong quy hoạch nêu trên thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch;

b) Nhu cầu sử dụng đất: diện tích đất, loại đất và tiến độ sử dụng đất;

c) Tiến độ thực hiện dự án: tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án;

d) Giải pháp về môi trường: đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường.